Internet đang giảm tốc

ANTĐ - Số người dùng Interrnet toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại sau thời gian khá dài phát triển với tốc độ được mô tả là bùng nổ.

Internet đang giảm tốc ảnh 1Cơ sở hạ tầng lạc hậu và rào cản ngôn ngữ là những trở ngại làm chậm lại 
tốc độ tăng trưởng của Internet toàn cầu

Trong kết quả cuộc khảo sát về tốc độ tăng trưởng của Internet trên toàn cầu công bố ngày 24-2, mạng xã hội Facebook phổ biến nhất thế giới đã đưa ra nhận định khá bất ngờ. Đó là tốc độ tăng trưởng của Internet trên phạm vi toàn cầu đang có xu hướng chậm lại khi tỷ lệ số người dùng mới chỉ tăng có 6,6% trong năm 2014 và là năm có tỷ lệ người dùng mạng thông tin toàn cầu mới giảm lần thứ tư liên tiếp so với năm trước đó.

Mặc dù đến đầu năm nay, ước tính có khoảng 3 tỷ người  có thể truy cập mạng, song điều này cũng đồng nghĩa mới chỉ có 40% dân số thế giới được tiếp cận Internet. Bên cạnh đó, trên toàn cầu có 4,3 tỷ người chưa hề biết và tiếp cận với Internet và 90% số người này hiện đang sống tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có 2,5 tỷ người là công dân thuộc 42 quốc gia có trình độ phát triển thấp nhất thế giới.

Trong 3 tỷ người dùng Internet hiện nay trên thế giới thì có tới khoảng 76% dân số tại các nước phát triển truy cập mạng toàn cầu, trong khi con số này tại các nước đang phát triển chỉ khiêm tốn ở mức 29,8%. Một số khu vực nghèo trên thế giới thậm chí có tỷ lệ dân sử dụng Internet còn thấp hơn nhiều như vùng hạ sa mạc Sahara của châu Phi chỉ có 16,9% số dân dùng Internet, Nam Á còn thấp hơn với 13,7%.

Với tốc độ tăng trưởng có xu hướng ngày càng chậm lại này, Facebook dự đoán lượng người truy cập Internet toàn cầu sẽ khó đạt con số 4 tỷ người trước năm 2019 như kỳ vọng. Tốc độ tăng trưởng của Internet hiện nay chắc chắn rất khó để lặp lại thời kỳ bùng nổ trước đó như tăng từ 250 triệu người sử dụng Internet năm 2000 lên 2 tỷ người vào năm 2010.

Lý giải về tốc độ tăng trưởng chững lại của Internet toàn cầu, Facebook cho rằng có 3 yếu tố chính khiến người dân trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, khó tiếp cận với Internet: Đó là do thiếu cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế eo hẹp và rào cản về ngôn ngữ. Theo khảo sát, người dân không truy cập mạng vì họ không biết đến Internet, hoặc không có nội dung phù hợp được hiển thị bằng ngôn ngữ của họ nên họ không thể đọc hay hiểu các nội dung trên mạng. Ví dụ như trang từ điển bách khoa toàn thư Wikipedia được người dùng Internet hiện nay thường truy cập để tra cứu chỉ có sẵn 52 ngôn ngữ, trong khi để cung cấp nội dung phù hợp cho 80% dân số thế giới cần phải có sẵn tới 92 ngôn ngữ. 

Trước đó không lâu, Hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey cũng công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 60% số dân thế giới còn “mù” Internet. Hãng này cho rằng nghèo túng, trình độ công nghệ thấp và cơ sở hạ tầng lạc hậu là những rào cản chính đối với việc tiếp cận Internet trên thế giới, với 50% số những người không sử dụng mạng toàn cầu này sống dưới ngưỡng nghèo khổ ở nước họ và 64% sống tại các vùng nông thôn.

Trước thực trạng trên, trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook kêu gọi các công ty công nghệ, chính phủ các nước và các tổ chức phi chính phủ cần triển khai nhiều biện pháp hiệu quả để thúc đẩy lượng người dùng Internet trên toàn cầu. Bởi theo Facebook, việc tiếp cận Internet sẽ tạo nhiều cơ hội cho người dân cũng như góp phần phát triển kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại các nước đang phát triển.