Chuyện thu phục “những quả bom sống”

ANTĐ - Trong giao tranh thực địa, đánh bom liều chết là một trong những giải pháp hiệu quả nhất của các tổ chức Hồi giáo cực đoan. 

Thật khó thống kê hiện có bao nhiêu chiến binh trẻ em đã được “nhào nặn” trong các lò đào tạo của IS ở Iraq và Syria. Và đáng ngại không kém, tuyển dụng và đào tạo trẻ em đánh bom cảm tử cũng là một chiến thuật của Taliban và các mạng lưới khủng bố khác ở Afghanistan và Pakistan. 

Trẻ em dễ bị “tiêm nhiễm”

Một chỉ huy Taliban chuyên tuyển chọn chiến binh trẻ em cho biết, trẻ em được lựa chọn là kẻ đánh bom tự sát vì chúng dễ tin lời người lớn. “Chúng tôi có các chiến binh cảm tử đến từ tất cả các huyện của tỉnh Helmand. Bọn họ chỉ 12, 13 tuổi, già nhất đến 50. Sau 4 tháng hoặc phải mất 6-7 tháng huấn luyện, mọi người sẽ biết mình phù hợp với nhiệm vụ nào, là chiến binh, là trinh sát hay một người đánh bom tự sát”, nhân vật này nói.

Asim Bajwa, một thiếu tướng quân đội Pakistan cho biết, chỉ tính riêng tại một tỉnh của nước này, gần 400 binh sĩ đã thiệt mạng bởi những kẻ đánh bom tự sát tuổi vị thành niên. Các chiến binh này hoạt động thành tổ chức, có chế độ tuyển mộ và luyện tập thích hợp. Ngoài niềm tin tôn giáo, trẻ em được “tiêm nhiễm” tử vì đạo để được lên thiên đường.

Chuyện thu phục “những quả bom sống”  ảnh 1

Những cậu bé từng được huấn luyện thánh chiến học tập tại trường Sabaoon ở Malakand, Pakistan trong điều kiện an ninh nghiêm ngặt

Thiếu tướng Asim Bajwa cho hay, khi Taliban giành quyền kiểm soát khu vực nào đó, chúng sẽ yêu cầu gia đình phải đóng góp một đứa trẻ cùng với một số gia súc và tiền. Vì tính mạng của các gia đình, các bậc cha mẹ không còn sự lựa chọn nào khác. Một khi trẻ em được đưa vào đào tạo để thành những quả bom sống, chúng không được phép gặp lại cha mẹ.

Cơ quan tình báo Afghanistan cho hay, họ đã bắt giữ được ít nhất 90 trẻ em từng được đào tạo làm chiến binh cảm tử, ít tuổi nhất khoảng 13. Trong một nhà tù ở Kabul, nhóm thanh thiếu niên này được giam tách biệt với các tội phạm khác. Nhưng ở Pakistan thì khác, nhà chức trách không tìm cách giam giữ mà cố gắng giáo dưỡng để những đối tượng trẻ em đặc biệt này có thể hòa nhập trở lại với xã hội.

Dứt cuộc sống “ảo” về với đời thực

Thung lũng Swat là địa danh mà các cặp vợ chồng mới cưới ở Pakistan thường đi nghỉ tuần trăng mật. Năm 2006, Taliban tiến vào khu vực này. Chúng cho nổ tung trường học, giết hại bất kỳ người nào có hành vi chống đối. 3 năm sau, quân đội Pakistan mới giành lại quyền kiểm soát thì tìm thấy hàng trăm binh lính trẻ em trong các trại của Taliban.

“Một số có hành vi rất hung hăng, bạo lực. Nhưng tôi thấy được hy vọng có thể thay đổi chúng”, một bác sỹ tâm lý học người Pakistan tâm sự.

Nữ bác sỹ này được quân đội Pakistan mời hợp tác từ năm 2009. Tiếp quản vùng đất của Taliban là một công việc nguy hiểm, nên cô buộc phải sử dụng tên giả và thay đổi giọng của mình.

Ngôi trường dành cho những chiến binh trẻ em này được gọi là Sabaoon, có nghĩa là “Nắng ban mai”. An ninh ở đây được kiểm soát chặt chẽ như một căn cứ quân sự tối mật. Các chiến binh nhỏ tuổi sẽ ở đây cho đến khi được bác sĩ xác định là không còn có nguy cơ trở lại với Taliban.

Đầu tiên, các thanh thiếu niên sẽ phải trải qua một bài kiểm tra khá đặc biệt, đó là thử nghiệm thực tế. Khi ở trong các trại lính, sống tách biệt với cuộc sống thường ngày và thường xuyên xem những đoạn video có cảnh giết chóc, bọn trẻ không phân biệt được đâu là thực, đâu là ảo. Vì thế, các bác sỹ tâm lý và nhà xã hội học phải đảo ngược điều đó, giúp các em tiếp cận với Hồi giáo ôn hòa chứ không phải tư tưởng cực đoan. 

Phóng viên CBS News trò chuyện với một cậu bé 13 tuổi, học sinh của trường Sabaoon. Em kể sau 3 tháng huấn luyện, một đêm, em được giao đánh bom một nhà thờ Hồi giáo vào sáng hôm sau. Trên đường đi bộ tới nhà thờ, em nhận ra đó là sai lầm lớn. Khi quay lại, không thấy người dẫn đường đâu, em đã đi thẳng vào bên trong nhà thờ và đầu hàng cảnh sát.

Thế nhưng, một giáo viên của nhà trường nói rằng, không phải cậu ta đầu hàng mà bị bắt. May mắn là người điều khiển cậu bé hôm đó rời khỏi hiện trường. Thường những trẻ em đánh bom cảm tử luôn có kẻ đi sát theo dõi. Trong một số trường hợp, người này sẽ giữ điều khiển từ xa và nhấn nút kích hoạt bom.

Hiện trường Sabaoon đã chữa trị được cho hơn 220 trẻ em, trong đó 164 em đã được phép về nhà và tiếp tục được nhân viên nhà trường cùng chính quyền theo dõi. Người Pakistan đã chịu mất mát khá nhiều vì những vụ đánh bom tự sát, nhưng họ vẫn quyết tâm đưa những trẻ em này tái hòa nhập cộng đồng và như lời vị bác sỹ tâm lý ở đây nói, họ cũng là nạn nhân, nên tha thứ hơn là trừng phạt.