Giải cơn khát năng lượng

ANTĐ - Các quốc gia Đông Nam Á cần phải đầu tư hàng nghìn tỷ USD để giải cơn khát năng lượng nếu không sẽ tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế cũng như vấn đề xã hội của khu vực trong tương lai.

Giải cơn khát năng lượng ảnh 1
Nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á sẽ tăng cao nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế
và nhu cầu tiêu dùng của người dân


Trong báo cáo “Triển vọng Năng lượng Đông Nam Á” vừa công bố, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) khuyến cáo, 10 quốc gia Đông Nam Á cần đầu tư tới 1.700 tỷ USD vào phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng để đối phó với sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu năng lượng cũng như sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu trong vài thập kỷ tới. Cũng theo IEA, các nước khu vực cần tìm kiếm nguồn cung cấp than đá bởi loại nhiên liệu này sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với việc sản xuất điện trong tương lai.

Hiện mức sử dụng năng lượng bình quân đầu người của Đông Nam Á chỉ bằng một nửa mức trung bình của toàn cầu và hiện vẫn có tới 1/5 số dân thiếu điện. Tuy nhiên, IEA cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân, Đông Nam Á sẽ trở thành một trong những khu vực có tốc độ tiêu thụ năng lượng cao nhất trên thế giới, dự báo tăng 80% từ nay tới năm 2035.

Tới thời điểm trên, nhập khẩu dầu của các nước Đông Nam Á sẽ tăng lên hơn 5 triệu thùng/ngày, cao hơn gấp đôi mức tiêu thụ hiện nay. Vào năm 2035, Đông Nam Á sẽ trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU), trong khi sản xuất dầu trong khu vực sau 20 năm nữa sẽ giảm gần 1/3. 

IEA dự báo Đông Nam Á sẽ tiêu thụ năng lượng tương đương tăng 1 tỷ tấn mỗi năm vào năm 2035, chiếm 10% tốc độ tăng trưởng sử dụng nhiên liệu toàn cầu. Trong đó, tiêu thụ khí đốt thiên nhiên cũng tăng 77% lên 250 tỷ mét khối, tiêu thụ than tăng gấp 3 lần với tốc độ tăng trưởng trung bình 4,8%/năm và lượng than sử dụng ở Đông Nam Á sẽ chiếm tới gần 50% nhu cầu năng lượng của khu vực.

Gia tăng mạnh nhu cầu năng lượng, theo IEA, sẽ gây áp lực gia tăng chi phí khiến các nền kinh tế Đông Nam Á dễ bị tổn thương hơn trước các biến động về nguồn cung cấp năng lượng. Để đảm bảo an ninh và bền vững năng lượng, các nước Đông Nam Á cần có sự đầu tư thích đáng với khoảng 1.700 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng năng lượng, chiếm 60% tổng đầu tư của ngành năng lượng khu vực. 

Nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định trong tương lai, nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng đã đi trước một bước để tìm kiếm các đối tác chiến lược dài hạn. Trong đó đáng chú ý là việc Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas) đã quyết định đầu tư 36 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng của Canada mà theo đó Petronas sẽ xây dựng một nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng và tài trợ cho một công ty của Canada xây dựng một hệ thống đường ống dẫn khí từ nhà máy này ra bờ biển phía Tây của Canada để xuất khẩu sang châu Á.

Bên cạnh đó, các nước Đông Nam Á cũng cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp khác, phát triển các nguồn năng lượng khác ngoài nhiên liệu hoá thạch (dầu mỏ, khí đốt và than đá) như điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời... Một trong những biện pháp quan trọng được nêu là thực hiện tiết kiệm năng lượng, bởi theo IEA, việc tăng cường áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng để có thể cắt giảm 15% nhu cầu năng lượng vào năm 2035.