Cần làm rõ cái chết bất thường của một bệnh nhân

ANTĐ - Bệnh viện Quân y 17 (BVQY17) bảo bệnh nhân đã ổn và cho xuất viện, nhưng chỉ hơn 3 tiếng đồng hồ sau, bệnh nhân Phạm Phú Chung phải nhập viện cấp cứu và tử vong sau đó.

Vất vả, nhọc nhằn nuôi con khôn lớn. Chưa kịp vui khi con đậu đại học, đã phải chịu nỗi đau xé lòng vì mất con. Sự việc xảy ra tại BVQY17 buộc người cha phải cho rằng con mình đã chết oan ức do bác sĩ thiếu trách nhiệm hoặc chuyên môn yếu kém. Nỗi đau xé tâm can của người cha mất con khiến chúng tôi không thể không vào cuộc.

Lá đơn thấm đẫm nỗi đau

Theo đơn tố cáo của anh Phạm Phú Đức - Trưởng ĐBP 256, BCHBP Đà Nẵng gửi các cơ quan thông tấn báo chí, thì con anh bị chết do bác sĩ “chẩn đoán hoàn toàn sai lệch về tình trạng bệnh của con tôi, đồng thời chủ quan, vô cảm trước mạng sống của bệnh nhân. Dù có thế nào đi chăng nữa thì con tôi cũng không sống lại được, vĩnh viễn không gì có thể bù đắp được nỗi mất mát, đau đớn này của gia đình chúng tôi. Nhưng với tư cách là một người lính, một người cha mất con, tôi kính mong các cơ quan truyền thông báo chí hãy vào cuộc, lên tiếng và đưa vụ việc ra trước công luận, nhằm làm rõ  nguyên nhân cái chết và trách nhiệm của bác sĩ điều trị, để sau này, sẽ không còn người bệnh phải chết oan ức như con tôi”.

Theo gia đình cháu Chung: “Tối 12-8, con trai tôi là Phạm Phú Chung  đi liên hoan cùng thầy giáo và nhóm bạn thân thì bị một nhóm côn đồ đâm nhầm, cả hai thầy trò đều bị thương nặng và được đưa vào cấp cứu tại BVQY17. Sau hơn 3 ngày theo dõi tại Khoa Hồi sức Cấp cứu (HSCC), theo chẩn đoán của BS thì tình hình sức khỏe con trai tôi đã ổn định, cháu được chuyển xuống Khu điều trị (B3). Được chăm sóc tại Khu B3 trong 2 ngày, cháu đã tự ăn uống, vệ sinh và đi lại được. Sau các thủ tục siêu âm, xét nghiệm, chụp X-quang, BV kết luận “vết thương đã ổn định, ổ bụng không có dịch” và cho bệnh nhân xuất viện lúc 19 giờ 30 ngày 18-8, đồng thời hẹn gia đình ngày hôm sau quay trở lại lấy giấy xuất viện. Con tôi được đưa về nhà, đến 23 giờ cùng ngày thì đau bụng dữ dội, gia đình lập tức đưa cháu quay trở lại BVQY17 để cấp cứu. Đến BV lúc 23 giờ 30, Khoa HSCC bắt buộc phải làm các thủ tục nhập viện một lần nữa mới tiến hành cấp cứu cho con tôi, với lý do “hồ sơ lúc chiều đã quyết toán xong rồi”.

Sau một loạt các xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang, BS yêu cầu gia đình mang toa đi mua thuốc để tiêm, truyền dịch cho bệnh nhân và chuyển con tôi xuống Khu B3 để tiếp tục theo dõi và điều trị. Suốt buổi sáng 19-8, con tôi đã bớt đau và tỉnh táo trở lại. Gia đình đề nghị được chuyển bệnh nhân sang BV Đà Nẵng để điều trị tốt hơn, nhưng BS Sinh (BS trực tiếp điều trị) khẳng định rằng “Không cần chuyển viện, chỉ cần hút dịch trong phổi, không có gì đáng lo ngại”. Đến 14 giờ cùng ngày, BS Sinh gặp gia đình và có ý kiến: “Thứ bảy, chủ nhật BV bận, nên phải tiến hành hút dịch trong phổi cho bệnh nhân trong chiều nay (tức thứ sáu ngày 19-8)”, đồng thời yêu cầu người nhà đi mua 2 ống xi-lanh để BS hút dịch cho bệnh nhân. Khoảng 14 giờ, con tôi được đưa vào phòng siêu âm để gây tê và hút dịch. Một lúc sau, tôi nghe tiếng con tôi thét lên đau đớn rồi bất tỉnh trong phòng siêu âm và lập tức được chuyển trở lại Phòng HSCC. Sau đó, BV gọi người nhà, đưa toa thuốc và yêu cầu mua 2 lọ thuốc trả lại Phòng Cấp cứu, vì BS vừa mới “tạm ứng” thuốc để tiêm cho bệnh nhân.

