Cuộc đổi ngôi quyền lực

ANTĐ - Tương lai chính trường Nga đã trở nên sáng rõ sau khi đích thân Tổng thống Dmitry Medvedev không tái tranh cử mà giới thiệu Thủ tướng Vladimir Putin ra tranh cử Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử được ấn định vào ngày 4-3 năm sau.

Hai ông Madvedev (phải) và Putin luôn là một cặp đôi quyền lực ăn ý

Với uy tín chính trị vượt trội cũng như sự áp đảo của Đảng cầm quyền “Nước Nga thống nhất” (UR), ông Putin được xem là không có đối thủ cân tài cân sức trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Sự tiến cử của đương kim Tổng thống Medvedev càng khiến cho việc ông Putin trở lại Điện Kremli sau 4 năm làm Thủ tướng Nga chỉ còn là vấn đề thời gian.

Cũng ngay sau việc đề cử ông Putin làm ứng cử viên Tổng thống của UR tại Đại hội thường niên ngày 24-9 vừa qua, Tổng thống Medvedev đã chấp nhận lãnh đạo đảng cầm quyền này trong cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga vào tháng 12 tới. Như vậy, ông Medvedev sẽ tiếp quản chiếc ghế Chủ tịch UR hiện do ông Putin nắm giữ trong tương lai không xa.

Theo nhận định của các nhà quan sát về kết quả Đại hội UR diễn ra ở Thủ đô Matxcơva, hai nhà lãnh đạo Medvedev và Putin sẽ đổi ngôi cho nhau sau hai cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Nga. Ông Putin sẽ trở lại Điện Kremli-dinh Tổng thống, còn ông Medvedev sẽ “dọn nhà” sang Nhà trắng-trụ sở Chính phủ Nga.

Song điều quan trọng nhất, theo giới bình luận, cho dù có đổi ngôi thì hai ông Medvedev và Putin vẫn sẽ là một cặp bài trùng quyền lực ăn ý tại nước Nga. Hai ông đã kề vai sát cánh cùng nhau đưa nước Nga ra khỏi tác động xấu của cuộc khủng kinh tế thế giới và sẽ còn tiếp tục cùng nhau lãnh đạo nước Nga trong tương lai.

Một cuộc cạnh tranh quyền lực, nếu như hai ông Medvedev và Putin cùng ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, không những tổn hại đến tình bạn khăng khít giữa hai nhà lãnh đạo mà còn không có lợi cho nước Nga. Nước Nga dù sao vẫn rất cần có sự ổn định chính trị để tiếp tục vững bước trên con đường trở lại vị thế cường quốc hàng đầu thế giới.

Về phản ứng của phương Tây đối với quyết định tái tranh cử Tổng thống của ông Putin, phát ngôn Nhà Trắng Tommy Vietor nhấn mạnh tin tưởng rằng việc “thiết lập lại” quan hệ giữa Washington với Matxcơva sẽ tiếp tục dù cho ai sẽ là tân Tổng thống Nga nhiệm kỳ tới, vì lợi ích chung của Mỹ, Nga và cả thế giới. Ông Vietor cũng cho rằng quyết định bầu chọn ai làm Tổng thống do người dân Nga tự quyết.

Về phần mình, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Zeibert trích lời Thủ tướng nước này, bà Angela Merkel rằng đây là “công việc nội bộ của Nga” và Đức sẽ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

“Ông Putin giờ có thể chiến thắng 2 nhiệm kỳ liên tiếp, giúp ông nắm quyền lực đến ¼ thế kỷ kể từ khi bước vào điện Kremlin năm 2000”, tờ Financial Times viết. “Ông vẫn là một nhân vật chính trị mạnh nhất ở nước Nga dù đã bước sang ngang 4 năm”. Trong khi đó, nhà phân tích của Renaissance Capital nhận định rằng việc ông Putin sẵn sàng tranh cử Tổng thống là dấu hiệu nở rộ của nền kinh tế tài chính Nga, khi các luồng vốn trở lại dễ dàng hơn do được củng cố từ sự ổn định chính trị.