Phố cổ khốn khổ vì nồm

ANTĐ - Đường truyền hình cáp trở nên “tậm tịt”, điện thoại bàn mất tín hiệu, tường nhà hôi hám mốc meo, trong khi quần áo, chăn màn cả chục ngày phơi không khô… đó là thực trạng mà cư dân các ngôi nhà trên khu phố cổ Hà Nội đang phải chịu đựng trong hơn 1 tháng nay. 

Thời tiết xấu kéo dài khiến những ngôi nhà phố cổ trở nên nhếch nhác

Một tháng trở lại đây, cụ Mai Thị Thất, trú tại ngõ 15 phố Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm bắt đầu đổ bệnh. Ở cái tuổi quá thất thập thì sức khỏe rất nhạy cảm với thời tiết. Nghe tivi báo có không khí lạnh tăng cường, điều đó đồng nghĩa với việc nhà cửa sẽ trở nên khô ráo, cụ Thất mới dám từ bệnh viện trở về căn nhà của mình. Tuổi cao sức yếu nên những ngày qua quả là cực hình với cụ. Nhà cụ Thất bé tí xíu nằm trong ngõ 15, lối vào chỉ vừa một người đi lọt nên phải nằm trong căn hộ ấy những ngày qua quả là cực hình. 

Cụ bảo: “Sống ở phố cổ có nhiều cái tiện nhưng điều kiện sinh hoạt cũng rất cực bởi sự ô nhiễm và lụp xụp. Hầu hết những ngôi nhà của chúng tôi đều đã quá tuổi thọ từ lâu, trong khi đó muốn cải tạo xây cất lại thì không dễ vì vướng nhiều quy định. Từ lâu chúng tôi đã nghe nói đến dự án di dân phố cổ nhằm cải thiện đời sống, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có bất kỳ động tĩnh gì. Như tuổi tôi, những lúc thời tiết thế này thì bệnh tình càng trầm trọng. Khó thở, đau nhức các khớp, các bệnh về tim mạch thay nhau hành hạ. Đó là chưa kể nhà chật chội, không gian thiếu nên càng ẩm thấp, ô nhiễm. Những ngày trời nồm, cảm giác căn hộ như “chảy nước”, quần áo không sấy thì không khô, mà hong thì hít khói than tổ ong cũng chết…”. 

Cả ngõ 15 Hàng Điếu hiện có 15 hộ dân sinh sống, tường nhà nào cũng bong tróc, lở lói vì thời tiết mưa phùn và ẩm thấp kéo dài. Sự xuống cấp thể hiện rõ ở những bậc cầu thang, lan can trơ cả cốt thép hoen gỉ. Không chỉ có phố Hàng Điếu (phường Cửa Đông) mà cả 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm cũng đều ở trong tình trạng tương tự. Theo thống kê hiện có khoảng 1.500 hộ dân đang phải sống trong những căn nhà ẩm thấp và xuống cấp trầm trọng. Tuy xuống cấp như vậy nhưng lại có đến hơn 500 ngôi nhà được đánh giá là những căn nhà có giá trị cần được bảo tồn và dù muốn cải tạo, sửa chữa hay xây dựng thì người dân phải qua rất nhiều thủ tục.

Căn nhà 119 Hàng Bạc của bà Đỗ Thị Hiền thuộc diện cần bảo vệ và bảo tồn cấp I, nhưng những ngày này, dù ngồi trong nhà bà Hiền vẫn phải căng bạt khắp nơi. Việc bị ảnh hưởng từ một công trình cao tầng xây dựng ngay sát vách cộng với thời tiết mưa phùn kéo dài khiến cuộc sống của bà vô cùng khốn khổ. Tường nhà hiện xuống cấp đến mức gia chủ phải dùng những tấm trần nhựa để bọc lại nhằm che đi những vết vữa lở lói và nấm mốc. Phía ngoài mái ngói được bọc bằng một tấm bạt cỡ lớn nhưng cũng không thể ngăn những giọt tí tách nhỏ nước xuống nền nhà. Xà nhà, vì kèo đều mục ruỗng, bà Hiền than thở: “Nhà tôi toàn người có tuổi và trẻ nhỏ, thời tiết cộng với sự xuống cấp của ngôi nhà khiến mọi sinh hoạt rất khó khăn, những căn bệnh liên quan tới đường hô hấp liên tiếp mắc phải”. 

Bà Nguyễn Thị Thủy, tổ trưởng tổ dân phố số 5 phường Hàng Bạc cho biết: “Hầu hết cư dân phố cổ đều mong đợi chủ trương giãn dân tại đây sớm được triển khai vì điều kiến sống hiện quá bức bối. Nhà tôi trong ngõ 50 phố Hàng Bạc hiện có tới 40 hộ sinh sống. Ngõ nhỏ ẩm thấp, tối tăm và hôi hám khiến hầu như nhà nào cũng phải bật điện suốt ngày. Nhà nước có thể thực hiện việc bảo tồn trong bao lâu cũng được, tuy nhiên việc đảm bảo cuộc sống cho người dân bằng biện pháp di dời hay giãn dân cần được triển khai sớm. Có sống trong những căn hộ này vào những ngày qua mới thấu hiểu hết nỗi khổ ải mà chúng tôi đang đối mặt. Trong thời tiết này, hầu như nhà nào trong ngõ 50 chúng tôi cũng bị đội lên vài trăm đến 1 triệu đồng tiền điện chỉ để phục vụ cho việc sấy và hong khô quần áo. Ai đời ở trong nhà mà hơi nước lúc nào cũng bám mờ gương, kính cứ như ở trong phòng tắm hơi thì đủ hiểu là thiếu không gian và ẩm thấp đến mức nào”.

Gần 4 năm trước, nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, thành phố cũng đã chi một số tiền lớn cho công tác tân trang nhiều tuyến phố. Riêng khu phố cổ cũng được cải tạo lại phần lớn mặt tiền. Tuy nhiên đến nay, việc làm này cũng chỉ như “chữa bệnh ngoài da”. Phần lớn vấn đề lại nằm ở những gia đình có nhà nằm sâu trong các con ngõ, nơi mà sự nhếch nhác, xuống cấp và ô nhiễm nặng nề khiến cuộc sống của người dân và bản thân Hà Nội trở nên xấu xí trong mắt nhiều du khách.