Đồng minh sinh nghi

ANTĐ - Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh then chốt của Mỹ ở châu Á. Thế nhưng những lời nói hoa mỹ của Ngoại trưởng John Kerry về quan hệ đồng minh bền chặt Mỹ - Hàn cũng không thể xóa bỏ sự nghi ngại từ phía Seoul. Trong khi đó, sự trỗi dậy của Nhật Bản không hẳn là điều mà Mỹ mong muốn.

Đồng minh sinh nghi ảnh 1Chiến hạm JS Hyuga của Nhật Bản

Hàn Quốc nghi ngờ

Ngày 18-5, trong chuyến thăm Seoul, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định liên minh vững chắc giữa Mỹ và Hàn Quốc. Theo ông Kerry, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn đang ở trong trạng thái tốt nhất từ trước tới nay, giữa hai bên không có bất cứ sự khác biệt nào đối với những “khiêu khích và chương trình hạt nhân” của Triều Tiên.

Những mỹ từ của ông Kerry dường như có sức thuyết phục cao bởi trước đó, Bình Nhưỡng ngày 9-5 tuyên bố đã bắn thử thành công một loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Giới chuyên gia quân sự đánh giá, nếu thông tin này là xác thực thì đây sẽ là mối đe dọa lớn đối với Hàn Quốc bởi các tàu ngầm của Triều Tiên có thể di chuyển bí mật và tấn công từ bất kỳ hướng nào. 

Đáng chú ý, trong bài phát biểu tại Seoul, ông Kerry cũng trấn an Hàn Quốc rằng “sẽ không có gì” chống lại Hàn Quốc khi Mỹ - Nhật thực thi nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng mới. Theo nguyên tắc này, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ được phép hoạt động trên Bán đảo Triều Tiên nhằm trợ giúp cho quân đội Mỹ mà không cần có sự cho phép từ phía Hàn Quốc. Thực tế thì nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật đã có từ năm 1978 với trọng tâm là bảo vệ Nhật Bản trước Liên Xô.

 Phiên bản cập nhật lần thứ hai (lần đầu năm 1997) được công bố ngày 27-4 trong cuộc họp 2+2 giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ-Nhật. Tuy nhiên, nội dung “nhạy cảm” như trên đã ngay lập tức khiến Hàn Quốc chú ý. Giới phân tích Hàn Quốc thậm chí còn “suy diễn” rằng theo nguyên tắc hướng dẫn mới thì điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ giúp đỡ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo Chính phủ nước này sẽ thảo luận chi tiết về văn kiện này với cả Mỹ và Nhật Bản. Chính phủ Hàn Quốc cũng đánh tiếng rằng Tokyo phải tìm kiếm thỏa thuận với Seoul một khi hoạt động quân sự của Nhật Bản có thể gây ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Hàn Quốc.

Sự lo ngại của Hàn Quốc là có lý do bởi nước này và Nhật Bản hiện đang tồn tại những bất đồng liên quan tới tranh chấp lãnh thổ và vấn đề lịch sử. Quan hệ Hàn-Nhật mới đây đã gia tăng căng thẳng khi Bộ Giáo dục Nhật Bản cho phép xuất bản 18 cuốn sách giáo khoa mới cho học sinh trung học, trong đó khẳng định nhóm đảo Dokdo mà Nhật Bản gọi là Takeshima thuộc chủ quyền của Nhật Bản. Tokyo tuyên bố rằng Nhật Bản đã sáp nhập nhóm đảo này vào tỉnh Shimane năm 1905, tuy nhiên Seoul khẳng định nhóm đảo này là khu vực đầu tiên bị Đế quốc Nhật chiếm đóng trên Bán đảo Triều Tiên.

Ngoài ra, những mâu thuẫn về lịch sử cũng tiếp tục khiến Hàn Quốc mất lòng tin vào Nhật Bản. Ngày 21-4, tổng cộng 1004 nạn nhân người Hàn Quốc và các gia đình bị mất người thân, những người từng bị bắt phải làm việc trong các nhà máy sản xuất vũ khí của Nhật Bản trong Thế chiến II đã nộp đơn kiện khoảng 60 công ty Nhật Bản, trong đó có Tập đoàn Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries lên Toà án Trung ương Seoul để đòi bồi thường khoảng 100 tỷ won (92 triệu USD).

Giới lãnh đạo Nhật Bản hiện nay cũng có nhiều hành động gây phản ứng mạnh từ phía Hàn Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chỉ một năm sau khi trở lại cầm quyền đã tới viếng Đền Yasukuni - nơi thờ những người Nhật Bản thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, trong đó có 14 tội phạm chiến tranh hạng A. 

Mỹ cũng cảnh giác với Nhật Bản?

Không chỉ Hàn Quốc thể hiện sự ngờ vực đối với Nhật Bản, mà ngay cả Mỹ cũng có tâm lý tương tự. Dù Nhật Bản là đồng minh then chốt và đóng vai trò quan trọng trong chiến lược “xoay trục”, nhưng Mỹ luôn thể hiện phản ứng trái chiều, vừa ủng hộ vừa cảnh giác, trước sự trỗi dậy của Tokyo. Theo kết quả thăm dò dư luận mới đây do Viện Pew tiến hành, 47% số người Mỹ được hỏi hoan nghênh Nhật Bản đóng vai trò an ninh ngày càng lớn, một phần để chia sẻ gánh nặng tài chính và hậu cần với Mỹ. Tuy nhiên, cũng có tới 43% tin rằng, với lịch sử gây hấn của mình, Nhật Bản nên bị hạn chế về quân sự. 

Thực tế thì sự quyết đoán của Nhật Bản cũng có thể khiến Mỹ khó xử trong một số vấn đề mà Washington muốn né tránh. Ví dụ như lập trường không thỏa hiệp của Tokyo trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản gây sức ép để Chính quyền Obama phải khẳng định hiệp định phòng thủ song phương Mỹ-Nhật bao trùm cả quần đảo này, dù trên thực tế qui chế pháp lý của Senkaku/Điếu Ngư vẫn còn tranh cãi.

Mọi cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới tranh chấp này đều sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tức thời cho Mỹ. Nhật Bản mạnh lên sẽ giúp Mỹ chia sẻ gánh nặng, song điều đó cũng có nghĩa là Nhật Bản có thể trở thành một siêu cường có tư duy độc lập hơn với một chính sách của riêng họ. Các mục đích của Tokyo đôi khi có thể sẽ xung đột với các chính sách hay thậm chí là các lợi ích then chốt của Mỹ. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để Mỹ có thể kiềm tỏa được Nhật Bản trong trường hợp cần thiết?