Thiếu vốn xử lý cầu yếu, “điểm đen” giao thông

ANTĐ - Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, hiện trên hệ thống giao thông đường bộ vẫn còn tồn tại hàng trăm “điểm đen” và cầu yếu tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, cần hàng nghìn tỷ đồng để  cải tạo, nâng cấp.

Sự xuống cấp của các công trình giao thông ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội

Cần 5.000 tỷ đồng 

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, số lượng cầu yếu trên quốc lộ hiện rất lớn. Trong 148 cầu yếu đã và đang được đầu tư cũng mới chỉ có 50% số cầu được khánh thành đưa vào sử dụng còn lại gần 50% đang triển khai và đang gặp khó khăn do đình hoãn tiến độ, chưa bố trí được vốn đối ứng. Ngoài ra, hiện trên quốc lộ có tới 111 cầu thuộc diện rất yếu cần thay thế ngay bằng vốn xây dựng cơ bản, 307 cầu cần sửa chữa nâng cấp bằng vốn sửa chữa đường bộ, 64 điểm đen TNGT và 251 vị trí tiềm ẩn mất ATGT cần xử lý. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhận định, đây là những cầu có khả năng chịu tải thấp hơn so với đường, khổ cầu nhỏ hơn khổ đường, cầu xây dựng đã lâu đã đến giai đoạn phải sửa chữa lớn, cầu hư hỏng nặng về kết cấu công trình có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, hiện chỉ đáp ứng 50% nhu cầu thực tế, nên cũng chỉ bố trí được ở mức tối thiểu cho những hạng mục đe doạ trực tiếp đến an toàn khai thác công trình.

Để thay thế, cải tạo cầu yếu và điểm đen trên hệ thống quốc lộ theo tính toán của Tổng cục Đường bộ cần khoảng 5.000 tỷ đồng, chưa bố trí, xác định được nguồn vốn. Trong khi lưu lượng xe trên các tuyến đường bộ có xu hướng gia tăng rất mạnh, đặc biệt tình trạng xe chở quá tải diễn ra rất nghiêm trọng và chưa kiểm soát được. Có 45 cầu cần được sửa chữa ngay trong giai đoạn 2012 - 2015, 262 cầu cần sửa chữa lớn giai đoạn 2015 - 2020. Đối với 64 điểm đen TNGT, để cải tạo dự kiến cần 210 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, với số cầu yếu cần đầu tư vốn xây dựng cơ bản để làm mới thay thế, nhiều năm nay Bộ GTVT đề xuất với đối tác Nhật Bản sử dụng vốn JICA để đầu tư, song hiện chưa có nhiều triển vọng. Đề xuất Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng của vốn trái phiếu Chính phủ hoặc ứng trước kế hoạch năm 2013 để đầu tư xây mới thay thế cầu yếu, được nhận định là cũng không khả thi trong điều kiện hiện nay.

Không để cầu sập 

Sự cố đối với cầu đang khai thác là đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả để lại thường lớn, bởi vậy, ông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, phải đưa ra được giải pháp, không được để cầu sập trong bất cứ trường hợp nào. Đối với các dự án cầu yếu đã có vốn đang được triển khai cần đẩy nhanh tiến độ, quản lý chặt chất lượng dự án, còn với 111 cầu yếu cần làm mới thay thế hiện chưa bố trí được nguồn vốn, cần rà soát kỹ để phân loại, lựa chọn ra những cầu cực kỳ yếu cần đầu tư ngay và những cầu yếu có thể đầu tư ở những năm tiếp theo, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, tìm mọi nguồn vốn có thể. Xử lý trước để đảm bảo ATGT những hạng mục, những công trình có thể bố trí ít vốn đầu tư. 

Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, sẽ tập trung hoàn thiện sớm Thông tư về xử lý điểm đen, rà soát lại các vị trí TNGT, các biển báo hiệu đường bộ. Lắp các dải phân cách giữa tại các đoạn đường để hạn chế tối đa TNGT do phương tiện đâm đối đầu, xây dựng thêm các gờ giảm tốc, để hạn chế phương tiện chở quá khổ quá tải, bố trí trực gác phân luồng phương tiện tại các vị trí xung yếu. Bên cạnh đó, cần phân định rõ trách nhiệm của Bộ GTVT và trách nhiệm từng địa phương trên các tuyến cầu, đường bộ, thông báo với địa phương để có giải pháp, tăng trách nhiệm…

 Xử lý nghiêm xe chở quá tải trọng

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường xử lý đối với các xe ô tô chở quá tải tham gia giao thông trên đường bộ. 

Bộ này cho biết, thời gian gần đây, tình trạng xe ô tô chở hàng vượt quá tải trọng cho phép của phương tiện, của cầu, đường đang có chiều hướng gia tăng. Đây chính là những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ATGT, làm gia tăng TNGT và là nguyên nhân trực tiếp gây hư hỏng công trình giao thông đường bộ. Một số vụ TNGT do xe quá tải làm sập gẫy cầu yếu, lật đổ khi đi trên những đoạn đường cong, đèo dốc gây ùn tắc giao thông đã xảy ra.

Nhằm kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả hành vi vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô chở quá tải trọng cho phép của phương tiện, của cầu, đường tham gia giao thông trên địa bàn của địa phương. Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp hoạt động sản xuất hàng hóa không xếp hàng hóa vượt quá tải trọng của xe.