Khi “ném đá” trở thành “nét văn hóa” của một bộ phận người Việt

ANTĐ - Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, mọi người càng có nhiều cơ hội để tiếp xúc với muôn vẻ thông tin đời sống, xã hội, cũng như bày tỏ ý kiến cá nhân của mình trước những thông tin mà bản thân quan tâm. Sẽ không có gì đáng nói nếu như nhiều người không dễ dàng buông lời chê bai, thậm chí miệt thị, xúc phạm trên mạng Internet nhắm vào các sản phẩm, dịch vụ, cá nhân hay tổ chức mà họ không cảm tình, dù cho những người này chẳng buồn tìm hiểu thông tin đầy đủ trước khi buông lời “ném đá”…

“Ném đá” đang ngày càng trở thành một từ được nhắc tới nhiều, khi xu hướng phê phán, chỉ trích của một bộ phận độc giả Việt trở nên phổ biến.

Việc nêu ý kiến phản biện là cần thiết, nếu không muốn nói cực kỳ quý giá để góp phần quan trọng trong bất kỳ quá trình phát triển nào. Tất nhiên, nó phải dựa trên nền tảng chân thành và thậm chí là hiểu biết đủ sâu về vấn đề phản biện, nếu không, sự phản biện đó dễ dàng trở thành… phá hoại, gây bè phái và mất đoàn kết.

Ở xu hướng “ném đá” phổ biến của một bộ phận độc giả Việt hiện nay, có thể thấy rõ sự thiếu hụt của nền tảng nói trên, thể hiện qua 2 yếu tố là ngôn từ góp ý dễ gây “nóng máu” và sự hấp tấp, vội vàng khi tiếp cận vấn đề, dẫn tới việc “ném đá” ngay cả khi… chưa hiểu rõ “đầu cua tai nheo”.

Với yếu tố thứ nhất, chúng ta dễ dàng tìm thấy những từ ngữ chê bai cho tới xúc phạm, miệt thị nặng nề mà nhiều cư dân mạng sẵn sàng viết ra mỗi khi không hài lòng trước thông tin về sản phẩm, dịch vụ hay tổ chức, cá nhân nào đó. Với họ, "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" quả là một thứ xa xỉ.

Điều này khiến chính những người dù cầu thị nhất cũng cảm thấy… nản khi đứng trước các dòng góp ý thiếu giá trị như vậy. Trong khi chính những người vừa buông lời góp ý xúc phạm nặng nề, nếu bị góp ý ngược trở lại thì sẵn sàng “xù lông nhím” để tranh luận (tất nhiên, bằng lời lẽ khó nghe hơn nữa), và rồi từ đó trở thành một cuộc khẩu chiến mà kết cục chỉ là những cục tức dành cho các bên liên quan.

"Tối đa hóa" những lời lẽ miệt thị, xúc phạm đã trở thành "thói quen" bình luận của một bộ phận đông đảo cư dân mạng hiện nay

Nếu có thể đem những ngôn từ khó nghe trong một số vụ “ném đá” gần đây của cư dân mạng Việt ra “cân đo đong đếm” thì hẳn “bà đồng nát” nào thu mua được loại hàng này sẽ đủ sống tới cuối đời… Như việc Tập đoàn Bkav trình làng giải pháp nhà thông minh BKAV Smarthome, cho tới hãng hàng không Vietnam Airlines thay đổi trang phục của tiếp viên, hay đề xuất tịch thu xe hơi nếu như lái xe có nồng độ cồn trong cơ thể quá cao..., thay vì đưa ra những góp ý chân thành, phản biện có tính lý luận thì nhiều người chỉ đơn giản thể hiện quan điểm bằng những lời nói đầy tính mỉa mai, xúc phạm, thậm chí là tục tĩu.

Có lẽ một trong những nguyên nhân dẫn tới việc thiếu kiềm chế trong ngôn từ góp ý, phản biện của một bộ phận đông đảo cư dân mạng Việt chính là những “tấm gương” – những người có chút tiếng tăm, được theo dõi nhiều trên các trang blog, mạng xã hội và thường có những bài đăng thể hiện quan điểm theo lối viết đậm màu sắc cá nhân, thậm xưng và cả “đanh đá”.

