Xét tặng “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”:

Gặp khó khi công nhận danh hiệu cho các bài thuốc dân gian

ANTĐ - Bộ VH-TT&DL vừa công bố 618 hồ sơ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước, lấy ý kiến nhân dân về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là lần đầu tiên có một hình thức tôn vinh cấp cao nhất đối với những nghệ nhân dân gian đang nắm giữ các kỹ năng, tri thức về di sản phi vật thể. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng, Bộ VH-TT&DL xung quanh vấn đề này.

- PV: Thưa ông, Bộ VH-TT&DL đã nhận được 737 hồ sơ vậy mà chỉ có 618 hồ sơ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước. Số hồ sơ còn lại không được thông qua vì lý do gì?

- Ông Phùng Huy Cẩn: Sở dĩ có hơn 100 hồ sơ không đạt yêu cầu là bởi, việc mô tả tri thức kỹ năng di sản phi vật thể của các nghệ nhân đang nắm giữ quá sơ sài. Số lượng truyền dạy học trò tiêu biểu không rõ ràng. Bên cạnh đó, chiểu theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ dân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, một số trường hợp nghệ nhân được đào tạo ở các trường nghệ thuật cũng không thuộc đối tượng được xét tặng. Nghệ nhân đã được phong tặng các danh hiệu khác thì cũng không được xét tặng danh hiệu nữa.

Gặp khó khi công nhận danh hiệu  cho các bài thuốc dân gian ảnh 1

Trong Luật Thi đua Khen thưởng đã ghi rõ, không được sử dụng thành tích để xét cùng một lúc mấy danh hiệu, chỉ được xét tặng một lần, ví dụ, đã là Nghệ sĩ ưu tú rồi thì không được lấy thành tích để xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú hoặc Nghệ nhân nhân dân nữa… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng gặp phải một số khó khăn ví như xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực đông y cho các thầy lang…

- Việc tôn vinh và khẳng định vai trò của các thầy lang hoặc những chủ nhân của bài thuốc dạng “cây nhà lá vườn” có đúng thẩm quyền của Bộ VH-TT&DL hay không, thưa ông?

- Theo quy định thì có, bởi đó là những tri thức dân gian. Nhưng khi xét đến lĩnh vực này chúng tôi buộc phải yêu cầu xác nhận của cơ quan y tế. Trong khi, tất cả các hồ sơ này đều không có xác nhận vì tiêu chí ban đầu không yêu cầu. Hồ sơ chúng tôi nhận trường hợp này không nhiều, chỉ có 3-4 người mà thôi. Xét thấy cần phải có sự cân nhắc kỹ, phối hợp đồng bộ nên chúng tôi đang hết sức thận trọng. Dự kiến, ở lần công nhận sau - 3 năm nữa chúng tôi sẽ mời Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ phối kết hợp đánh giá, thẩm định. 

- Nhiều năm trước, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã thực hiện việc phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân. Hà Nội cũng đã duy trì việc phong tặng này từ vài năm nay. Liệu việc này có giẫm chân với các danh hiệu đã có trước đó hay không? 

- Hội Văn nghệ dân gian có quyền của Hội. Các địa phương đều có đủ thẩm quyền để công nhận việc này. Nhưng với việc công nhận của Bộ VH-TT&DL thì đây là hình thức vinh danh cao nhất của Nhà nước dành cho các nghệ nhân dân gian. Chúng tôi tôn trọng các hình thức vinh danh đã có trước đây. Đây là hình thức vinh danh duy nhất của Nhà nước, còn xã hội thì có rất nhiều hình thức tôn vinh một cá nhân.

- Các nghệ nhân thì đều đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, liệu có hình thức đặc cách hay truy tặng không?

- Theo Luật Thi đua Khen thưởng thì sẽ không có trường hợp truy tặng, không đặc cách. Trước đây có một vài trường hợp đặc cách và truy tặng, như trường hợp của diễn viên Văn Hiệp, lúc đó, áp dụng theo Thông tư xét tặng NSND, NSƯT do Bộ trưởng Bộ  VH-TT&DL ban hành, còn bây giờ, phải thực hiện theo văn bản pháp lý cao hơn là Nghị định. Nghị định này điều chỉnh việc xét tặng các danh hiệu nghệ sĩ, nghệ nhân và giải thưởng Nhà nước, không có hình thức truy tặng, đặc cách.

Gặp khó khi công nhận danh hiệu  cho các bài thuốc dân gian ảnh 2Gặp khó khi công nhận danh hiệu  cho các bài thuốc dân gian ảnh 3Gặp khó khi công nhận danh hiệu  cho các bài thuốc dân gian ảnh 4

Việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực đông y gặp khó do các hồ sơ không có xác nhận của cơ quan y tế (Ảnh minh họa)

Trong lần xét tặng này, hội đồng gặp phải trường hợp của một nghệ nhân dân tộc Thái, sinh năm 1933, ở Lai Châu. Theo đúng hồ sơ của địa phương đưa lên thì cụ mất trước lúc hoàn thiện hồ sơ ở cấp cơ sở vì thế theo quy định hiện hành hội đồng cấp Bộ buộc phải chấp hành đúng là không xét tới trường hợp này. 

- Cùng với việc được vinh danh, các nghệ nhân có nhận được sự hỗ trợ cụ thể gì về phía Nhà nước?

- Ngoài tấm bằng Nghệ nhân do Chủ tịch nước ký tặng, mỗi nghệ nhân sẽ có một khoản tiền thưởng. Hiện tại, Bộ VH-TT&DL đã làm việc cùng Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thêm một số chính sách hỗ trợ các nghệ nhân dân gian cụ thể như trợ cấp cho các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn từ 100.000- 200.000đ/ tháng; bảo hiểm y tế; trợ cấp mai táng phí khi các cụ mất. Hiện chúng tôi mới chỉ dám đề xuất như vậy. Cũng muốn làm nhiều việc hơn nữa nhưng còn nhiều khó khăn, cứ làm từng bước một, đảm bảo tính khả thi cao. Chúng tôi cũng đã đề nghị các địa phương có thêm những chính sách hỗ trợ các nghệ nhân.

- Hiện tại, Bộ VH-TT&DL có kế hoạch gì để bảo tồn những “báu vật nhân văn sống”?

- Cùng với việc làm hồ sơ, chúng tôi có kết hợp với địa phương triển khai truyền dạy, ghi âm, ghi hình, số hóa… các di sản phi vật thể. Đây cũng là dịp để biết chúng ta đang có những gì quý báu trong tay, đồng thời thu thập thêm những di sản còn lưu giữ trong dân gian.