10 nghìn lít dầu tiếp sức ngư dân Lý Sơn: Một ý tưởng của vạn tấm lòng

ANTĐ - Trong rất nhiều những chuyến công tác xã hội từ thiện được Báo ANTĐ tổ chức thành công trong năm 2014, thì có một chuyến đi được đánh giá là mang ý nghĩa lớn lao nhất, với tác động ảnh hưởng sâu rộng nhất, đó là lần Đại tá Tổng biên tập ra tận đảo Lý Sơn để sẻ chia, tiếp sức ngư dân Quảng Ngãi đúng vào những ngày hè nóng bỏng.

10 nghìn lít dầu tiếp sức ngư dân Lý Sơn: Một ý tưởng của vạn tấm lòng ảnh 1Báo ANTĐ đã phối hợp cùng một số doanh nghiệp thực hiện thành công chương trình 
tiếp sức 10.000 lít dầu để ngư dân vươn khơi. (Trong ảnh: Đại tá Đào Lê Bình, Tổng Biên tập Báo ANTĐ tặng quà Huyện ủy, UBND, Đồn Biên phòng và Công an Lý Sơn)

Chuyến công tác mang ý nghĩa đặc biệt 

 “10 nghìn lít dầu tiếp sức ngư dân huyện đảo Lý Sơn” chính là ý tưởng của Đại tá Đào Lê Bình, Tổng biên tập Báo ANTĐ được thực hiện đúng vào thời điểm cả nước đang sục sôi vì việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Vốn đã nhiều lần đến với huyện đảo Lý Sơn qua những chuyến công tác xã hội vài năm trước, nên Tổng biên tập Đào Lê Bình rất am hiểu về đặc điểm địa lý, con người nơi đây, biết họ đang cần và thiếu thứ gì nhất, ngoài sự sẻ chia, động viên tinh thần của đồng bào ở đất liền.

Từ những suy nghĩ thực tế đó, chính Tổng biên tập Đào Lê Bình là người trực tiếp xây dựng và triển khai kế hoạch chuyến công tác xã hội đến với ngư dân huyện đảo Lý Sơn, với những nội dung cụ thể chi tiết nhằm đảm bảo mọi việc phải thật sự chu đáo, làm ấm lòng quân, dân huyện đảo, để họ thêm vững tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. 

Không giống như những chuyến công tác xã hội thông thường, phải mất rất nhiều thời gian, công sức để vận động bạn đọc, các tấm lòng hảo tâm quyên góp ủng hộ, nhưng chuyến công tác đặc biệt này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các doanh nghiệp Thủ đô và nhiều cá nhân. Điều này cũng dễ hiểu, vì thời điểm ấy, nhân dân cả nước đang sục sôi hướng về biển đảo bằng nhiều hoạt động thiết thực, nên khi nói tới việc ủng hộ các ngư dân đang ngày đêm kiên cường bám biển, thì các doanh nghiệp, cá nhân đều hăng hái sẵn lòng đóng góp. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Báo ANTĐ đã nhận từ các tấm lòng vàng 120 suất quà tương đương với 10 nghìn lít dầu gửi tặng ngư dân Lý Sơn. Bên cạnh đó, nhiều phần quà thiết thực của các tập thể, cá nhân cũng được gửi tới quân và dân huyện đảo Lý Sơn như máy vi tính, thuốc chữa bệnh…

Còn một điều đáng trân trọng nữa là, dường như phần đất thiêng liêng nơi tiền tiêu Tổ quốc luôn giữ một vị trí quan trọng trong lòng mỗi người, và ai cũng muốn  có những hành động thiết thực để thể hiện tình cảm của mình trong những ngày đó, vì thế mọi việc chuẩn bị cho chuyến công tác đến với Lý Sơn vô cùng suôn sẻ. Chuyến công tác lần này, thành viên trong đoàn ngoài đồng chí Tổng biên tập, tất cả chúng tôi đều là những người lần đầu đi biển, nên rất lóng ngóng khi làm các thủ tục xuống tàu để ra đảo. Theo lịch trình, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến tàu ra đảo và hôm sau mới có chuyến về. Do không nắm bắt được thông tin đó, đoàn công tác đã bị lỡ chuyến và lệch thời gian đã hẹn trước với huyện đảo. Trước sai sót này, mọi người đều lo lắng chạy đôn, chạy đáo để tìm kiếm sự giúp đỡ và thật bất ngờ, khi biết đoàn công tác xã hội của Báo ANTĐ đến với quân dân huyện đảo Lý Sơn, các nhân viên bến tàu đã nhiệt tình hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để đoàn công tác được xuống tàu, đảm bảo thời gian làm việc theo kế hoạch.

