Chống vũ khí hủy diệt trên toàn cầu

ANTĐ - Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong nỗ lực giải trừ quân bị quốc tế nhằm xây đắp ngôi nhà hòa bình chung cho mọi quốc gia và người dân trên thế giới.
Chống vũ khí hủy diệt trên toàn cầu ảnh 1
Một phiên họp thảo luận về vấn đề hòa bình và an ninh của Đại hội đồng Liên hợp quốc 

Ngày 13-10, phát biểu tại phiên thảo luận chung của Uỷ ban Giải trừ quân bị và an ninh quốc tế Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69 tại trụ sở LHQ, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ đã nhấn mạnh tới lập trường nhất quán của nước ta ủng hộ giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, nhất là giải trừ vũ khí hạt nhân. Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng, cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực để khóa họp năm nay đạt kết quả thực chất, đề cao chủ trương giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. 

Đại diện của Việt Nam coi đó là tiền đề quan trọng để LHQ và các quốc gia LHQ thúc đẩy những vấn đề cấp bách hiện nay như giải trừ vũ khí hạt nhân, chuẩn bị hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 2015, khởi động thương lượng các điều ước quan trọng khác về chất phân hạch, đảm bảo an ninh cho các nước phi vũ khí hạt nhân... Đại sứ nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc cùng các nước phấn đấu vì mục tiêu chung về giải trừ quân bị, đồng thời khẳng định, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ liên quan trong lĩnh vực này. 

Cuộc họp trên tại Đại hội đồng LHQ diễn ra giữa lúc giải trừ quân bị nói chung, giải trừ vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt nói riêng vẫn đang là một đòi hỏi cấp bách dù thế giới đã bước sang thế kỷ 21 được hơn 1 thập kỷ. Theo đánh giá mới nhất của Trung tâm kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân, 9 quốc gia được cho là đang sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và CHDCND Triều Tiên hiện sở hữu khoảng 17.000 vũ khí hạt nhân.

Số vũ khí hạt nhân trên thừa khả năng hủy diệt sự sống trên Trái Đất nhiều lần nhưng các quốc gia đã nêu vẫn không ngừng hiện đại hóa hay mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình. Bên cạnh đó, một số quốc gia khác, đặc biệt là các tổ chức khủng bố quốc tế, đang ráo riết tìm mọi cách để sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí có khả năng hủy diệt hàng loạt như vũ khí hóa học, vi trùng… 

Đáng lo ngại, cùng với gia tăng chạy đua vũ trang, có những quốc gia ỷ vào sức mạnh kinh tế và quân sự đang trỗi dậy mạnh mẽ của mình để thực thi chính sách cường quyền trong quan hệ quốc tế. Một số quốc gia tỏ ra hung hăng, muốn dùng sức mạnh để gây áp lực, gia tăng các yêu sách, đòi hỏi chủ quyền trong tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ với các nước láng giềng.

Là quốc gia từng chịu những đau thương, mất mát vô cùng lớn lao bởi các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước cấm vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt về sinh học, hóa học. Việt Nam cũng luôn chủ trương đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp, bất đồng; lên án và phản đối mạnh mẽ việc dùng vũ lực để thực hiện các tham vọng, đòi hỏi cường quyền trong đời sống quốc tế hiện đại.