Chiến tuyến từ xa

ANTĐ - Trong một thay đổi có tính cơ bản, Cơ quan Tình báo an ninh Canada (CSIS) sẽ được phép theo dõi các đối tượng bị tình nghi khủng bố mang quốc tịch Canada đang hoạt động bên ngoài lãnh thổ nước này cũng như có quyền bảo mật các nguồn thông tin tình báo. 

Chiến tuyến từ xa ảnh 1

Trụ sở của CSIS tại Ottawa

Đây là những đề xuất mới trong Đạo luật CSIS 1984 sửa đổi mà Bộ Công an Canada vừa công bố ngày 16-10. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Bộ Công an Canada S. Blaney cho biết nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria đang đe dọa an ninh khu vực và thế giới. 

Dù cách xa địa bàn hoạt động chính của IS hàng nghìn kilomet nhưng Canada vẫn không tránh khỏi mối đe dọa của lực lượng cực đoan này. Vấn đề ở chỗ, nhiều công dân Canada trở về từ các chiến trường Trung Đông với tư tưởng khủng bố đã ăn sâu nên rất có thể trở thành nguồn gây hại. Canada từng xác nhận có ít nhất 130 công dân ở nước ngoài có hoạt động bị tình nghi liên quan đến các tổ chức khủng bố. Khoảng 80 người trong số trên đã trở về Canada và đang bị các cơ quan an ninh giám sát chặt chẽ.

Không những thế, theo CSIS, các mối đe dọa đối với an ninh Canada không chỉ hạn chế trong lãnh thổ nước này. Nhiều cá nhân và các nhóm phần tử cực đoan lợi dụng công nghệ hiện đại có thể thực hiện tấn công khủng bố tại quốc gia này dù cách xa hàng nghìn km. Trong khi đó, đầu năm 2011, một cuộc tấn công mạng nhằm vào Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính Canada cũng như Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu quốc phòng Canada đã gây tổn hại cho các bí mật thương mại của một số ngành công nghiệp quốc gia.

Thậm chí theo ông R. Boisvert - cựu sĩ quan trợ lý Giám đốc Cơ quan Tình báo Canada (CSIS), ngay một số quốc gia đồng minh của Canada cũng ngấm ngầm tiến hành các hoạt động gián điệp nhằm vào các cơ quan chính quyền và các công ty tư nhân Canada để lục lọi đánh cắp thông tin tài chính, những bí mật sản phẩm trí tuệ, cũng như dữ liệu nhạy cảm trong lĩnh vực quốc phòng và ngoại giao. Ngăn chặn, triệt tiêu các mối đe dọa này từ trong trứng nước là yêu cầu cấp thiết với Canada. 

Thế nhưng năm 2008, tòa án Canada từng yêu cầu CSIS ngừng ngay các hoạt động giám sát điện tử quốc tế vì nó nằm ngoài quyền hạn của CSIS. Tòa án liên bang Canada cũng ra phán quyết lên án việc CSIS lợi dụng các đối tác trong mạng lưới tình báo Five Eyes (Năm Mắt) gồm Australia, Anh, New Zealand và Mỹ để theo dõi các công dân Canada. CSIS còn bị buộc phải cung cấp thông tin về các nguồn tin riêng của mình trong trường hợp xin giấy phép khám xét của tòa án.

Những hạn chế đó đã khiến các cơ quan an ninh Canada gặp khó khăn trong việc điều tra những đối tượng tình nghi người Canada đang ở nước ngoài. Theo Bộ trưởng Công an Canada S. Blaney, Cơ quan Tình báo an ninh nước này phải được cung cấp những công cụ cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho việc điều tra các đối tượng bị tình nghi khủng bố, cả khi họ đang ở trong và ngoài lãnh thổ Canada. 

Với những thay đổi trong đạo luật CSIS 1984, dự kiến sẽ được Chính phủ Canada thông qua vào tuần tới, Canada hy vọng sẽ dựng được chiến tuyến bảo vệ từ xa, tránh sự xâm nhập bí mật từ bên ngoài vào đe dọa an ninh của nước này.