Thông tư về bảo dưỡng xe định kỳ: Ban hành cho vui hay để hành người sử dụng?

ANTĐ - Mặc dù xe cơ giới đường bộ đã phải chịu đăng kiểm về an toàn kỹ thuật cũng như môi trường theo định kỳ nhưng mới đây, Bộ GTVT tiếp tục ban hành  Thông tư 53 quy định về bảo dưỡng xe định kỳ.  Tuy vậy, nhiều người cho rằng, thông tư này ban hành chỉ để cho… vui vì thiếu thực tế.

Thông tư về bảo dưỡng xe định kỳ: Ban hành cho vui hay để hành người sử dụng? ảnh 1Quy định về bảo dưỡng ô tô chỉ mang tính tham khảo?

Ngoài đăng kiểm phải bảo dưỡng?

Thông tư 53 quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 1-12 tới đây. Theo quy định tại Thông tư này, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bắt buộc phải bảo dưỡng xe sau một thời gian chạy nhất định. 

Các xe cơ giới xuất xưởng sau khi bảo dưỡng định kỳ, phải có biên bản giao xe, trong đó ghi rõ thời hạn và các điều kiện bảo hành chất lượng sau dịch vụ; thời hạn bảo hành không được ít hơn 2 tháng hoặc 1.500km xe chạy tùy theo điều kiện nào đến trước, tính từ thời điểm giao xe xuất xưởng. Đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe có trách nhiệm kiểm tra, bảo dưỡng xe thường xuyên trước và sau mỗi chuyến đi hoặc sau mỗi ngày hoạt động để nắm chắc tình trạng kỹ thuật của xe cơ giới; đồng thời, theo dõi, chấp hành việc bảo dưỡng phương tiện theo chu kỳ bảo dưỡng...

Thông tư tưởng chừng để đảm bảo an toàn kỹ thuật xe ô tô khi lưu thông nhưng lại vô tình gây thêm sự rắc rối, phiền hà cho người sử dụng. Đại diện một doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội bày tỏ, đối với các doanh nghiệp cũng như ô tô cá nhân, người sử dụng đều tuân theo quy định bảo dưỡng định kỳ của nhà sản xuất. Đặc biệt, với ô tô cá nhân, việc tuân thủ bảo dưỡng định kỳ rất nghiêm ngặt. “Có nhất thiết phải ban hành một thông tư quy định về bảo dưỡng xe ô tô hay không và cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm giám sát? Trong khi đó, chủ xe, doanh nghiệp phải là người thi hành, như vậy, vô tình đã đẩy phần khó về phía người sử dụng”, đại diện đơn vị vận tải cho hay. 

Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng như người sở hữu ô tô cho rằng, Thông tư 53 chẳng khác nào một loại “giấy phép con”, hành người sử dụng và không mang tính thực tiễn. Vì, khi một phương tiện chạy trên đường đã có Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được các Trung tâm đăng kiểm cấp và phương tiện cũng đã phải “khám” định kỳ. 

Thông tư chỉ mang tính khuyến khích!

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, nếu chấp hành đúng Thông tư 53, để vận hành một chiếc ô tô chạy trên đường, lái xe phải có đủ hơn chục loại giấy tờ như đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy đăng kiểm, tem sử dụng đường bộ, biển hiệu tuyến cố định, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, đăng ký chất lượng vận tải, thông báo niêm yết giá cước… “Với ngần ấy loại giấy tờ thì chiếc xe ô tô chẳng khác nào một tấm biển quảng cáo, chưa kể còn các loại khẩu hiệu, đường dây nóng… phải dán trên xe theo quy định,” ông Bùi Danh Liên nêu quan điểm.

Đáng nói, mặc dù Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12 tới đây nhưng lại không có điều khoản cũng như chế tài xử lý vi phạm. Phải chăng thông tư ra đời chỉ để cho vui? Ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ- Bộ GTVT phân trần, ý định ban đầu khi xây dựng thông tư cũng quy định điều kiện thi hành như đưa vào sổ bảo hành làm cơ sở để đăng kiểm nhưng nhiều ý kiến phản đối, cho rằng thêm thủ tục hành chính. Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định việc duy trì an toàn kỹ thuật của phương tiện giữa 2 kỳ đăng kiểm là do chủ phương tiện tự quyết định. Vì vậy, Thông tư 53 không đưa ra các chế tài để phạt. “Thông tư 53 chỉ có tính chất khuyến khích các chủ phương tiện cũng như doanh nghiệp quan tâm đến việc bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ phương tiện. Đặc biệt, các phương tiện không còn hồ sơ, giấy tờ hướng dẫn quy trình bảo dưỡng xe thì có thể căn cứ vào Thông tư 53 này,” ông Trần Quang Hà cho biết.

 Một thông tư ban hành chỉ mang tính chất khuyến khích đối với một số lượng nhỏ các phương tiện đã mất hồ sơ, giấy tờ vô hình trung đã khiến các doanh nghiệp cũng như người sở hữu phương tiện lo lắng về một loại thủ tục. Trong khi đó, ngay cả những thành phố hiện đại, tiên tiến nhất trên thế giới cũng không có quy định… thiếu tính khả thi như vậy.