Đời sống eo hẹp, đám cưới vẫn “phình” to

ANTĐ - Mới đây tôi được mời về dự đám cưới con nhà chú họ ở Đông Anh. Khi mời bằng điện thoại, chú tôi dặn đi dặn lại là phải về từ sáng ngày hôm trước, nghĩa là ngày dựng rạp. 

Đúng lời dặn, tiệc cưới chính được tổ chức vào Chủ nhật, thì sáng sớm thứ Bảy tôi đã có mặt ở nhà. Mới sáng ra, anh em, con cháu họ hàng và cả một số người hàng xóm làm giúp đã đủ đầy. Một bộ phận  căng phông bạt, kê bàn ghế; bộ phận khác mổ gà, mổ lợn, chuẩn bị nấu cỗ. Tôi hỏi sao làm cỗ sớm thế, chú tôi bảo: “Bây giờ khác đám cưới ngày trước rồi cháu ạ, nhà nào có đám cưới là phải tổ chức ăn linh đình từ hôm dựng rạp cho tới hôm dỡ rạp mới thôi. Nhà ít cũng phải làm cỡ trăm mâm, nhà nhiều họ mạc, đông anh em như nhà mình làm tới 200 mâm cỗ mà vẫn lo thiếu đấy...”.

Hỏi một số người sống xung quanh mới biết, nhà nào cũng vậy, đều phải tổ chức to, lễ nghĩa rườm rà và rất tốn kém, bởi nhà này làm đám cưới to mà nhà kia tiết kiệm úi xùi là không được. Một cậu em họ xa mới cưới vợ cho biết, chưa tính đến các khoản tiền mua sắm đồ dạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, mà chỉ ở nhà trai thôi cũng phải có khoảng 50-70 triệu đồng mới cưới nổi vợ. Cỗ nấu lấy chỉ chừng 200-300.000 đồng/ mâm nhưng cũng mất đứt mấy chục triệu đồng. Những nhà làm cỗ to với nhiều món sang, lạ như kiểu ở nhà hàng thành phố thì hơn trăm triệu mới đủ. Nghe cậu em nói tôi hơi “giật mình”, bởi với số tiền lớn như vậy, trong khi tiền mừng cưới ở quê chỉ 50.000- 100.000 đồng, thì việc bị “lỗ” là khó tránh. Đối với các gia đình có điều kiện kinh tế còn đỡ, chứ đại đa số các gia đình thuần nông thì chỉ còn nước đi vay.

Chẳng phải riêng quê tôi, ở nhiều vùng quê khác, thậm chí cả các vùng miền núi giờ người ta cũng đua nhau tổ chức lễ cưới một cách quá rườm rà, tốn kém. Có vẻ như tục “trả nợ miệng” vẫn ăn sâu bám rễ vào nếp sống, nếp nghĩ của đại đa số người dân ở nông thôn. Quy ước cưới theo nếp sống mới đã được thực thi ở không ít nơi, nhưng do chính quyền nhiều địa phương còn nửa vời, và thậm chí nhiều cán bộ xã, huyện cũng phớt lờ nên dần bị lãng quên. Trong hoàn cảnh khó khăn chung như hiện nay, rất cần “phục dựng” lại quy ước ấy...