Địa bàn lợi ích

ANTĐ - Nhật Bản lại có thêm một động thái nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Sách Trắng Vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) 2014 của Nhật Bản được công bố  ngày 13-3 đã khẳng định ASEAN là địa bàn trọng điểm để bảo đảm lợi ích của Nhật Bản. 

Địa bàn lợi ích ảnh 1Trung tâm ASEAN- Nhật Bản tại Tokyo là một trong những kênh thúc đẩy tích cực quan hệ 
giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á

Trải qua hơn 40 năm cùng xây dựng quan hệ, hiện Nhật Bản và ASEAN là đối tác chiến lược của nhau với nhiều  lợi ích song trùng. Nhật Bản đã hỗ trợ các nước ASEAN rất nhiều trong quá trình phát triển thông qua các chương trình như Hành lang kinh tế Đông – Tây, Khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng…

Ở chiều ngược lại, một ASEAN ngày càng thịnh vượng sẽ mở ra vô số cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp Nhật Bản. Hiện có khoảng 7.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại các nước ASEAN. Theo kết quả khảo sát tại các doanh nghiệp Nhật Bản, trong danh sách 20 địa chỉ đầu tư ưu tiên hàng đầu trong vài năm tới, có đến 8 nước thành viên ASEAN. Chẳng thế mà trong Sách Trắng ODA 2014, Nhật Bản nhấn mạnh các nước ASEAN là “thị trường vô cùng quan trọng” và “môi trường thuận lợi dành cho đầu tư”.

Không những vậy, ASEAN còn hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản hơn nữa khi hoàn thành việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay. Nhiều người đã dự báo rằng ASEAN sẽ giúp châu Á bay cao trong tương lai. Ví dụ, theo một báo cáo của Công ty tư vấn IHS Global Insights, tổng GDP của các thành viên ASEAN sẽ đạt 4,7 nghìn tỷ USD năm 2020 và 10 nghìn tỷ USD năm 2030. IHS Global  Insights khẳng định, ASEAN sẽ là động lực chính cho sự phát triển của châu Á trong hai thập kỷ tới, giúp nâng cao thu nhập và mức sống của người dân trong toàn khu vực. 

Không chỉ ở lĩnh vực đầu tư – thương mại, ASEAN còn có vai trò sống còn đối với an ninh quốc gia Nhật Bản. Do các tuyến hàng hải nối liền Nhật Bản với thế giới bên ngoài đều đi ngang khu vực nên sự ổn định của ASEAN là điều kiện tiên quyết cho một nước Nhật hòa bình và phát triển phồn vinh. Cũng không lạ khi Sách Trắng ODA 2014 nhấn mạnh “việc phát triển và duy trì sự ổn định trong ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản, trong đó có việc đảm bảo an toàn cho hàng hóa của Nhật Bản khi lưu thông qua khu vực”.

Từ bấy lâu nay, Nhật Bản đã nhiều lần chính thức lên tiếng bày tỏ lo ngại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ bùng phát thành xung đột. Ông Kimihiro Ishikane, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nhật Bản tại ASEAN từng viết trên tờ Jakarta Post rằng: “Thách thức cấp bách nhất mà khu vực phải giải quyết, là giữ gìn hòa bình và ổn định trên mặt biển.

Tự do thông thương hàng hải là điều kiện tiên quyết giúp tất cả các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương phát triển phồn thịnh. Mọi bất đồng quan điểm trong việc phân định một vùng đất, hoặc một vùng biển đặc biệt nào đó, phải được giải quyết giữa các bên có liên quan. Ở đây, những ai cho rằng mình hành động vì quyền lợi của cả khu vực, thì người đó trước tiên phải tôn trọng luật biển đã được cộng đồng quốc tế công nhận, phải chứng minh bằng hành động cụ thể là mình đang nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Nếu ai đó có thái độ ứng xử lời nói không đi đôi với việc làm, cố tình khiêu khích hoặc gây áp lực lên đối phương, tất cả chúng ta phải đồng lòng lên tiếng tố cáo và phản đối, tạo thành sức mạnh tập thể trấn áp hành vi tiêu cực đó”.

Việc Nhật Bản ngày càng coi trọng ASEAN dựa trên một logic dễ hiểu. Đó là Nhật Bản có nhiều quyền lợi chiến lược chung với ASEAN và cùng coi trọng hòa bình và ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương.