Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lan truyền trên facebook

ANTĐ - LTS: Trong mấy ngày qua, một bức thư được truyền tải với tốc độ chóng mặt trên facebook. Không hề có nội dung giật gân, câu khách, mà đó là bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT của Võ Thị Mỹ Linh, cô gái người Việt may mắn thoát chết trong vụ sạt lở tuyết mới đây tại dãy Himalaya (Nepal) làm khoảng 40 người chết. Bức thư tuy được phản hồi với nhiều sắc thái khác nhau, nhưng nội dung của nó rất đáng để những người làm công tác giáo dục, nhất là những người có tâm huyết với việc đổi mới nền giáo dục nước nhà, suy nghĩ.

Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lan truyền trên facebook ảnh 1SGK của Việt Nam (bên phải) bài về chủ đề “Quê hương tôi”,
nhưng “Tôi tên là Lisa” và “Tôi sống ở London”. 
Trong khi SGK của Nepal, tên nhân vật và địa danh đều gắn với đất nước này (
Ảnh trên facebook củ Võ Thị Mỹ Linh)

Gửi bác Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Cháu tên Linh. Dĩ nhiên bác không cần nhớ tên cháu làm gì. Cũng như đã lâu rồi cháu chẳng còn quan tâm ai là Bộ trưởng Bộ GD vậy. Nhưng nói chung, làm người đâu nhất thiết phải nhớ tên nhau. Chỉ cần chúng ta có một câu chuyện chung để nói. Thế là đủ rồi bác nhỉ. 

Chuyện kể là, hôm qua, cháu ngồi ở thư viện trường Shree Sarbodaya quận Syanja - Nepal. Cháu dành cả một ngày đọc sách giáo khoa English để hiểu cách dạy English của người Nepal. Dĩ nhiên, người Nepal dạy English không tốt đâu. Vì họ không có tiền để mua tivi, băng đĩa, không có phương tiện cho học sinh nghe người bản xứ nói chuyện, thậm chí đến cả cuốn từ điển giấy họ còn túng thiếu bác ạ (túng thiếu đến cỡ nào cháu sẽ có 1 bài viết để kể sau). Nhưng so với Việt Nam thì English của họ giỏi hơn nhiều. Dĩ nhiên, Nepal đúng là một nước nghèo, nghèo xếp hạng top nghèo nhất thế giới ấy. Nhưng cần so sánh với trình độ GD của 1 nước nghèo để thấy rằng trình độ của nước mình ở đâu. Và giờ, có mấy điều cháu muốn trao đổi với bác như sau:

1. Cháu đọc SGK English của học sinh Nepal từ lớp 1 đến lớp 5. 

Bài học đầu tiên của học sinh lớp 1 Nepal là chuyện chào hỏi. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 2 nói chuyện đi đến trường. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 3 kể lại nhật ký một ngày của cô bé Lilu. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 4 dạy bạn phải biết Be careful (cẩn thận) với câu chuyện cậu bé Raj vừa đi vừa chơi game mà không để ý thấy cây cầu bị gãy.

Bài học đầu tiên của học sinh lớp 5 hỏi, "What do you want?" (Bạn muốn gì) và kể chuyện người cha già có đứa con bị ở tù. Ổng ra vườn trồng khoai tây và ước giá mà có đứa con trai ở đây để đào lỗ cho ổng trồng. Thế là ổng viết thư cho con trai. Mỗi bài học thể hiện độ khó khác nhau bác ạ. Thậm chí ngoài English, họ còn có 2 môn học khác là Văn hoá xã hội và Khoa học - Sức khoẻ cũng hoàn toàn được viết bằng English và nằm trong môn học chính của học sinh.

Cháu lập tức nhắn về Việt Nam, nhờ đứa bạn thân chạy ra hiệu sách, chụp cho cháu xem SGK English từ lớp 1-5 dạy cái gì. Bác biết gì không? 

Bài học đầu tiên của SGK 1 dạy Hello. Bài học của sách SGK 2 là dạy câu "where are you from" (Bạn từ đâu tới). Bài học của SGK 3 dạy lại Hello. Bài học đầu tiên của SGK 4 dạy câu "How're you" (Bạn thế nào?). Bài học đầu tiên của SGK 5 dạy lại câu "where're you from". 

