Hạ cánh không an toàn

ANTĐ - Vụ bắt giữ và đưa ra tòa cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates với cáo buộc tham nhũng, trốn thuế… đang làm chấn động dư luận không chỉ quốc gia đang ngụp lặn trong khủng hoảng nợ công này.

Hạ cánh không an toàn ảnh 1Cựu Thủ tướng Jose Socrates bị bắt giữ tại sân bay Lisbon tối 22-11

Ngày 23-11, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates đã được đưa trở lại Tòa án hình sự Lisbon để tiến hành vòng thẩm vấn thứ hai trong cuộc điều tra liên quan tới các cáo buộc tham nhũng, rửa tiền và trốn thuế. Ông Socrates đã bị thẩm vấn lần đầu ngày 22-11 trong khoảng 5 giờ liên tục tại Tòa án hình sự Lisbon.

Trước đó, cựu Thủ tướng - cựu lãnh đạo đảng Xã hội Bồ Đào Nha Socrates đã bị bắt giữ đêm 21-11 khi đang bay từ Thủ đô Paris của Pháp về Thủ đô Lisbon. Ngay sau khi máy bay hạ cánh, ông bị lực lượng cảnh sát đưa thẳng về khu tạm giam để phục vụ công tác điều tra theo cáo buộc của các công tố viên.

Ông Socrates làm Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 2005 - 2011 và khi đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công, ông đã giúp nước này ký thành công gói cứu trợ 78 tỷ euro với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuy nhiên, phe đối lập sau đó cho rằng nước này phải “ngửa tay” xin cứu trợ là vì chính ông Socrates đã đẩy đất nước vào khủng hoảng nợ công. 

Uy tín của chính phủ do ông Socrates đứng đầu sau đó “xuống dốc không phanh” khiến ông phải từ chức ngày  23-3-2011 và di cư sang Pháp sống năm 2011. Ra tận nước ngoài để “hạ cánh” song ông Socrates vẫn không được “an toàn” khi ngay trong năm 2011, các công tố viên Bồ Đào Nha đã lật lại vụ kiện mang tên “Freeport” liên quan đến ông, trong đó cáo buộc cựu Thủ tướng đã nhận hối lộ trong việc xây dựng một trung tâm mua sắm ở ngoại ô Lisbon. Một năm sau, hàng loạt quan chức từng một thời thân cận với ông Socrates cũng bị buộc tội hối lộ, rửa tiền và chạy quyền chức trong vụ bê bối nổi tiếng khác có tên “Hidden Face” (Kẻ giấu mặt).

Cho đến nay, ông Socrates vẫn phủ nhận mọi cáo buộc nhằm vào mình. Tuy nhiên, tiến trình điều tra và thẩm vấn cựu Thủ tướng vẫn tiếp tụcđược tiến hành.

Trước khi cựu Thủ tướng Socrates bị bắt giữ và đưa ra tòa, ở châu Âu đã chứng kiến không ít vụ cựu nguyên thủ quốc gia dù đã “hạ cánh” song vẫn bị pháp luật “sờ gáy” do những cáo buộc hay sai phạm lúc cầm quyền. Tháng 8-2013, cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi (76 tuổi) đã bị tòa tuyên án 4 năm tù giam vì tội trốn thuế trong vụ án Mediaset, và hồi tháng 4-2014, bản án được giảm xuống thành 1 năm tù bằng hình thức lao động công ích thay vì bị quản thúc tại gia.

Cuối tháng 6 vừa qua, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy trở thành cựu nguyên thủ quốc gia Pháp đầu tiên bị tạm giữ hình sự để thẩm vấn do bị nghi ngờ lạm dụng ảnh hưởng của mình khi đương chức. Trước đó, người tiền nhiệm của ông Sarkozy là Jacques Chirac cũng từng bị nhận án tù treo năm 2011 vì biển thủ công quỹ và vi phạm sự tín nhiệm trong thời gian còn là Thị trưởng Paris.

Các vụ bắt giữ ông Socrates, tuyên án tù với các ông Berlusconi, Chirac… cho thấy với pháp luật không có “vùng cấm”, bất cứ ai vi phạm pháp luật, dù giữ cương vị gì và khi nào, cuối cùng đều phải đối mặt với công lý.