Rối mù với hóa đơn tiền điện 12 bậc

ANTĐ - Hóa đơn tiền điện tháng 4-2014 đã được chuyển đến các hộ tiêu thụ điện. Điều khiến nhiều khách hàng thắc mắc là hóa đơn điện bị chia đến 12 bậc thang thay vì 6 bậc thang thông thường. 

Tiền điện tăng do cách tính?

Theo khách hàng sử dụng điện L.A (quận Hai Bà Trưng), tháng 4-2015, tổng lượng điện tiêu thụ của hộ gia đình này là 590kWh. Số tiền phải thanh toán trong tháng khoảng 1,415 triệu đồng. Song điểm đáng chú ý là hóa đơn điện tháng này bị chia làm 12 bậc tính, thay vì 6 bậc như các tháng khác và mỗi bậc lại tăng giá. Theo gia đình tự tính toán, nếu áp dụng cách tính tiền điện 6 bậc như trước đây, tổng số tiền phải thanh toán trong tháng chỉ là 1,227 triệu đồng. “So với số tiền thực phải thanh toán theo hóa đơn, gia đình tôi phải chi thêm 187.867 đồng trong tháng này. Cách tính giá điện rất khó hiểu vì các bậc thang không được chia như trước đây”- khách hàng L.A nói.

Rối mù với hóa đơn  tiền điện 12 bậc  ảnh 1

Hóa đơn điện tháng 4 bị chia làm nhiều bậc

Lượng điện năng tiêu thụ trong tháng 4 chỉ 311 kWh, một khách hàng sử dụng điện ở quận Nam Từ Liêm bức xúc: “Có đến 10 bậc thang tính giá điện nên rất khó hiểu. Tổng số tiền chúng tôi phải thanh toán là 636.373 đồng. Với cách tính trước đây, lẽ ra tôi chỉ phải trả 561.232 đồng, mức chênh lệch so với hóa đơn là 75.141 đồng. Tăng giá điện là một nhẽ, người dân phải chấp nhận. Nhưng tăng giá rồi kèm theo cách tính lạ như vậy, chúng tôi thiệt đơn thiệt kép. Ngành điện cần lý giải rõ ràng để người dân hiểu”. Không chỉ 2 khách hàng sử dụng điện nêu trên mà hàng loạt khách hàng đều cho rằng cách tính giá điện tháng 

4-2015 bỗng dưng “rối tung rối mù”. 

Buộc phải tính nội suy giá điện!

Phản ánh tới đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) về thắc mắc của khách hàng, vị này cho biết, giá điện tháng 4 được tính theo phương pháp nội suy. Cách tính này được thực hiện tại các địa phương trong cả nước theo Thông tư 16/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Ví dụ cụ thể với trường hợp của khách hàng L.A, hộ mua điện này ghi chỉ số công tơ theo lịch vào ngày 12 hàng tháng (ngày đầu kỳ hóa đơn là ngày 13), điện năng tiêu thụ cho kỳ hóa đơn tháng 4 từ ngày 13-3-2015 đến ngày 12-4-2015 là 590 kWh. Thời gian dùng điện theo giá cũ là 3 ngày và theo giá mới là 28 ngày. Bằng những phép tính cụ thể, EVN HANOI đã cho biết tính toán lượng điện tiêu thụ và số tiền phải thanh toán chi tiết, đúng như hóa đơn đã gửi đến khách hàng.

Một chuyên gia kinh tế cho biết, giá bán lẻ điện sinh hoạt được tính theo phương pháp nội suy, tức là tính giá bậc thang theo ngày mà khách hàng sử dụng. Theo đó, giá điện được tính bằng bình quân lượng điện tiêu thụ 1 ngày của bậc 1 nhân với số ngày thực tế khách hàng sử dụng. Các bậc thang tiếp theo sẽ biến đổi tương ứng. Do đó, số ngày thực tế sử dụng so với định mức "chuẩn" (50 KWh/30 ngày) càng lệch thì giá điện tương ứng cho mỗi bậc thang cũng sẽ lệch theo. Cách tính giá điện này đã được áp dụng từ nhiều năm, vào mỗi đợt điều chỉnh giá điện.

“Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp lượng khách hàng quá lớn, ngành điện không thể cùng một lúc đi chốt số của hàng chục triệu khách hàng trong một thời điểm được. Nếu không áp dụng cách tính này mà đợi ghi hết số công tơ rồi tính tiền theo cách thông thường, ngành điện sẽ chịu thiệt. Tuy nhiên, cách tính này lại làm người dân thắc mắc và không thỏa mãn”.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, đại diện EVNHANOI cho biết, cách tính nội suy giá điện chỉ được áp dụng trong tháng 4 này. Trong tháng 5 tới, giá điện sẽ được tính theo bậc thang thông thường.