Áp dụng chế tài nghiêm khắc là rất cần thiết để cảnh tỉnh lái xe uống rượu

ANTĐ - Dư luận hiện rất quan tâm tới đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia về việc tịch thu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu cao. 

Về đề xuất này, luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhìn nhận:

Luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng VPLS Danh Chính

- Với thực trạng số vụ, số người chết vì tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông như hiện nay thì việc Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất áp dụng những chế tài nghiêm khắc nhằm tăng sức răn đe là cần thiết và phù hợp với ý nguyện của đại đa số người dân. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi. Vì thực tế ô tô, xe máy thường là tài sản có giá trị lớn, đặc biệt là đối với những người dân lao động nghèo nó còn là công cụ kiếm sống hàng ngày của cả gia đình họ. Nếu người chồng vì uống rượu mà bị tịch thu xe thì hạnh phúc gia đình, cuộc sống hàng ngày của họ chắc chắn bị ảnh hưởng. Thêm nữa, ô tô, xe máy, mặc dù đăng ký đứng tên một người, nhưng về pháp lý, thường sẽ là tài sản chung của cả vợ chồng, do đó việc tịch thu phần tài sản của người không có vi phạm gì là không phù hợp với quy định của luật pháp.

CSGT tăng cường kiểm tra người điều khiển phương tiện có dấu hiệu sử dụng bia, rượu

- Luật Xử lý vi phạm hành chính có đề cập đến việc tịch thu phương tiện của người vi phạm, song Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự giao thông đường bộ lại không đặt ra vấn đề này?

- Tịch thu phương tiện vi phạm là một chế tài đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và thường chỉ áp dụng đối với các vi phạm hành chính thuộc loại nghiêm trọng. Cũng chính vì thế mà Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã không đặt ra vấn đề tịch thu phương tiện của người vi phạm. Hiện tại, đây mới chỉ là đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia. Về nguyên tắc, nếu đề xuất trên được chấp thuận thì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải tiến hành thủ tục sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan theo đúng quy định. Bên cạnh đó, khi áp dụng chế tài tịch thu phương tiện cần thận trọng, xem xét đầy đủ các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu, lỗi của các đối tượng chứ không thể áp dụng một cách máy móc.

- Theo luật sư, để hạn chế tai nạn giao thông có nguyên nhân do sử dụng chất cồn, ngoài việc áp dụng chế tài nghiêm khắc thì cần phải coi trọng những vấn đề gì khác?

- Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, trong điều kiện đặc thù xã hội Việt Nam hiện nay thì việc đưa ra và áp dụng các chế tài nghiêm khắc là rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh các chế tài cần phải nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho tất cả mọi người.

Ông Nguyễn Hữu Ngát, tập thể Trần Hưng Đạo, Đồng Nhân, Hai Bà Trưng, Hà Nội:

Rất cần thiết để giảm thiểu tai nạn, hạn chế hậu quả

Thường xuyên cập nhật tin tức về các vụ TNGT, tôi nhận thấy một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn là do người lái xe sử dụng rượu, bia. Tôi rất thích thông điệp mới đây của cơ quan An toàn giao thông: “Đã uống rượu bia, không lái xe”. Nhưng, đây mới chỉ là thông điệp mang tính kêu gọi, vận động. Nó chưa đủ sức cảnh báo, răn đe hay phòng ngừa nguy cơ tai nạn do bia rượu gây ra. Mà để tạo được sức răn đe đó, không gì khác ngoài chế tài nghiêm khắc.

Phạt hành chính, tạm giữ hay tước giấy phép lái xe là những biện pháp đang được áp dụng, nhưng hình như vẫn chưa đủ sức răn đe. Vẫn có nhiều người điều khiển xe máy, ô tô sau khi uống bia rượu; và số vụ tai nạn do bia rượu vẫn gia tăng. Phải có chế tài mạnh hơn để ngăn chặn hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Anh Phạm Minh Quân (số nhà 17, ngách 39, ngõ 105 phố Vọng Hà, phường Chương Dương):

“Nâng mức xử phạt người say rượu lái xe là đúng”