Cháu hoảng hồn bác ạ. Cháu không biết vì bác nghi ngờ trình độ của học sinh VN quá kém nên có mỗi 3 câu "hello, how're you, where're you from" mà bác bắt chúng phải học đi học lại suốt 5 năm học như thế hay không? 

Hay là tại những người soạn sách không biết gì hơn để mà soạn? 

Hay tại chúng ta quan niệm, 5 năm, học được 3 câu đó là đã quá nhiều rồi? 

Bác biết không, học sinh ở độ tuổi càng nhỏ thì khả năng tiếp cận ngôn ngữ càng tốt. Vì lúc đó bộ nhớ của chúng chưa sử dụng để ghi nhớ những điều phức tạp, những chuyện kiếm tiền, yêu đương. Nên cháu buồn khi thấy chúng ta bắt các em học quá nhiều thứ về toán lý hoá nhưng lại lo sợ trí nhớ của các em không đủ để học English. Buồn cười nhỉ. 

2. Để dạy học sinh Nepal hiểu English, nhớ English, người Nepal bắt đầu bài học bằng những câu chuyện. Chuyện kể cô bé Deepa làm việc này việc kia. Chuyện kể gia đình cu cậu Ramesh thế này thế nọ. Cô giáo sau khi dạy học sinh về câu chuyện sẽ hỏi lại học sinh câu chuyện đó kể gì, cô bé Deepa làm gì, cậu Ramesh bị gì. Học sinh trả lời và ghi nhớ.

Để dạy học sinh Việt Nam hiểu English, các nhà soạn sách VN soạn ra những đoạn hội thoại chẳng có ý nghĩa gì và bắt học sinh học lại đoạn hội thoại đó để ứng dụng như một con vẹt. Theo bác, việc ghi nhớ nội dung câu chuyện dễ hơn hay khó hơn ghi nhớ một đoạn hội thoại? 

3. Người Nepal soạn sách giáo khoa để dạy người Nepal. Thế nên những câu chuyện họ viết, những đề tài họ dạy liên quan đến đời sống, văn hoá hàng ngày của họ. 

Họ nói về đỉnh Everest, nói về thủ đô Kathmandu, nói về những cậu bé, cô bé với những cái tên rất Nepal như Gauri, Sunda... Đó là cách họ khiến học sinh hứng thú với môn English vì nó gần gũi, dễ hiểu. Đó cũng là cách họ tự hào về đất nước họ. 

Chúng ta - trong đó có bác - luôn nói tự hào về Việt Nam. Nhưng có bao giờ bác nhìn SGK English của người Việt để xem sách viết gì không?

Sách viết câu chuyện của Tom, của Peter, của Marry... những cái tên không phải của người Việt. Sách kể chuyện My hometown (Quê hương tôi) nhưng cái Hometown ấy là London. 

Sách kể về món bánh nhưng không phải là bánh chưng, bánh giày bánh mì thịt nướng mà là bánh Pizza. Thế nên cháu muốn hỏi là, có phải vì chúng ta không đủ kinh phí để soạn một cuốn sách dạy English nhưng nội dung xoay quanh đời sống Việt không? Hay là những nhà soạn sách họ không nghĩ ra cái gì hay ho hơn nên phải dùng những câu chuyện của nước khác. Để đến khi người nước ngoài họ hỏi cái món bánh nổi tiếng nhất ở nước mày là món gì thì học sinh bảo là pizza vì chúng không biết từ bánh mì thịt nướng trong English nói thế nào. 

Nếu mà vì chúng ta nghèo quá, không có kinh phí, chỉ cần bác nói thôi, cháu sẽ huy động được một đội ngũ soạn được cuốn sách dạy English cho người Việt mà không cần lấy một đồng nào. 

Còn nếu vì những người soạn sách họ không nghĩ ra cái gì hay ho hơn để viết, thì cũng chỉ cần bác nói thôi, cháu sẽ chỉ họ cách viết. Thí dụ như thay vì viết bài giảng "quê mày ở đâu hả Tom? Quê tao ở Mỹ, Peter ạ" thì cháu sẽ chỉ họ chuyển thành thế này "Quê mày ở đâu hả Tí? Quê tao ở Mỹ Tho Tèo ạ." 

Cháu tin bọn học sinh sẽ hứng thú với câu chuyện của thằng Tí, thằng Tèo hơn câu chuyện của Tom và Peter ạ. Vì chúng cháu đã từng là những thằng Tí, thằng Tèo như thế.

