Bắc Cực - “điểm nóng” về chủ quyền

ANTĐ - Bắc Cực đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Đây không phải chỉ là hệ quả của  biến đổi khí hậu mà còn là câu chuyện về cuộc đua tranh giành chủ quyền khu vực băng giá này đang ngày một sục sôi với việc Nga thông báo sẽ đệ trình Liên hợp quốc hồ sơ đề nghị công nhận vùng thềm lục địa mở rộng ở Bắc Băng Dương vào mùa xuân năm 2015.

Bắc Cực - “điểm nóng” về chủ quyền ảnh 1Tàu Akademik Fyodorov thực hiện nghiên cứu ở Bắc Băng Dương. Ảnh: nericha.com

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Nga Sergei Donskoy đã báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin rằng, Matxcơva đã có đầy đủ bằng chứng khoa học để tuyên bố chủ quyền sau chuyến nghiên cứu  của tàu Akademik Fyodorov ở Bắc Băng Dương vừa qua nên không lo bị Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc bác đơn như hồi năm 2001. Ria Novosti ngày 29-10 dẫn lời ông Sergei Donskoy cho hay, nếu được Liên hợp quốc thông qua hồ sơ, Nga sẽ mở rộng chủ quyền biển thêm 1,2 triệu km2 ở Bắc Băng Dương. 

Việc Nga công bố lộ trình mở rộng thềm lục địa không phải là điều bất ngờ. Trong thời gian qua, Matxcơva cũng đã có một loạt động thái nhằm gia tăng kiểm soát Bắc Cực. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi trung tuần tháng 10 tuyên bố, đến trước cuối năm 2014, Nga sẽ hoàn tất việc triển khai các đơn vị quân sự trên lãnh thổ của nước này xung quanh Bắc Cực. Tháng 3-2014, quân đội Nga lần đầu tiên tập trận tại Bắc Cực với những khoa mục đổ bộ tấn công hay triển khai đánh chiếm. Matxcơva cũng đã lên kế hoạch xây dựng 13 sân bay cùng 10 trạm radar và trạm điều khiển không lưu ở Bắc Cực. Hiện Nga đã chuyển đến khu vực này hơn 39.000 tấn nguyên vật liệu và 123.000 tấn hàng hóa khác.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Nga Sergei Donskoy nói rằng, Nga sẽ có thêm lượng khí đốt hơn 5 tỷ thùng nếu việc mở rộng thềm lục địa được thông qua. Đây là một ví dụ nhỏ về nguyên nhân tại sao Matxcơva quyết kiểm soát Bắc Cực cho bằng được. Biến đổi khí hậu khiến băng Bắc Cực tan dần, mở ra cơ hội tiếp cận nguồn dầu, khí thiên nhiên và khoáng sản được đánh giá là khổng lồ tại đây, đồng thời cũng giúp rút ngắn các tuyến đường biển và tạo điều kiện cho khai thác thủy sản. 

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy ẩn dưới lớp băng ở Bắc Cực là nguồn tài nguyên khiến bất kỳ quốc gia nào cũng thèm thuồng. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ ước tính Bắc Cực chứa khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ, 30% khí đốt tự nhiên và 20% khí đốt hóa lỏng chưa được khai thác của thế giới. Tổng lượng dầu có khả năng khai thác tại Bắc Cực có thể lên tới 90 tỷ thùng. Ngoài dầu mỏ và khí đốt, Bắc Cực cũng có những mỏ quặng sắt, kẽm, niken, vàng và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng thuộc loại lớn nhất thế giới. Không những vậy, khống chế Bắc Cực cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát một đường hàng hải huyết mạch trong tương lai gần. Tuyến đường qua Bắc Băng Dương dự kiến sẽ giúp rút ngắn thời gian tàu đi từ châu Âu sang châu Á xuống chỉ còn 35 ngày, so với 48 ngày nếu đi qua kênh đào Suez. Nếu như năm 2010, chỉ có 4 tàu đi lại trên tuyến Bắc Băng Dương thì tới năm 2013, lưu lượng giao thông trên tuyến hàng hải này tăng lên 71 tàu. 

Tất nhiên, không chỉ một mình nước Nga nhìn ra tầm quan trọng chiến lược của Bắc Cực. Việc Nga đẩy nhanh tốc độ hiện diện ở lục địa giá băng này cũng là do cuộc cạnh tranh kiểm soát Bắc Cực đang ngày càng khốc liệt. Hồi giữa năm 2013, Canada cũng đã đệ trình Liên hợp quốc hồ sơ mở rộng chủ quyền ở Bắc Cực. Thậm chí, quốc gia này còn tuyên bố chẳng ngán Nga nếu phải “động thủ” ở Bắc Cực. Ngoài Canada, các thành viên khác của Hội đồng Bắc Cực như Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ cũng có những bước đi với ý đồ chiếm được miếng bánh càng to càng tốt ở Bắc Cực. Thậm chí, Trung Quốc, quốc gia chẳng dính dáng gì với Bắc Cực, đã đưa ra lập luận rằng Bắc Cực rất quan trọng đối với tương lai của loài người nên bất kỳ quyết định nào liên quan đến khu vực sẽ phải tính đến lợi ích của Bắc Kinh. Núp chiêu bài nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trung Quốc đã không ít lần đưa các nhà khoa học của mình đến Bắc Cực.

Với những gì đang diễn ra, Bắc Cực rất nhiều khả năng sẽ trở thành một “điểm nóng” trên bàn cờ quốc tế.