 Ấm lòng quân dân đảo tiền tiêu

Sau hơn một giờ đồng hồ trên biển, chiếc tàu chở đoàn công tác của Báo ANTĐ cũng cập bến đảo Lý Sơn. Mặc dù khi đó là thời điểm sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta đang “nóng rẫy” trên mọi phương tiện truyền thông, nhưng cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây dường như không có gì xáo trộn, mọi việc vẫn diễn ra rất bình thường. Trên bến, hàng đoàn xe cộ tấp nập bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa từ đất liền về nơi tập kết, dưới bến, tiếng nói, tiếng cười rộn rã; xa xa từng đoàn thuyền với lá cờ Tổ quốc đỏ thắm giương buồm ra vươn khơi hứa hẹn vụ đánh bắt bội thu. Những gương mặt nâu sạm toát lên vẻ can trường đầy nghị lực của ngư dân như tỏ rõ quyết tâm bảo vệ ngư trường, nghề truyền thống của cha ông bao đời.

Trong cái nắng cháy của Lý Sơn, Đại tá Đào Lê Bình hăng hái dẫn cả đoàn đến Nghiệp đoàn nghề cá theo đúng chương trình. Sau cả một chặng đường dài đi liên tục, ai cũng thấm mệt, nhưng tinh thần và tình cảm của trưởng đoàn dường như đã lan tỏa sang mọi người. Trực tiếp tham gia đưa tin, bài về sự kiện giàn khoan trong những ngày “mặt trận” báo chí cực kỳ sôi động, tôi hiểu được phần nào tâm tư tình cảm vị chỉ huy của mình. Luôn đau đáu hướng về đồng bào, hướng về người dân lao động ở nơi sóng to gió cả với một tình cảm chưa bao giờ vợi bớt, Đại tá Đào Lê Bình đã rất mong có được chuyến đi này và rất mong đến phút giây này. Vì thế những mệt mỏi của quãng đường dài đều bị gạt lại đằng sau.

Gặp các phóng viên, ông Lê Khởi, Ủy viên Ban chấp hành nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn tâm sự, bản thân ông trong một chuyến đi biển đã bị phía Trung Quốc bắt giữ mấy tháng trời trên đảo, rồi bị bỏ đói nhiều ngày nhưng với sự đấu tranh quyết liệt của công tác ngoại giao và chính các ngư dân nên ông mới được thả về, song tất cả tàu thuyền đều bị phá hỏng hoặc thu giữ. Với ngư dân, tàu, thuyền là cả cơ nghiệp, ông buồn hàng tháng trời vì tiếc công, tiếc của, nhưng trong ông sớm trỗi dậy một quyết tâm gắn bó với nghề. Được vay vốn hỗ trợ đối với hộ khó khăn từ ngân hàng, ông tiếp tục mua sắm tàu thuyền, ngư cụ đi biển và nhanh chóng tìm thấy niềm vui khi được quay về với biển. 

 Dừng chân tại Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, ông Khởi cho biết, Nghiệp đoàn này có 715 đoàn viên với trên 70 tàu, thuyền, trong đó có 30 tàu thường xuyên đánh bắt xa bờ ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mặc dù đánh bắt cá trên chính ngư trường của mình nhưng họ vẫn bị tàu Trung Quốc đe dọa, tấn công, uy hiếp. Dầu vậy, ngư dân không hề chùn bước. Vì với họ, biển khơi không chỉ là ngư trường mưu sinh, là nghề truyền thống được ông cha để lại bao đời nay. 

Thăm hỏi và trao tận tay 120 phần quà, tương đương 10 nghìn lít dầu của các doanh nghiệp, tấm lòng vàng gửi tặng ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Đại tá Đào Lê Bình xúc động chia sẻ: Khi nhìn những đoàn tàu nối đuôi nhau ra biển với rừng cờ đỏ Tổ quốc trên nền bầu trời xanh và các ngư dân da sạm nắng đầy nghị lực vươn khơi trước muôn trùng sóng cả, người đất liền rất cảm phục, muốn làm tất cả để tiếp sức ngư dân huyện đảo giữ vững vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Những ngư dân huyện đảo có mặt đều cảm nhận được sự chân thành trong những lời nói ấy, những lời nói xuất phát từ trái tim, và càng trân trọng hơn tấm lòng của các chiến sỹ công an làm báo ở tận Thủ đô. Chính tấm lòng đó, cùng với những món quà thiết thực sẽ giúp các ngư dân có thêm sức mạnh để đối mặt và vượt qua mọi sóng cả. 

Vượt hàng nghìn cây số và chỉ gặp gỡ trò chuyện với ngư dân trong vài tiếng đồng hồ, nhưng các thành viên trong đoàn công tác của Báo ANTĐ đều khắc sâu trong lòng những ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất và con người Lý Sơn. Nhất là với cánh phóng viên chúng tôi, sau chuyến đi đó đã tiếp tục có những bài viết sắc nét hơn, đạt hiệu quả cao hơn khi tuyên truyền về biển đảo, góp thêm tiếng nói vào cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên mặt trận truyền thông. Đó cũng chính là một mục tiêu mà Đại tá Tổng Biên tập Báo ANTĐ đã đặt ra trước chuyến đi…