Thi công các công trình đường sắt đô thị: Không an toàn, không cấp phép

ANTĐ - Nguyên vật liệu không đảm bảo phải loại ra khỏi công trường, nhà thầu thi công không được sử dụng lao động thời vụ… Đó là yêu cầu của các ngành chức năng thành phố về đảm bảo an toàn tại 2 tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông. 

Thi công các công trình đường sắt đô thị: Không an toàn, không cấp phép ảnh 1Nhiều vụ tai nạn xảy ra khiến người dân lo sợ mỗi khi đi qua công trường đường sắt

Bắt buộc phải có người cảnh giới

Tại buổi làm việc giữa liên ngành Sở GTVT - Công an - Sở LĐ-TB&XH với các đơn vị thi công dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông, nhiều ý kiến vẫn lo ngại về công tác đảm bảo an toàn thi công trên hai công trường này.

Đại diện Vụ ATGT, Bộ GTVT cho biết, kể từ khi liên tiếp xảy ra sự cố trên công trường 2 tuyến đường sắt đô thị, đặc biệt là dự án Cát Linh - Hà Đông gây chết người, người dân đi lại trên trục đường Nguyễn Trãi rất lo sợ. Nhiều người đã tìm đường khác để di chuyển từ Hà Đông vào khu vực trung tâm. Đại diện Vụ ATGT kiến nghị, các ngành chức năng cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra đột xuất trên công trường, nếu phát hiện thiếu sót, không đảm bảo, cần tạm đình chỉ thi công. Những hạng mục thi công mới cần cấp giấy phép, nếu kiểm tra phát hiện chưa đầy đủ, chưa an toàn thì kiên quyết không cấp phép.

Ông Lê Văn Dương, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, sau hàng loạt sự cố, Ban QLDA đã yêu cầu Tổng thầu EPC, Tư vấn giám sát và đơn vị thi công phải gia cố lại toàn bộ các nhà  ga, lắp rào bảo vệ bằng lưới thép B40. Bên cạnh đó, cần cẩu tại công trường chỉ được hoạt động vào ban đêm, bắt buộc phải có người cảnh giới. “Ban QLDA Đường sắt đã phân công cán bộ, nhân viên trực ở tất cả các hạng mục thi công trên toàn tuyến”, ông Lê Văn Dương cho hay. 

Còn tại dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, ông Lê Huy Hoàng, Phó Giám đốc Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, sau 2 vụ tai nạn vừa qua, dự án đang bị dừng để rà soát. Hiện nhà thầu Posco đã huy động thêm một cẩu để cẩu móc cọc cừ thép thay vì sử dụng một cẩu như trước.

Cũng tại cuộc họp, đại diện nhà thầu Posco kiến nghị, liên ngành nên cấm phương tiện đi lại trên toàn bộ tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy để phục vụ thi công. Thay vào đó, sẽ làm đường tạm theo hướng Mai Dịch - Trần Đăng Ninh - Nguyễn Khánh Toàn để phương tiện ra Cầu Giấy và ngược lại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc cấm toàn bộ tuyến đường này là không thể vì đây là tuyến đường hướng  tâm, mật độ phương tiện tham gia giao thông rất lớn. 

An toàn đặt lên hàng đầu

Ông Lê Huy Hoàng cho biết, sau khi kiểm tra hơn 2.000 thanh cừ bằng thép phục vụ cho công trường thi công nhà ga, Ban QLDA Đường sắt đô thị đã quyết định loại bỏ hơn 200 thanh có dấu hiệu xuống cấp, nguy hiểm.

Nhìn nhận công tác quản lý và kinh nghiệm làm đường sắt trên cao còn non kém, ông Nguyễn Xuân Tân cho rằng, sẽ khó tránh những bất cập xảy ra trong quá trình thi công kéo dài với khối lượng công việc lớn. Song, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu. Đối với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, lãnh đạo Sở GTVT đề nghị, chủ đầu tư cần chấn chỉnh lại tư vấn giám sát và nhà thầu.

“Tư vấn giám sát phải thường xuyên có mặt ở hiện trường, có thể tạm dừng thi công nếu thấy không đảm bảo hoặc không cho sử dụng nguyên vật liệu, xe cẩu vào công trường nếu thấy không đáp ứng yêu cầu”, ông Nguyễn Xuân Tân nói. Đặc biệt, các nhà thầu phụ thi công không được phép sử dụng lao động thời vụ trên công trường. Tất cả lao động từ kỹ sư đến giám sát công trường phải được tập huấn kỹ thuật, an toàn lao động đúng quy định.