Đồng lòng trong “cơn bão kép”

ANTĐ - Hiếm có khi nào nước Nga rơi vào tình thế khó khăn như hiện nay do lệnh trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên tiếp đưa ra. Thế nhưng cũng hiếm khi người ta thấy một nước Nga đồng lòng vượt khó đến vậy.

Đồng lòng trong “cơn bão kép” ảnh 1Do cấm vận, đồng rúp Nga đang mất giá nhanh chóng

Tuần trước, Tổng thống Mỹ B. Obama đã ký ban hành Luật “Ủng hộ tự do tại Ukraine” cho phép áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các công ty năng lượng và quốc phòng của Nga. Luật này cũng “bật đèn xanh” cho việc cung cấp viện trợ quân sự trị giá 350 triệu USD cho Ukraine, kể cả các vũ khí chống tăng và thiết giáp. EU cũng thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung, cấm toàn bộ hoạt động đầu tư và hạn chế thương mại với Crimea và Sebastopol. 

Khỏi phải nói những lệnh trừng phạt này tác động tiêu cực thế nào với kinh tế Nga. Hôm 16-12 vừa rồi, nước Nga đã trải qua một ngày mà tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) gọi là “Thứ ba đen tối”, khi cả đồng rúp, chứng khoán, trái phiếu và giá dầu đều lao dốc. Giới chức Nga thừa nhận rằng, kinh tế nước này sẽ suy thoái trong năm 2015 nếu tình hình không có gì khả quan hơn.

Vốn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu dầu mỏ (chiếm đến 50%), kinh tế Nga đã bộc lộ những nhược điểm trước một “cơn bão kép” của giá dầu giảm sút và lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo giới chuyên gia, giá dầu cứ giảm 1 USD, thì ngân sách Nga mất 2 tỷ USD/năm. Ngân sách năm 2015 của Nga được xây dựng trên cơ sở giá dầu ở mức 100USD/thùng, tuy nhiên cho tới nay giá dầu đã xuống còn khoảng 60 USD/thùng và ngân sách Nga sẽ thâm hụt khoản tiền tương đương với 40% sự sụt giảm giá dầu. 

Vì công nghệ và thiết bị kỹ thuật của châu Âu rất cần thiết cho việc khai thác các mỏ dầu khó ở thềm lục địa ở Bắc cực của Nga, nên lệnh cấm vận sẽ khiến sản lượng dầu mỏ của Nga giảm 26-52 triệu tấn dầu thô/năm. Dự báo trong năm nay, Nga bị thiệt hại kinh tế khoảng 23 tỷ euro, chiếm khoảng 1,5% GDP. Sang năm 2015, thiệt hại sẽ là 75 tỷ euro, khoảng 4,4% GDP.

Thiệt hại với nước Nga là rõ ràng. Nhưng cũng rõ một điều là khuất phục nước Nga không hề dễ dàng như tính toán của Mỹ và EU. Trước hết, người dân Nga hiểu rõ rằng trừng phạt không phải là động thái mới của phương Tây. Trước đây họ vẫn sử dụng các chính sách này đối với những nước không đi theo con đường của họ. Điều đó giải thích tại sao trước những khó khăn về kinh tế, ông V. Putin vẫn là Tổng thống được người dân Nga ủng hộ.

Nhà phân tích chính trị, kinh tế nổi tiếng G. Friedman thì cho rằng phương Tây đang ảo tưởng về tác động của các biện pháp trừng phạt với Nga. Theo ông G. Friedman, người Nga có sức chịu đựng khủng hoảng kinh tế tốt hơn nhiều người Mỹ và các nước EU. Họ đã quen với những khó khăn kinh tế và hiện tại cuộc sống của người dân Nga không thay đổi quá nhiều so với trước lệnh cấm vận.

Nhiều nhà kinh tế còn cho rằng việc giá dầu thế giới giảm cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ là động lực để nước này chuyển đổi cơ cấu. Trước đây giá dầu cao đem lại nguồn thu lớn, nhiều ngành nghề bị bỏ mặc. Nay khó khăn sẽ thúc đẩy nước Nga đầu tư vào các ngành đó để bớt phụ thuộc vào phương Tây. Đó là cơ sở để Tổng thống Nga V. Putin tin rằng kinh tế Nga sẽ vượt qua “cơn bão kép” và hồi phục sau hai năm nữa.