Chuyển nhượng chồng 50 triệu đồng, có tội không?

ANTĐ - Ông Trần Văn Thương chung sống với bà Bùi Thị Nhị, cùng ở xã Phú Thuận, Thoại Sơn (An Giang), có ba con chung. Năm 2010 ông Thương đến làm thầu cất nhà cho bà Bùi Thị Hiền - phụ nữ độc thân cùng xã. Hai bên nảy sinh tình cảm nên khi xây xong căn nhà, ông Thương ở lại… xây tiếp “tổ ấm” với bà này. Bà Nhị biết chuyện nên nhiều lần đến đánh ghen, yêu cầu họ chấm dứt mối quan hệ.

 Bà Hiền thú nhận mình quá yêu thương và muốn chung sống với ông Thương. Không biết cặp tình mới  bàn tính cùng nhau thế nào mà sau đó bà Hiền tìm gặp bà Nhị thương lượng: nếu “nhường” lại chồng, để ông Thương đến sống hẳn với mình thì bà ta sẽ “đưa” bà Nhị 50 triệu đồng.

Thấy khó ngăn cản được chồng, phần phải lo nuôi ba đứa con cùng mẹ chồng đã ngoài 80 tuổi nên bà Nhị đồng ý. Cả ba người gồm ông Thương, bà Nhị, bà Hiền cùng làm và ký tên vào tờ thỏa thuận, trong đó có nội dung:

“Ngày 24-5-2010 âm lịch, tôi Bùi Thị Nhị đồng ý cho chồng tôi là Trần Văn Thương sống cùng chung với chị Bùi Thị Hiền… Nay chúng tôi làm tờ thỏa thuận này để làm bằng chứng. Kể từ nay không ai xúc phạm tới ai”.

Từ đó ông Thương ở hẳn bên nhà bà Hiền, gần như ly thân với vợ, chỉ thỉnh thoảng về thăm mẹ, thăm con. Tưởng chuyện chỉ có thế thì bỗng dưng hai năm sau, ông Thương… cao chạy xa bay, không còn chung sống với bà Hiền nữa nên bà Hiền tìm gặp bà Nhị đòi lại 50 triệu đồng.

Chuyển nhượng chồng 50 triệu đồng, có tội không? ảnh 1

UBND xã hòa giải ba lần ông Thương đều lánh mặt, còn bà Nhị khai trước đây mình không hề hỏi mượn gì cả, việc bà Hiền đưa cho 50 triệu đồng là phụ tiếp mình nuôi con, nuôi mẹ chồng để mình chấp thuận… giao chồng cho bà này. Sau đó bà Hiền khởi kiện ra tòa đòi tiền.

Ngày 28-6-2013 tại TAND huyện Thoại Sơn, ông Thương nhận trách nhiệm và cam kết trả lại 50 triệu đồng cho người tình dứt điểm trong 60 ngày. Nguyên đơn chấp thuận, rút yêu cầu khởi kiện nên tòa quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Quá thời hạn cam kết mà người tình cũ không trả tiền, bà Hiền lại khởi kiện yêu cầu bà Nhị và ông Thương trả 50 triệu đồng.

Bà Hiền đưa ra tờ thỏa thuận có dòng chữ “cho chị Bùi Thị Nhị mượn với số tiền mặt là 50 triệu đồng thời hạn 1 năm”, trong đó chữ “mượn”,  số “1” và vài chỗ có dấu sửa, được tô đậm lên. Căn cứ vào đó bà Hiền quả quyết mình cho mượn tiền để… được chung sống với người tình, chứ không phải bỏ tiền ra để… mua chồng.

Vấn đề cần trao đổi là bà Nhị, bà Hiền và ông Thương có vi phạm pháp luật không? Và vi phạm điều luật nào? Tòa án có thụ lý vụ kiện không? Và sẽ xử lý ra sao cho đúng các quy định pháp luật?

Ý kiến bạn đọc:

Bà Nhị đã thực hiện đúng cam kết

Theo đúng nội dung vụ án và theo văn bản ký kết giữa 3 người, bà Nhị đã “bán” chồng là ông Thương cho bà Hiền với giá 50 triệu đồng. Bà Nhị đã không chung sống với ông Thương nữa, ông Thương đã về ở với bà Hiền. Bà Hiền không giữ được ông Thương là trách nhiệm của bà Hiền, không phải của bà Nhị.