Tôi ủng hộ về mặt chủ trương của việc tịch thu phương tiện giao thông khi người điều khiển trong trạng thái say rượu, bia. Hiện tượng người say nhưng vẫn cố tình lái xe tương đối phổ biến và đã gây ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc không chỉ cho bản thân họ mà ngay cả với những người tham gia giao thông khác. Phải phạt nặng mới ngăn chặn được hậu quả đau lòng. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn nếu rượu khiến người ta mất kiểm soát khi lái xe thì việc sử dụng các loại chất kích thích, hay các loại ma túy có được đưa vào chế tài để xử phạt người lái hay không. Vì xét ra nếu người lái xe sử dụng ma túy thì hậu quả cũng không khác gì rượu. Đây cũng là điểm cần làm rõ.

Mặt khác các nhà làm luật cũng cần cụ thể hóa từng tình huống vi phạm. Ví dụ: việc tịch thu xe (chính chủ) của người say là có thể làm được. Nhưng khi họ sử dụng xe đi mượn thì sao? Xe thuộc sở hữu của các cơ quan nhà nước, tập thể thì xử lý như thế nào? Chúng ta siết chặt việc xử phạt hoặc xử phạt nặng người say rượu lái xe là đúng. Nhưng thực tiễn và lý thuyết vẫn còn một khoảng cách khá xa. Tinh thần của đề xuất này là tốt, nhưng để thực hiện thì cần đi sâu nghiên cứu chi tiết sao cho sát thực tế.

Thiếu tá Nguyễn Đức Huấn - Đội phó đội CSGT số 4, Phòng CSGT CATP Hà Nội:

Chế tài mạnh cần đi cùng việc thực hiện nghiêm

Tịch thu phương tiện nếu vi phạm nồng độ cồn có thể xem là đề xuất chế tài mạnh nhất từ trước đến nay, trong công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Theo tôi, ở lĩnh vực này, cùng với công tác tuyên truyền, chế tài mạnh là điều cần thiết, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân.

Quy định về xử lý người điều khiển phương tiện (ô tô, xe máy) vi phạm nồng độ cồn của chúng ta hiện nay đã đủ mạnh chưa? Theo NĐ 171 năm 2013 của Chính phủ, nếu người điểu khiển phương tiện bị phát hiện có nồng độ cồn trong “khung” phạt, sẽ đều bị tạm giữ phương tiện. Mức xử lý hành chính tiếp theo sẽ căn cứ vào nồng độ cồn có trong hơi thở, hoặc máu của người điều khiển phương tiện, phạt từ 500.000 đồng đến tối đa 15 triệu đồng, tùy theo ô tô và xe máy, và bị tạm giữ giấy phép lái xe đến 2 tháng. Nếu gây tai nạn nghiêm trọng, sẽ bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn.

Chế tài như trên, có thể nói tương đối đủ sức răn đe. Theo tôi, điều quan trọng là chế tài mạnh rồi, cần phải có sự thực thi nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần sự ủng hộ, đồng thuận của đại đa số người dân. Nếu không, sẽ rất khó hiệu quả.

Anh Vũ Sỹ Đông, lái xe hãng taxi Hà Anh:

Cách thức tuyên truyền phải được tính toán kỹ

Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương tịch thu phương tiện nếu vi phạm nồng độ cồn. Hơn ai hết, hàng ngày, hàng giờ, chúng tôi mưu sinh bên vô lăng, nên nhận thức rõ sự nguy hiểm với chính bản thân mình cũng như với người khác, nếu một tích tắc sơ sẩy do buồn ngủ, chưa nói đến việc say bia, rượu.

Theo tôi, để giảm thiểu, hạn chế tai nạn giao thông, điều quan trọng không kém là cách thức làm sao để các quy định, chế tài “đến” được với người điều khiển phương tiện. Ví dụ đơn giản nhất là quy định về nồng độ cồn; tôi biết, có nhiều đồng nghiệp, bạn bè của tôi, do đặc thù công việc nên không có nhiều thời gian xem ti vi, đọc báo, chưa nói đến việc tiếp cận văn bản luật; nên thực sự không nắm được “ngưỡng” thế nào là an toàn và vi phạm nồng độ cồn. Mà đã không nắm được, vi phạm là điều khó tránh khỏi.