4. Đã rất lâu rồi, chúng ta, hoặc vì lười biếng, hoặc vì bảo thủ, hoặc vì không muốn tiếp cận cái mới nên luôn tự ru ngủ nhau rằng, "là người Việt, chúng ta phải tự hào về văn hoá Việt, nên chúng ta cần học tiếng Việt chứ không phải English". Đó chắc là lý do mà kỳ thi tốt nghiệp THPT năm vừa rồi English trở thành môn tự chọn và không có trong môn thi. 

Nhưng cháu thì muốn đổi lại một chút thế này, "là người Việt, chúng ta cần tự hào về văn hoá Việt, nên chúng ta cần học English để nói cho thế giới biết về văn hoá của chúng ta đẹp như thế nào". Người Nepal đưa English thành ngôn ngữ chính, vì họ muốn kể câu chuyện văn hoá của đất nước họ cho thế giới biết. Nên cũng đã đến lúc chúng ta cần học theo như họ rồi bác ạ.

Nó giống như câu chuyện anh nông dân xây được cái nhà đẹp ấy. Nếu anh tự hào về ngôi nhà anh đẹp, thì anh phải tìm cách đi qua làng bên, nói cho người làng bên biết cái nhà anh đẹp thế nào để họ còn biết mà đến thăm. Nhưng chúng ta đã làm gì? Chúng ta đã bảo anh nông dân ấy nằm ở nhà, chổng mặt lên ngắm trần nhà và tự khen nhà mình đẹp thôi là đủ. Trong khi thế giới ngoài kia, có biết bao ngôi nhà đẹp hơn đang được xây nên mỗi ngày, bác ạ...

Tái bút: Nói có sách, mách có chứng, cháu gửi hình so sánh SGK English của học sinh Nepal và Việt Nam cho bác nhé.

Phụ huynh học sinh lên tiếng:

Chị Trần Huyền Trang (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội): Sau mấy chục năm, vẫn vậy?

“Khi đọc thư ngỏ trên facebook của em Võ Thị Mỹ Linh, tôi chợt nhớ đến đứa cháu gái học lớp 7 của mình. Cháu tôi học tiếng Anh đã được 7 năm, nhưng một lần có đồng nghiệp người Bỉ của tôi đến nhà chơi, cháu không nói được câu nào ngoài việc chào và giới thiệu tên, tuổi. Tôi thấy thất vọng vì dường như sau mấy chục năm, hiệu quả của việc dạy tiếng Anh trong trường phổ thông không khác gì so với thời tôi học. Chỉ một so sánh nhỏ của Mỹ Linh, tôi càng thấy rõ hơn nguyên nhân của tình trạng đó là ở đâu”.

Anh Nguyễn Hải Quân (Ngõ 191 Lạc Long Quân, Hà Nội): Hy vọng sẽ sớm có một bộ sách tiếng Anh chuẩn

“Tôi rất thích cách lập luận và suy nghĩ của Mỹ Linh, dù rằng nó vẫn còn mang tính chủ quan, xét theo một góc độ nào đó. Chắc rằng bức thư này sẽ có tác động và ảnh hưởng đến nhiều người, nhất là trong thời điểm vấn đề đổi mới sách giáo khoa, đổi mới giáo dục đang được bàn sôi nổi như hiện nay.  
Theo tôi được biết thì hiện giờ ở Việt Nam chưa có sách giáo khoa tiếng Anh cho lớp 1 và lớp 2, vì thế sách cho các cháu là sách “đi mượn”. Hy vọng sẽ sớm có một bộ sách tiếng Anh chuẩn “Made in Vietnam” để các thầy cô có thể dạy tiếng Anh theo cách phù hợp với người Việt Nam, nâng cao mặt bằng trình độ chung cho học sinh ngay từ khi mới bước vào cấp 1”.

Võ Thị Mỹ Linh (SN 1989) tốt nghiệp khoa Báo chí ĐH KHXH&NV TP.HCM năm 2011, từng làm việc cho một tạp chí rồi sau đó chuyển sang làm cho ngân hàng trước khi bỏ việc để đi du lịch. Hiện cô đang làm tình nguyện viên tại làng Ảuchour, quận Syanja, Nepal.