Bà Hiền không được kiện đòi tiền bà Nhị nữa. Về việc bà Nhị chưa ly dị với ông Thương là do hiểu biết pháp luật kém, chưa làm ngay sau khi ký giấy “bán” chồng. Sau này, bà Nhị đã ly dị với ông Thương. Hợp đồng như vậy là đã thực hiện xong. Theo chúng tôi biết, vụ này cả làng xã đều biết, bà Hiền không nên bội tín. Vũ Thị Nga (Thoại Sơn, An Giang)


Đây là một hợp đồng vay nợ mà vật thế chấp là… ông Thương

Bà Hiền quả quyết mình cho mượn tiền để… được chung sống với người tình, chứ không phải bỏ tiền ra để… mua chồng. Như vậy, đây là một hợp đồng vay nợ mà tài sản thế chấp là ông Thương. Tài sản thế chấp là ông Thương do bà Hiền quản lý. Vì vậy, bà Hiền để mất ông Thương là bà Hiền làm mất tài sản thế chấp.

Ông Thương cũng đã ly dị bà Nhị, cho nên không thể nói bà Nhị lấy lại đồ thế chấp mà không trả tiền bà Hiền. Dù nói thế nào, bà Nhị cũng vô can trong việc này. Theo tôi, trách nhiệm của ông Thương là quan trọng nhất. Ông đã cam kết về sống với bà Hiền nhưng lại bỏ bà Hiền, cam kết trả tiền cho bà Hiền mà không trả, ông Thương phải bị xử lý tội bội tín. Nguyễn Thị Bích Phượng (Cầu Kè, Trà Vinh)


Không có điều luật nào cho phép bán chồng 

Trong vụ việc này, người chồng không phải là tài sản để có thể giao dịch, chuyển nhượng hay thế chấp. Bản chất ở đây là thỏa thuận trái pháp luật: Bà Nhị đồng ý để chồng mình chung sống như vợ chồng với người khác - là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Người chồng có hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng (điều 147 Bộ luật Hình sự).

Pháp luật về hôn nhân gia đình cũng cấm hành vi thỏa thuận giao nhận tiền vì mục đích trái pháp luật (cho chồng mình chung sống với người khác) này. Như vậy đây là một giao dịch trái luật. Khi xem xét vụ kiện dân sự, tòa cần xem đây là một trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu (vì mục đích giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội).

Theo quy định của Bộ luật Dân sự về giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Cho nên, người nhận 50 triệu đồng phải trả lại cho người giao. Bà Nhị phải trả cho bà Hiền 50 triệu đồng. Ông Thương phải bị phạt vi phạm hành chính. Trần Phạm Gia (Quận 5, TP Hồ Chí Minh)


Tòa án cần xử lý vụ kiện theo hướng tranh chấp tài sản

Lần xử lý trước tòa đầu tiên, ông Thương đã cam kết trả lại cho bà Hiền 50 triệu đồng. Xét về mặt pháp lý, hòa giải thành, nếu ông Thương không trả tiền, bà Hiền có quyền kiện ra tòa đòi tiền ông Thương và không được đòi bà Nhị nữa. Vụ việc mua bán hay cho mượn chồng đã là quá khứ. Bà Hiền cũng không có quyền đưa giấy mượn chữa lung tung để đòi tiền bà Nhị, vì khi hòa giải thành, bà Hiền đã đồng ý thỏa thuận tiền bạc với ông Thương.

Có thể nói, bà Nhị không còn liên quan tới vụ kiện. Do đó, bà Hiền không có quyền khởi kiện bà Nhị trong lần khởi kiện thứ hai, trừ trường hợp số tiền khởi kiện lần hai là một giao dịch khác lần khởi kiện thứ nhất. Tòa án có thể đối chiếu văn bản thỏa thuận giữa bà Hiền, ông Thương, bà Nhị trong hai vụ kiện sẽ xác định được bản chất sự việc.  Vũ Văn Thành (TP Long Xuyên, An Giang)

Bình luận của Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội):

Theo nội dung vụ án, ở đây có hai sự việc cần xem xét về mặt pháp lý. Đó là sự việc 3 người, gồm bà Nhị, bà Hiền và ông Thương thỏa thuận về quan hệ với ông Thương và việc bà Hiền kiện đòi số tiền 50 triệu đồng. 

