Thông xe hầm vượt sông dài nhất Đông Nam Á

ANTĐ - Khoảng 14h ngày 20/11, buổi lễ thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến Đại lộ Đông Tây đã được tổ chức. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển gắn kết của kinh tế TP.HCM.

Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; ông Phan Văn Khải - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM… và nhiều lãnh đạo cấp cao của nhà nước.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Để có kinh phí thực hiện dự án trong điều kiện khó khăn về tài chính, Chính phủ Nhật Bản đã đã đồng ý ký kết 5 hiệp định cho vay vốn với chính phủ Việt Nam.

Dự án Đại lộ Đông Tây với tổng vốn đầu tư ban đầu gần 9.864 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), số còn lại 3.470 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.  

Cắt băng khánh thành hầm Thủ Thiêm
Cắt băng khánh thành hầm Thủ Thiêm

Tổng vốn đầu tư thực hiện công trình tăng lên đến 16.000 tỷ đồng, tương đương 762 triệu USD”.

Đại lộ Đông Tây được khởi công xây dựng vào ngày 31/1/2005, sau gần 8 năm chuẩn bị và giải phóng mặt bằng.

Vị trí tuyến dự án đi qua địa bàn quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Trong đó, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn là hạng mục quan trọng nhất của dự án.

Khu vực lắp đặt bốn đốt hầm Thủ Thiêm đã phải nạo vét 450.000m3 bùn dưới đáy sông Sài Gòn đạt độ sâu âm 12- 13m.

Để dìm hầm đúng vị trí dưới đáy sông, nhà thầu áp dụng định luật Archimedes bằng cách bơm nước vào hầm để đưa hầm đang nổi trên sông từ từ hạ xuống đáy sông và sử dụng hệ thống GPS (định vị toàn cầu) để xác định chính xác vị trí lắp đặt đốt hầm.

Từ tháng 3/2010 đến tháng 6/2010, bốn đốt hầm dìm đã lần lượt được lai dắt từ bể đúc ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vượt đường sông về đến khu vực Thủ Thiêm trên quãng đường dài 22km, lắp đặt nối kết thành công an toàn tuyệt đối với hầm dẫn phía Thủ Thiêm, Q.2.

Công việc này đòi hỏi hơn 700 kỹ sư và công nhân ở 16 đơn vị, cơ quan ráo riết chuẩn bị cho công tác lai dắt và lắp đặt hầm Thủ Thiêm dưới đáy sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, tháng 5/2010, đơn vị tư vấn giám sát (Oriental Consultants) của công trình hầm dìm Thủ Thiêm phát hiện hàng loạt các vết thấm, ẩm nước ở đốt hầm số 1 và số 2. Ngay sau đó, thêm 109 vị trí ở đốt hầm số 3 cũng tiếp tục bị phát hiện bị thấm, ẩm nước và rò rỉ.

Tiếp nhận thông tin này, Ban quản lý dự án khẳng định mọi vết thấm, ấm nước đều nằm trong giới hạn cho phép và tiếp tục theo dõi, giám sát. 

Hầm Thủ Thiêm đã chính thức thông xe
Hầm Thủ Thiêm đã chính thức thông xe

Đến ngày 4/8/2010 mẻ bê tông đầu tiên thi công đốt hợp long được đổ thành công nối kết đốt hầm số 4 với hầm dẫn phía Khánh Hội quận 1 và mẻ bể tông cuối cùng của đốt hợp long đã được thực hiện vào ngày 4/9/2010.

Trải qua nhiều lần khắc phục các sự cố, sáng ngày 21/10/2010 đã chính thức hợp long hầm Thủ Thiêm.

Trước đó, từ đầu năm 2010, Trung tâm Quản lý vận hành đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn đã gửi một số kỹ sư sang Nhật Bản tập huấn. Một số khác cũng được tập huấn thông qua việc theo dõi công tác vận hành hầm đường bộ Hải Vân nhằm học hỏi, rút kinh nghiệm chuẩn bị cho việc vận hành hầm vượt sông dài nhất Đông Nam Á ở Việt Nam.

Khoảng 15h ngày 20/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các lãnh đạo cao cấp đã chính thức cắt băng khánh thành lễ thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến đại lộ Đông Tây.

Ngay sau nghi thức này, các đoàn xe thuộc khối cơ quan nhà nước đã lưu thông qua hầm Thủ Thiêm một lượt từ hướng quận 2 sang quận 1.

Theo dự kiến, đến khoảng 17h30 chiều cùng ngày, một đoàn gồm 2.500 người dân quận 2 sẽ bắt đầu đi bộ chào mừng sự kiện thông xe hầm vượt sông dài nhất Đông Nam Á này.