Trong lúc tôi đi mua thuốc, cô ruột cháu nhìn qua cửa sổ thì thấy có 2 BS nam đến tiêm cho con tôi, rồi cháu ngất đi ngay sau khi tiêm thuốc. Đến 16 giờ 30, BS Toàn (Trưởng khoa HSCC BVQY17) mở cửa chính ra gặp tôi và thông báo “Tình trạng cháu đang nguy kịch, có thể do sốc phản vệ, cơ thể phản ứng với thuốc vừa được tiêm, huyết áp xuống rất thấp”. Tôi van nài các BS cố gắng cứu lấy con tôi. BS Toàn trấn an: “Gia đình yên tâm, anh em đang tập trung cứu bệnh nhân. Còn bây giờ tôi phải đi tiếp khách”... Không còn cách nào khác, tôi liền điện thoại nhờ người quen ở BV Đà Nẵng cử BS sang BVQY17 hội chẩn và hỗ trợ. Các BS của BV Đà Nẵng đi được nửa đường thì nhận được điện thoại từ BVQY17 báo con tôi đã tử vong, nên quay về và báo qua điện thoại cho tôi. Rất lâu sau đó, Khoa HSCC vẫn cửa đóng then cài, gia đình tôi đành tìm cách kéo cửa sổ để nhảy vào Phòng Cấp cứu. Lúc bác ruột cháu vào được trong phòng thì thấy cháu đã chết, nằm một mình trên giường bệnh, ngoài ra không thấy có BS nào bên cạnh (lúc đó là 16 giờ 30)”.

Em Phạm Phú Chung chụp ảnh cùng mẹ cách đây 1 tháng.

Em Phạm Phú Chung chụp ảnh cùng mẹ cách đây 1 tháng. 

Cần phải làm rõ nguyên nhân

Hiện Trung tâm Pháp y TP Đà Nẵng, CQĐT và các cơ quan chức năng liên quan đang điều tra làm rõ sự việc. Tin ban đầu từ công tác phẫu thuật pháp y cho biết: vết thương ở vùng lưng trái tổn thương đáy phổi trái và vết thương bên phải ổ bụng làm tổn thương ổ bụng gây tràn máu ổ bụng, lồng ngực tràn ngập máu (khoảng hơn 3 lít máu), ổ bụng có máu đông và máu loãng. Như vậy, vấn đề cần làm rõ ở đây là vết thương ở phổi và thủng ở bụng có từ lúc nào? Từ khi nhập viện do bị đâm vào ngày 12-8, hay có sau quá trình được điều trị tại BVQY17? Máu đông cục trong ổ bụng cho thấy, máu đã bị chảy từ lâu mới có thể đóng cục.

Một điều mà nhiều người đều hiểu được rằng, vết thương trong phổi và ổ bụng là do bệnh nhân bị dao đâm ngày 12-8. Vậy, tại sao BS điều trị lại cho rằng bệnh nhân đã ổn định và cho xuất viện vào ngày 18-8? Việc bệnh nhân phải quay trở lại BV cấp cứu ngay sau khi được xuất viện hơn 3 tiếng đồng hồ cho thấy mức độ nghiêm trọng, tình trạng nguy kịch của bệnh nhân. Song, theo trình bày của người nhà thì bệnh nhân sau khi được kiểm tra lại được chuyển ngay xuống phòng B3, mà không được  cấp cứu tích cực.

Nếu đúng như trình bày của người nhà bệnh nhân thì việc BVQY17 không cho bệnh nhân chuyển viện với lý do “không có gì đáng lo ngại”, nhưng chỉ vài tiếng sau bệnh nhân tử vong, thì trách nhiệm này thuộc về ai? Có ý kiến cho rằng, việc điều trị là theo chỉ định của BS, nhưng việc xin chuyển viện là mong muốn của người nhà bệnh nhân và cần được đáp ứng. Quy định của ngành Y có cho phép BS nói với người bệnh rằng người bệnh “không có gì đáng lo ngại” hay không?

Chỉ cần 50-100CC máu trong phổi, bụng thì siêu âm đã phát hiện

Hầu hết các BS chuyên khoa HSCC đều cho rằng, chỉ cần có 50-100CC dịch, máu trong phổi, trong ổ bụng thì khi chụp X-quang, nhất là siêu âm sẽ “nhạy” hơn, phát hiện ra liền. Tuy nhiên, không loại trừ việc có cả lít máu, dịch trong phổi, trong ổ bụng, vẫn không được phát hiện ra, nếu BS lơ là, chủ quan. Liệu điều này có lý giải cho việc mổ tử thi bệnh nhân, có hơn 3 lít máu trong lồng ngực? Ngay cả các BS cũng hết sức ngạc nhiên khi nghe nói bệnh nhân được xuất viện, nhưng chỉ hơn 3 tiếng đồng hồ sau, lại phải nhập viện trong tình trạng đau đớn mà lại không được cấp cứu tích cực. Thông thường, ngay sau khi xuất viện mà bệnh nhân lại phải nhập viện thì các BS càng cần phải chú trọng quan tâm vấn đề này và có những tiên lượng đúng đắn để có biện pháp cấp cứu tích cực. Vậy, tại sao BVQY17 không làm thế?
Rất nhiều câu hỏi, nhiều thắc mắc được đặt ra, chờ các cơ quan chức năng trả lời.