Về việc ba người thỏa thuận về mối quan hệ với ông Thương, xét về mặt pháp lý, ở đây có nhiều hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 4 Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) 2014 quy định: Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Luật HNGĐ quy định tại khoản 1c điều 5: Nghiêm cấm: Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.  Ông Thương đang có vợ có kết hôn là bà Nhị lại chung sống với bà Hiền là vi phạm khoản 1c điều 5 Luật HNGĐ.

Việc bà Nhị, do không ngăn cản được việc ông Thương sang sống với bà Hiền, chấp nhận không đánh ghen, không xúc phạm bà Hiền mà không tố cáo trước các cơ quan chức năng là việc làm sai, thiếu trách nhiệm với gia đình mình và các con cái, tuy không vi phạm pháp luật, nhưng về mặt đạo đức cũng cần lên án. Tuy nhiên việc nhận 50 triệu đồng của bà Hiền lại là một việc phải xem xét kỹ lưỡng. Nếu đây là khoản tiền “hỗ trợ” bà Nhị chăm sóc con cái và cả mẹ ông Thương nữa thì việc nhận tiền chỉ là sự cảm thông giữa các phụ nữ trong hoàn cảnh éo le, không vi phạm pháp luật.

Thậm chí đây có thể coi là một nghĩa cử của bà Hiền. Lẽ ra ngay sau đó, bà Nhị và ông Thương cần tiến hành các thủ tục pháp lý để ly dị, sau đó, ông Thương kết hôn với bà Hiền, mọi việc sẽ đúng các quy định pháp luật. Nhưng nếu bà Nhị yêu cầu bà Hiền phải trả 50 triệu đồng để nhường ông Thương cho bà Hiền, không tiếp tục đánh ghen nữa, thì đó lại là một hành vi vi phạm pháp luật. Khoản 1 Điều 135. Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì phạm tội Cưỡng đoạt tài sản và  bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 

Về vụ kiện đòi tiền của Bà Hiền, có thể thấy đây là một vụ tranh chấp tài sản và tòa án thụ lý là đúng. Tuy nhiên, nếu tòa án xử lý lần thứ nhất xem xét hủy giao dịch không đánh ghen và nhận 50 triệu đồng vì giao ước này vi phạm pháp luật, trái với các tiêu chuẩn đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục và yêu cầu bà Nhị trả số tiền đã nhận cho bà Hiền thì sẽ không có vụ kiện thứ hai.

Cũng cần xem xét giấy thỏa thuận ba bên giữa bà Nhị, bà Hiền, ông Thương để làm rõ 50 triệu đồng bà Hiền đưa cho bà Nhị là khoản tiền bà Hiền tặng cho bà Nhị để “bù đắp tổn thất tinh thần” hay là khoản tiền bà Hiền cho bà Nhị vay. Theo đó, toà án cấp phúc thẩm cần tổ chức giám định lại giấy thỏa thuận ba bên để xác định sự thật của vụ án. Kết thúc vụ kiện thứ nhất, các bên đã hòa giải thành, ông Thương cam kết trả tiền cho bà Hiền, Bà Hiền cũng đồng ý như vậy.

 Vì vậy tôi đồng ý với một bạn đọc: “Do đó, bà Hiền không có quyền khởi kiện bà Nhị trong lần khởi kiện thứ hai, trừ trường hợp số tiền khởi kiện lần 2 là một giao dịch khác lần khởi kiện thứ nhất. Tòa án có thể đối chiếu văn bản thỏa thuận giữa bà Hiền, ông Thương, bà Nhị trong hai vụ kiện sẽ xác định được bản chất sự việc”.

Câu chuyện này cũng là một lời cảnh báo đối với những người đang có các quan hệ ngoài vợ chồng. Cơ sở của một mối quan hệ, một gia đình bền vững là sự chung thủy và tôn trọng lẫn nhau. Nếu nghĩ rằng người vợ hay người chồng là “vật sở hữu” của mình và mình có thể nhượng lại cho người khác thì không đúng. Hậu quả của việc này không chỉ với những người lớn mà còn đối với những đứa trẻ trong gia đình.