Đi sửa xe máy - coi chừng bị “móc túi”

ANTĐ - Xe máy là một trong những loại phương tiện phổ biến ở nước ta. Cũng bởi lẽ đó mà dịch vụ sửa chữa xe máy có “đất” để làm ăn. Bên cạnh một số cửa hàng sửa chữa xe máy có uy tín, được khách hàng đặt lòng tin thì có không ít cửa hàng đã dùng “tiểu xảo” để “móc túi” khách hàng…

Khách hàng nên cẩn thận khi sửa xe tại các cửa hàng không quen


Thay đồ trong chớp mắt

Cuối tuần vừa rồi, chị Thanh Loan, ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình vào viện thăm người thân đang điều trị ở bệnh viện 108. Đi đến phố Đội Cấn, chị Loan thấy xe có hiện tượng non hơi nên rẽ vào cửa hàng sửa xe máy gần đó bơm xe. Tại đây, nhân viên sửa chữa cho biết xe máy của chị bị thủng lốp trước nên phải vá. Trả tiền xong, chị Loan dắt xe ra thì không nổ được máy. Chị Loan kể lại: “Trước đó không lâu tôi đã đưa xe đi bảo dưỡng theo định kỳ nên chắc chắn không hỏng hóc gì. Vậy mà vừa vá xe xong thì máy không nổ. Nhờ nhân viên sửa chữa tại cửa hàng kiểm tra, thì họ nói xe bị cháy IC và hỏng Mobin. Vì đang vội tới bệnh viện, nên tôi đành bảo họ thay cả 2 bộ phận này, tổng số tiền hết 600.000 đồng.

Trên đường về, tôi mang xe qua chỗ cửa hàng vẫn thường sửa và bảo dưỡng xe hỏi thì nhân viên ở đây cho biết nếu thay cả IC và Mobin, chi phí chỉ hết hơn 200.000 đồng. Hôm sau, tôi đến cửa hàng đã sửa để phản ánh thì gặp một khách hàng cũng đi xe ga, đang ngồi chờ sửa xe. Khi tôi kể chuyện của mình thì cô ấy ngạc nhiên: “Sao chị giống em thế, em cũng vừa vào bơm xe, nhân viên cũng bảo thủng bánh, vá xong xe cũng không nổ được. Em cũng đang chờ họ thay IC cho xe...”.

Trường hợp chị Loan bị mắc “quả lừa” dễ dàng có thể hiểu được, bởi phụ nữ thường không hiểu mấy về máy móc. Song không ít người, đặc biệt là nam giới dù am hiểu về máy móc cũng vẫn chuốc lấy sự bực mình vì những trò phù phép của một số cửa hàng sửa chữa xe máy, như trường hợp của anh Nguyễn Thế Anh, ở Hoàng Hoa Thám, Ba Đình. “Cách đây 1 tuần, tôi dừng lại bơm xe ở một hàng trên đường Trương Định.

Đã lường trước các hàng sửa xe hay giở trò nên tôi giám sát khá cẩn thận. Vậy mà sau khi bơm hai lốp xe, trả tiền xong xuôi, tôi lên xe đề máy thì không nổ, dựng xe đạp mấy cái cũng không động tĩnh gì. Từ trước đến giờ, xe máy của tôi chưa từng bị như vậy. Tôi cúi xuống hốc lốp sau kiểm tra thì thấy dây điện bị giật tuột ra. Chắc chắn nhân viên cửa hàng tranh thủ lúc bơm xe giật ra. Lúc đó tôi định quay lại làm cho ra nhẽ, nhưng nghĩ lại kiểu gì họ cũng chối vì mình không bắt được tận tay. Chỉ cần cắm lại giắc điện là xe chạy bình thường, nhưng nếu gặp phải người không biết, quay lại hàng để sửa thì mất vài trăm nghìn là ít”.

Những chiêu “móc túi” khách

Ngoài ăn chênh lệch giá của phụ tùng (giá thường cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi giá gốc), việc thay đồ đơn giản, phí dịch vụ lại cao, nhanh gọn hơn sửa chữa, nên hầu như cửa hàng sửa chữa xe máy nào cũng có dịch vụ thay đồ xe và bán phụ tùng thay thế. Đây là nguồn thu chính của các hàng sửa xe. Do vậy, mỗi khi có khách, các chủ cửa hàng sửa xe luôn tìm mọi cách gạ gẫm, thậm chí hù dọa để khách thay phụ tùng. Chiêu này thường được áp dụng với những khách hàng là phụ nữ hoặc người không hiểu biết nhiều về xe cộ. Có trường hợp xe không nổ được do cháy cầu chì, nhưng thợ sửa xe sau khi kiểm tra đã kết luận xanh rờn là xe bị hỏng IC, rão xích cam, bánh răng bơm dầu có dấu hiệu quá tải, nếu đề liên tục sẽ gây cháy máy… Khách hàng khi mang xe vào sửa thường có tâm lý sửa một lần sao cho tốt nhất, để việc đi lại được an toàn nên khi thợ sửa xe đưa ra bất kỳ phương án dịch vụ hay thay phụ tùng nào đều sẵn sàng đồng ý, ngay cả khi giá phụ tùng tương đối cao.

Cũng với tiểu xảo lừa khách thay đồ, không ít cửa hàng sửa xe máy còn có những hành vi vô đạo đức như tráo đồ, phá hỏng đồ trong xe của khách. Theo anh Nguyễn Đình Chiến - kỹ sư cơ khí - chủ cửa hàng sửa chữa xe máy trên phố Ngọc Lâm, quận Long Biên: “Thợ sửa xe có thể dễ dàng làm gẫy giảm xóc, bẻ chân dây côn, thay IC hỏng vào hay làm cháy cầu chì trong xe mà khách không thể biết. Một số thợ sửa xe khi thấy khách sửa xe là phụ nữ đã sử dụng “bài” kê ra hàng loạt bệnh của xe đã cũ, hoặc không ngừng “tiếp thị” về tác dụng của việc dán nilon hay một số bộ phận phụ để lắp thêm vào xe  như “chiếc xe mới sẽ trở nên đẹp hơn, cứng cáp hơn nếu lắp thêm miếng inox vào ống xả, cần dán thêm viền cho yếm để tránh bị trầy xước, xe ga cần lắp thêm móc để treo đồ hoặc thay vỏ yên cho… cá tính. Tuy giá mỗi món đồ này không đắt, chỉ từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, nhưng nếu cộng lại sẽ là một số tiền không nhỏ.

Khách hàng có tâm lý so với số tiền hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng để mua xe mới thì tiếc gì vài trăm nghìn đồng để làm đẹp cho xe nên rất ít khi từ chối đề nghị của người sửa xe.

Hiện xe máy đang là phương tiện vận chuyển, đi lại phổ biến nhất đối với người dân. Trong khi hầu hết những người đi xe máy không mấy ai biết tự sửa xe thì đích đến của những chiếc xe bị trục trặc thường là hiệu sửa xe. Anh Chiến khuyến cáo: “Do giá phụ tùng thay cho xe ở mỗi cửa hàng khác nhau, khách hàng nên đến những hiệu bán đồ tin cậy mua về tự thay lấy hoặc nhờ thay giúp chứ không nên vào các cửa hàng sửa xe không quen biết, kẻo vừa mất tiền vừa chuốc bực vào người”…