Có tội vì… bắt được trộm

(ANTĐ) - Đang làm việc bình thường bỗng dưng cả 5 nhân viên bảo vệ tại Siêu thị DOSMAT thuộc Công ty CP Trung Tín bị gọi lên nhận quyết định thôi việc. Căn nguyên của việc sa thải này là bởi công ty đã thuê được đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp. Tuy nhiên điều đáng nói hơn cả là hầu hết tiền lương, tiền đặt cọc thế chấp và những chế độ khác của người lao động đều bị công ty này lờ tịt…

Có tội vì… bắt được trộm

(ANTĐ) - Đang làm việc bình thường bỗng dưng cả 5 nhân viên bảo vệ tại Siêu thị DOSMAT thuộc Công ty CP Trung Tín bị gọi lên nhận quyết định thôi việc. Căn nguyên của việc sa thải này là bởi công ty đã thuê được đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp. Tuy nhiên điều đáng nói hơn cả là hầu hết tiền lương, tiền đặt cọc thế chấp và những chế độ khác của người lao động đều bị công ty này lờ tịt…

Đại diện tổ bảo vệ trình bày bức xúc với Báo ANTĐ
Đại diện tổ bảo vệ trình bày bức xúc với Báo ANTĐ

Thích là đuổi

Mặc dù đã có 6 năm làm việc cho công ty, nhưng đến khi nhận quyết định thôi việc do chính chủ tịch công ty ký, ông Đào Đình Phú - nguyên tổ phó tổ bảo vệ vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Thời điểm ông Phú bị sa thải là ngày 10-2-2010 cũng là thời gian Tết Nguyên đán đã cận kề. Sau khi nhận quyết định, ông Phú chấp hành ngay và bàn giao công việc lại cho Phó giám đốc siêu thị vì tin rằng sau Tết, mọi khoản lương của mình cùng toàn bộ anh em trong tổ sẽ được công ty trả. Tuy nhiên, sau Tết dù ông lên công ty đề nghị thanh toán rất nhiều lần nhưng mọi việc không được giải quyết.

Ông Phú cho biết: Để được nhận vào làm tại công ty này, năm 2004, ông đã phải nộp một khoản tiền thế chấp là 3 triệu đồng. Số tiền này được phía công ty cam kết sẽ hoàn trả sau khi nghỉ việc. Tuy nhiên, cho đến tận giờ phút này, khoản tiền lương cũng chưa được nhận thì nói gì đến khoản tiền đặt cọc”.

Cũng chung hoàn cảnh với ông Phú, ông Phạm Văn Phiếu - một sỹ quan quân đội về hưu, nguyên tổ trưởng tổ bảo vệ cũng không được nhận một xu nào kể từ khi bị sa thải. Ông Phiếu nói: “Ngày 8-2-2010, ông Phó Giám đốc gọi tôi lên truyền đạt quyết định bằng miệng và ngày 10-2 thì đưa quyết định chính thức. Trong quyết định cho nghỉ việc nói rõ là mọi chế độ tài chính của chúng tôi sẽ giải quyết vào sau Tết. Ấy thế nhưng sau Tết, chúng tôi lên công ty tới 4 lần nhưng lần nào cũng chỉ nhận được lời hẹn suông”.

Phiếu thu tiền thế chấp khi vào làm tại Công ty cổ phần Trung Tín

Phiếu thu tiền thế chấp khi vào làm tại Công ty cổ phần Trung Tín

Tuy nhiên, điều làm ông Phiếu bất bình hơn cả là toàn bộ tổ bảo vệ bị sa thải bởi một lý do hết sức… giời ơi. Đó là trong thời gian làm nhiệm vụ, tổ bảo vệ đã làm thất thoát tổng số tiền hơn 27 triệu đồng. Ông Phú cay đắng: “Theo quy định, khi nhân viên bảo vệ bắt được những người lấy trộm đồ trong siêu thị thì những kẻ trộm đó phải nộp phạt đưa về phòng kế toán lập phiếu thu giữ. Số tiền hơn 27 triệu đồng này chính là tiền anh em trong tổ bắt được những kẻ trộm cắp trong siêu thị và nộp vào công quỹ. Hại thay, công sức bắt trộm đó nay lại bị quy thành tội”.

Sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Hơn một tháng sau khi nghỉ việc, ngày 18-3-2010 cả tổ bảo vệ lại được Tổng giám đốc công ty mời lên và thông báo rằng, họ đã làm thất thoát số hàng lên đến 400 triệu đồng. Chính vì thế cả tổ phải có trách nhiệm bồi thường khoản tiền này. Công ty sẽ  tính tất cả các khoản lương, thưởng, chế độ, đặt cọc… hiện công ty còn giữ để khấu trừ.

Còn thiếu bao nhiêu, tổ bảo vệ sẽ phải chia đầu người để bù thêm. Ông Phiếu bất bình: “Chúng tôi bị sa thải từ 8-2 mà đến 10-3, tức là sau đó 1 tháng họ mới kiểm kê rồi quy tất cả trách nhiệm cho chúng tôi, đó là điều hết sức vô lý. Thực tế chúng tôi chỉ là bảo vệ, không được giao trách nhiệm kiểm kê và nhận bàn giao hàng hóa vì thế lý do đó là không xác đáng. Đó chẳng qua chỉ là một cách biện minh cho việc sa thải để ăn quỵt tiền lương và tiền thế chấp của người lao động”.

Chưa có giải thích

Ngay sau khi nhận được phản ánh của người lao động, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có buổi làm việc với ông Tạ Văn Bình - quyền Trưởng phòng Tổ chức nhân sự của Công ty CP Trung Tín. Giải thích tất cả những thắc mắc, khiếu nại xung quanh việc sa thải người lao động như không trả lương, thế chấp và giải quyết mọi chế độ liên quan, ông Bình cho biết: “Hiện ông Trưởng phòng cũ là người nắm rõ vấn đề này cũng đã nghỉ việc. Tôi chỉ là người mới đảm đương công việc và cũng chỉ là tạm quyền nên mọi vấn đề liên quan đến tổ bảo vệ cũ chỉ nắm sơ sơ chứ không cụ thể. Hơn nữa, toàn bộ văn bản giấy tờ công ty không quản lý mà nằm dưới bộ phận siêu thị. Do đó xin hẹn trả lời vào một dịp khác”.

Tuy nhiên ông Bình cũng thừa nhận, việc quy kết cho tổ bảo vệ làm thất thoát số tiền hơn 27 triệu đồng vốn là tiền họ bắt trộm đã được nộp lại cho siêu thị là không đúng. Đây là lỗi do bộ phận văn phòng sơ suất khi đánh máy dẫn đến hiểu lầm khiến người lao động bức xúc - ông Bình nói.

Báo An ninh Thủ đô sẽ quay trở lại vấn đề này trong những số báo tới khi có những thông tin tiếp theo.

Nguyễn Long