Vui Tết quá đà, nhiều người phải... vào bệnh viện

ANTĐ - Những ngày nghỉ Tết vừa qua, tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, lượng bệnh nhân cấp cứu gia tăng mạnh. Đáng chú ý, bên cạnh những trường hợp cấp cứu vì tai nạn giao thông hay ngộ độc thực phẩm, số ca chấn thương phải nhập viện do đánh nhau tăng mạnh…

Vui Tết quá đà, nhiều người phải... vào bệnh viện ảnh 1Tại Bệnh viện Việt Đức, số ca nhập viện vì tai nạn trong những ngày Tết vừa qua gia tăng

Có mặt tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Việt Đức cuối ngày 23-2 (mùng 5 Tết), lượng bệnh nhân vào cấp cứu không ngừng tăng lên. Trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, dù đã chuẩn bị lực lượng ứng trực hùng hậu (mỗi ngày có khoảng 220 nhân viên y tế ứng trực) nhưng do số ca vào cấp cứu quá đông nên bệnh viện luôn phải căng sức để cứu giữ tính mạng cho người bệnh. Thống kê từ Phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện cho biết, trong các ngày 30 và mùng 1, 2, 3, 4 Tết, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận cấp cứu cho gần 600 người bệnh.

Điều khiến các y bác sĩ hết sức đau lòng là số ca bị thương do đâm chém, đánh nhau nhau phải vào cấp cứu trong dịp Tết năm nay tăng mạnh. Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Hợi chia sẻ, mấy ngày Tết, ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện vì đánh nhau. Số bệnh nhân này đều là những thanh niên trẻ, đánh nhau khi có men rượu hoặc đôi khi chỉ vì sỹ diện, mâu thuẫn trong lúc vui chơi Tết. Điển hình như sáng 23-2, khoa tiếp nhận bệnh nhân Phạm Văn Đ., 23 tuổi (ở Lạng Giang, Bắc Giang) vào cấp cứu vì bị một người bạn thân dùng dao nhíp đâm do mâu thuẫn trong cuộc rượu. Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng rất nặng, ngay lập tức phải cho thở máy và chuyển vào khoa 1A. Một trường hợp thương tâm khác là Trần Công H. (ở Từ Liêm, Hà Nội), nhập viện ngày 22-2 (mùng 4 Tết) vì chấn thương nặng do đánh nhau khi xô xát với nhóm thanh niên khác chỉ vì tranh dành phòng hát karaoke…

Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, vẫn luôn điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân nội trú. Khoa Cấp cứu của bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 300-400 ca vào khám, với rất nhiều trường hợp nặng phải nhập viện, trong đó, cũng ghi nhận nhiều trường hợp vào cấp cứu vì đánh nhau. Tính từ ngày 16 đến 14h ngày 23-2, tại khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, có 12 trường hợp bệnh nhân tử vong, chủ yếu do tai biến, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, năm nay, khoa Cấp cứu đỡ áp lực hơn do hệ thống tái khám và khoa khám bệnh làm việc thông Tết. Tuy nhiên số ca nặng và tử vong trong thời gian này lại khá cao, lý do vì ngày Tết, người bệnh thường cố ở nhà, chỉ khi quá nặng mới chịu đi viện, có những bệnh nhân mãn tính bị tai biến khi đến viện đã xuất hiện dấu hiệu tê nửa người, thất ngôn…

Theo Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết vừa qua, các bệnh viện trên cả nước đã tiếp nhận khám, cấp cứu gần 200.000 người bệnh, trong đó có hơn 35.400 ca do tai nạn giao thông; 4.054 ca chấn thương sọ não; hơn 14.400 ca tai nạn sinh hoạt; 58 ca tai nạn pháo nổ; hơn 30 ca tai nạn do các chất nổ khác, 1.573 ca ngộ độc thức ăn. Đặc biệt, có 5.395 ca tai nạn đánh nhau, gia tăng mạnh so với dịp Tết Nguyên đán 2014, với 11 trường hợp tử vong. Chỉ tính riêng đêm Giao thừa và mùng 1 Tết, đã có hơn 800 ca chấn thương do đánh nhau phải nhập viện, 9 trường hợp tử vong. 

Không nên lạm dụng thuốc giải rượu

Nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng số ca tai nạn giao thông, bị thương do đánh nhau trong dịp Tết vừa qua là do lạm dụng rượu bia. Theo TS. Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, uống nhiều rượu bia sẽ khiến thần kinh bị kích thích, hưng phấn, khó làm chủ được suy nghĩ và hành động của mình. Nhiều việc khi bình thường có thể không dám làm nhưng khi có men rượu vào lại dám làm, gây ra hậu quả đáng tiếc. Cũng theo TS Nguyễn Minh Tuấn, người dân không nên lạm dụng các loại thuốc giải rượu bởi có thể sẽ gây ra những tác dụng phụ rất nguy hiểm. Hiện nay, ở nước ta, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào nói về hiệu quả của những loại thuốc giải rượu, đa số những loại thuốc giải rượu thực chất chỉ có tác dụng kháng cồn, giúp người uống rượu giảm nhức đầu ở một mức độ hạn chế.