Mỗi ngày, khi tiếp xúc với những bài đăng thể hiện quan điểm cá nhân của một vài “người nổi tiếng” nhưng ngôn từ lại không phù hợp, sẵn sàng đả kích, miệt thị và mỉa mai đầy chua cay, song nhận về bên dưới là rất nhiều lời ủng hộ, tán dương, không ít độc giả dường như đã bị “ngấm” lối thể hiện tiêu cực đó. Tiếc thay, hiện trạng này vẫn đang ngày càng trở nên phổ biến!

Ở yếu tố thứ hai của xu hướng “ném đá” là sự hấp tấp, vội vàng khi tiếp cận vấn đề của nhiều độc giả. Thay vì bình tĩnh đọc… hết thông tin, suy xét một cách khách quan và tỉnh táo, cũng như tham khảo các nguồn tin liên quan khác, rất nhiều cư dân mạng Việt chỉ biết đọc tít bài rồi lập tức tung ra những lời chỉ trích dữ dội như thể đã nghiên cứu vấn đề trong suốt cả năm trời và giờ là lúc thể hiện sự bức xúc.

Có thể tìm được rất nhiều dẫn chứng cho câu chuyện “đọc vô trách nhiệm” như vậy, mà một dẫn chứng khá “đắt” là việc xuất hiện đề Toán dành cho học sinh lớp 2 trên mạng: "Trên tàu có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?". Chưa kịp hiểu xem đề Toán này ở đâu, tại sao lại có đề toán đó và lời giải hợp lý là gì, nhiều độc giả lập tức phê phán nặng nề tác giả cuốn sách, nhà xuất bản sách, khâu duyệt sách, rồi mở rộng hơn là cả một nền giáo dục… Khi những ý kiến “ném đá” về “mức độ IQ của tác giả quá kém” đã đạt lên mức báo động, nhiều người từng cất lời phê phán mới ngỡ ngàng khi biết đó là chủ ý của người soạn đề để khơi gợi tư duy sáng tạo và tự tin trong các em nhỏ.

Không cần biết mục đích của đề bài, nhiều người đã vội mang một "rổ gạch đá" ra tấn công tác giả

Hay như giải pháp nhà thông minh BKAV SmartHome vừa ra mắt đã phải nhận rất nhiều “gạch đá” từ cư dân mạng Việt, trong số những người thể hiện thái độ chê bai, dè bỉu thì có bao nhiêu người thực sự đã trải nghiệm giải pháp nhà thông minh này để có cơ sở phản bác giá trị?

Xin kết lại bài viết bằng một thực tế sinh hoạt diễn đàn (forum) phổ biến ở những nước phát triển: Tại đó, người ta không ngại nêu ra những câu hỏi dù vô cùng đơn giản, thậm chí ngờ nghệch, miễn là họ không biết và mong muốn nhận được câu trả lời giúp giải đáp. Ở forum Việt Nam, nếu nêu ra những câu hỏi đơn giản, sẽ nhận được nhiều lời chê bai “đồ ngu dốt” thay vì câu trả lời đúng nghĩa. Ngay cả những người đưa ra giải đáp ở forum nước ngoài, họ không “giấu nghề”, nếu biết nhiều thì trả lời nhiều, biết ít thì cũng chia sẻ những gì đã biết, nếu sai thì sẽ có người biết nhiều hơn chỉ ra để rút kinh nghiệm. Còn “ở ta”, người biết nhiều thì không nói (vì sợ lộ “mánh”), người biết ít thì không dám nói vì sợ bị chê chửi. Và kết quả là: Nơi đâu sẽ phát triển hơn?

Một xã hội muốn phát triển và tiến tới mục tiêu ngày càng văn minh, phồn thịnh thì cần nhất trong đó là yếu tố con người. Mỗi người ý thức hơn trong truyền thông, trong văn hóa ngôn từ góp ý của mình, và đặc biệt là chịu khó tìm hiểu thực sự vấn đề trước khi phản bác, thì chắc chắn xã hội đó sẽ khác xa một xã hội gồm nhiều người “nói chả phải nghĩ, góp ý chả cần biết nó là cái gì!”