“Chặt tay” khủng bố, cực đoan

ANTĐ - Ngăn chặn các tổ chức cực đoan, khủng bố lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền mở rộng ảnh hưởng và tuyển thêm thành viên đang trở thành vấn đề cấp thiết đối với thế giới.
“Chặt tay” khủng bố, cực đoan ảnh 1
Một bức ảnh được IS đưa lên mạng để khuếch trương thanh thế

Mới đây tại Luxembourg, các Bộ trưởng Nội vụ và quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã gặp đại diện các công ty công nghệ lớn của Mỹ, trong đó có các trang mạng xã hội Facebook và Twitter, để bàn thảo việc phối hợp nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan cùng các biện pháp chặn những đoạn video hành quyết dã man trên mạng trực tuyến. 

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều cảnh báo rằng những tài liệu do các nhóm Hồi giáo cực đoan đăng tải trên mạng đang khuyến khích những người Hồi giáo trẻ tham chiến ở Syria và Iraq. Thực tế cho thấy, mạng xã hội đã trở thành công cụ tuyển tân binh hiệu quả cho những nhóm cực đoan, mà gần đây nhất là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS).

Để khai thác ưu thế của mạng xã hội, IS sẵn sàng trả lương cao thuê người phụ trách công tác truyền thông. Một người Syria từng tham gia phỏng vấn cho một vị trí tại trung tâm truyền thông của IS ở thành phố Raqqa, Syria kể, anh hoàn toàn choáng ngợp với mức lương và ưu đãi mà IS đưa ra nếu chấp nhận làm việc cho họ. Ngoài mức lương 1.500 USD/ tháng (gấp 5 lần so với thu nhập trung bình của người dân Syria), anh ta còn được hứa sẽ có ô tô, nhà và tất cả các loại máy quay nếu cần.

Theo một thống kê được công bố hồi tháng 9, khoảng 3.000 người châu Âu đã tới Syria và Iraq tham gia phiến quân. Nhiều gia đình ở châu Âu nhận ra rằng con cái họ bỏ nhà đi tham chiến hoặc ủng hộ phiến quân ở Syria thông qua những thông điệp được đăng tải trên Facebook hoặc Twitter. Tại Đông Nam Á, việc tuyển dụng cho IS cũng được thực hiện qua mạng xã hội. Một nhà phân tích đã lấy ví dụ về L. Ariffin, một thành viên của đảng Hồi giáo PAS cứng rắn ở Malaysia có tài khoản facebook với gần 25.000 người theo dõi. Như vậy, L. Ariffin hoàn toàn có thể tuyên truyền qua mạng để lôi kéo người dân theo đạo Hồi tham gia vào phong trào Hồi giáo cực đoan.

Ở Trung Quốc, các nhóm khủng bố còn đăng video và các đoạn ghi âm lên mạng để thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố. Ông Jiang Jun, Phát ngôn viên của Văn phòng Thông tin Internet Nhà nước Trung Quốc (SIIO) cho biết: “Các nhóm khủng bố đang biến internet thành một công cụ chính cho hoạt động của họ”. Thậm chí chúng còn dạy các kỹ năng khủng bố trên mạng.

Chính vì thế mà biện pháp mới nhất mà EU đưa ra đang được hy vọng sẽ góp phần ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Trong một thông cáo chung sau cuộc họp, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nội vụ C. Malmstrom và Bộ trưởng Nội vụ Italy A. Alfano cho biết các bên đã nhất trí tổ chức đào tạo và hội thảo chung nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này cho đại diện của các lực lượng thực thi pháp luật, ngành công nghiệp Internet và xã hội dân sự. 

Trước mắt, Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới với 1,3 tỷ tài khoản sử dụng, nói rằng họ đã ngăn chặn những nhóm “khủng bố” trên mạng của mình. Theo người đứng đầu cơ quan quản lý chính sách toàn cầu của Facebook, bà M. Mickert, công ty này sẽ can thiệp khi nhận thấy các tài khoản hoặc nội dung đăng lên vi phạm những điều kiện đặt ra đối với người sử dụng, đặc biệt là trong trường hợp kêu gọi bạo lực.