Chống khủng bố cần sự chung tay

ANTĐ - Một lần nữa Malaysia lại lên tiếng cảnh báo về nguy cơ khủng bố với khu vực Đông Nam Á, đồng thời khẳng định sự cấp thiết của việc tăng cường hợp tác khu vực nhằm đối phó với hiểm họa tiềm ẩn này. 

Chống khủng bố cần sự chung tay ảnh 1Hiện trường một vụ đánh bom khủng bố ở Thái Lan

Phát biểu với báo giới tại cuộc họp của Câu lạc bộ cựu chiến binh tình báo Hoàng gia Malaysia, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia H. Hussein nhấn mạnh hợp tác an ninh không chỉ nhằm bảo vệ an ninh của vùng lãnh hải mà còn liên quan đến việc chia sẻ thông tin tình báo quân sự nhằm đối phó với khủng bố. Ông cho biết Malaysia đã và đang tăng cường hợp tác với Philippines, Indonesia và Brunei trong việc giải quyết các mối đe dọa của khủng bố và phiến quân.

ASEAN chỉ có 10 quốc gia với diện tích khoảng 4,5 triệu km2 và dân số khoảng 575 triệu người nhưng ở đây có sự góp mặt của tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới. Vị trí chiến lược về kinh tế, quân sự cùng sự phức tạp trong thành phần dân cư là điều kiện cho các hoạt động khủng bố diễn ra. Vụ đánh bom tại Bali Indonesia vào tháng 10-2002 do nhóm vũ trang Hồi giáo Jemaah Islamiyah có liên hệ với Al Qaeda tiến hành là hồi chuông thức tỉnh về sự hiện hữu của vấn nạn khủng bố đang ngày càng  gia tăng và trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của mỗi quốc gia cũng như  toàn khu vực.

Không những thế, những năm gần đây, tại Đông Nam Á xuất hiện nhiều tổ chức khủng bố mang sắc thái khác nhau với mạng lưới dày đặc. Mối nguy cơ đó càng tăng lên khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày càng xâm nhập sâu vào khu vực để tuyển mộ thêm chiến binh sang Syria, Iraq chiến đấu. Theo báo cáo mới đây của các cơ quan an ninh, hơn 100 người từ Indonesia, Malaysia và miền Nam Philippines đã gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo để tham chiến ở Syria, Iraq. 

Người ta lo ngại rằng, với kinh nghiệm chiến trường Syria và Iraq, khi về nước các chiến binh sẽ tiến hành những cuộc tấn công riêng lẻ đầy nguy hiểm. Malaysia từng hứng chịu các vụ tấn công khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan, khi năm 2000, nhóm Abu Sayyaf gây chấn động thế giới bằng vụ bắt cóc 21 khách du lịch và nhân viên tại một khu nghỉ dưỡng ở Malaysia. Philippines cũng lo ngại khi các thành viên của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), một nhánh của Al-Qaeda đóng tại Philippines, đến Syria hay Iraq để chiến đấu và trở về nước. Lúc đó, MILF có thể sẽ trỗi dậy, đẩy đất nước quay trở lại thời kỳ xung đột.

Thách thức từ khủng bố là rõ ràng. Có điều không một nước nào trong ASEAN có thể tự giải quyết thách thức này, nhất là trong bối cảnh các tổ chức khủng bố tăng cường phương thức hoạt động thông qua mạng xã hội, bao gồm Facebook, để trao đổi thông tin và tuyển dụng thành viên. Chẳng hạn L. Ariffin, một thành viên của đảng Hồi giáo PAS cứng rắn ở Malaysia, với tầm ảnh hưởng lớn trên mạng khi có đến gần 25 nghìn người theo dõi, L. Ariffin có thể tuyên truyền để những người dân theo đạo Hồi tham gia vào phong trào Hồi giáo Jihad.

Chính vì thế, hợp tác khu vực chống khủng bố đã trở thành nhu cầu cấp thiết. Tháng 1-2007, các nước thành viên ASEAN đã cùng nhau ký Công ước ASEAN về chống khủng bố, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác khu vực nhằm ngăn chặn và chống khủng bố dưới tất cả các hình thức và đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan nhà nước có liên quan của các bên trong hoạt động này. 

Đó là cơ sở quan trọng để trong bối cảnh thách thức khủng bố gia tăng, các nước ASEAN tiếp tục cụ thể hóa định hướng hợp tác nêu trong Công ước bằng các việc làm cụ thể. Chẳng hạn, tăng cường các hoạt động phối hợp và diễn tập chung trên biển giữa các nước thành viên ASEAN để nâng cao trình độ thực thi pháp luật cũng như hạn chế nạn trộm cướp, khủng bố trên biển, chia sẻ thông tin, đẩy nhanh thực hiện các thỏa thuận tương hỗ hiện hành trong các vấn đề hình sự…