Bộ trưởng ghé thăm nhà nguy hiểm

ANTĐ - Chiều 12-8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra thực địa và trao đổi với cư dân sống tại nhà chung cư C8 Giảng Võ (tòa nhà được cơ quan chức năng xác định là nhà nguy hiểm cấp D, cấp cao nhất). Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có cuộc làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác cải tạo nhà chung cư cũ, đặc biệt là nhà nguy hiểm.

Bộ trưởng ghé thăm nhà nguy hiểm ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trao đổi với một người dân nhà C8 Giảng Võ

Bế tắc vì mất cân đối

Dành nhiều thời gian tới một số căn hộ để lắng nghe ý kiến của một số cư dân tòa nhà C8 Giảng Võ, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng muốn làm rõ, vì sao tòa nhà đã được xác định là nhà nguy hiểm cấp D nhưng người dân vẫn kiên trì bám trụ. Ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của người dân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng hứa sẽ cùng với TP Hà Nội tìm lời giải cho không chỉ việc cải tạo nhà nguy hiểm C8 Giảng Võ mà còn phải định được hướng ra cho toàn bộ những dự án cải tạo chung cư cũ đang bị ách tắc trên địa bàn Hà Nội. 

Cũng có mặt tại cuộc làm việc Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, với các tòa nhà đang trong tình trạng nguy hiểm, TP đã quyết liệt giao nhiệm vụ cho các sở, ngành để sớm khẩn trương di dời, thậm chí bắt buộc phải di dời. Song thực tế, những năm qua, thực trạng cải tạo chung cư cũ gặp rất nhiều khó khăn. Một số hộ gia đình cố tình không bàn giao mặt bằng, đưa ra những đòi hỏi không hợp lý (đặc biệt là các hộ gia đình ở tầng 1 có lợi thế kinh doanh và sử dụng diện tích đất lấn chiếm). 

Mặt khác, trước đây, tại một số dự án, người dân được tái định cư với hệ số K (diện tích căn hộ mới sau khi tái định cư phải gấp K lần diện tích nhà ở cũ và người dân không phải trả tiền) từ 1,7 đến 2,2 lần. Nay các dự án phải tuân thủ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với định hướng giảm mật độ xây dựng, tầng cao, giảm dân số trong khu vực nội thành nên không thể tiếp tục thực hiện hệ số K cao như vậy. Do đó, việc đảm bảo bài toán kinh tế, cân đối tài chính cho dự án, cải thiện diện tích ở cho người dân trong khu vực dự án, hạn chế tăng dân số tại khu vực này là không khả thi. 

Rõ trách nhiệm của từng chủ thể

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, Hà Nội là địa phương rất quan tâm, tích cực khảo sát đánh giá chất lượng các nhà chung cư cũ. Theo đó, TP đã phân loại những công trình có nguy cơ cao để làm trước, nhất là nhà nguy hiểm loại D, loại C. Đồng tình với những vướng mắc mà TP Hà Nội đã nêu, Bộ trưởng cũng cho biết, pháp luật hiện hành chưa nêu rõ quy định với công trình hết tuổi thọ, mất an toàn và trách nhiệm của người dân trong những trường hợp này. Bộ trưởng đề nghị TP Hà Nội tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện chung cư cũ. Trước mắt, phải gia cố ngay những công trình, những bộ phận công trình không an toàn. Cùng với đó, nếu công trình mất an toàn, phải kiên quyết đưa người dân ra khỏi nhà nguy hiểm. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng là phải hoàn thiện hệ thống hành lang pháp luật cũng như xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho cải tạo chung cư cũ. 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, tới đây, TP sẽ đề xuất với Chính phủ giải pháp để tháo gỡ những nút thắt liên quan đến cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ. TP Hà Nội và Bộ Xây dựng sẽ cùng thống nhất về một số nội dung để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ. Khẳng định việc tái thiết các khu chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, được TP quan tâm, Chủ tịch UBND TP đề nghị, cần thống nhất quan điểm coi việc xây dựng, tái thiết nhà chung cư cũ là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền các cấp và của người dân, không đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp. 

Thành phố cũng đề nghị Chính phủ ban hành quy định về trách nhiệm của chính quyền trong tái thiết chung cư cũ do Nhà nước xây dựng, đã bán, cho thuê, bây giờ tiến hành phá dỡ, xây dựng lại khi nhà xuống cấp, nguy hiểm, hết tuổi thọ. Ông Nguyễn Thế Thảo nói: “Khi đã là quy định bắt buộc về trách nhiệm thì người dân ở tầng 1 hay tầng trên đều phải có trách nhiệm”.