Lộn xộn do quản lý kém

ANTĐ - Tình trạng dễ dãi trong cấp phép, không bám sát  nhu cầu đi lại thực tế của người dân khiến vận tải hành khách tuyến cố định rơi vào lộn xộn.  Hiện tượng tranh giành khách, cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí còn xuất hiện một số đối tượng lưu manh đe dọa, “bảo kê” đã diễn ra không chỉ trên tuyến quốc lộ 5.

Cán bộ Sở GTVT cũng bị đe dọa

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết, hiện tuyến vận tải khách cố định Hà Nội - Hải Phòng có 16 doanh nghiệp (DN) tham gia với tổng số 225 xe, chạy 16 tuyến từ Hải Phòng về Hà Nội. Trong đó, Hải Phòng có 10 đơn vị/191 xe, Hà Nội có 6 đơn vị/34 xe. Tần suất hoạt động khá dày, 375 chuyến xe/ngày đêm, khoảng cách tối thiểu là 10 phút/chuyến. Do các DN đã chuyển đổi sang loại phương tiện từ 45-47 chỗ ngồi nên hệ số ghế trên các chuyến xe chỉ đạt trung bình 42%.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, tần suất hoạt động 375 chuyến xe/ngày đêm chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng là quá đông, gấp đôi tần suất hoạt động của một tuyến xe buýt nội thành Hà Nội. 

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hải Phòng, từ năm 2011 đến nay, Sở này và Sở GTVT Hà Nội đã không chấp thuận thêm bất kỳ DN nào vào khai thác tuyến Hà Nội - Hải Phòng, cũng như rà soát, cắt nốt 19 chuyến xe/ngày đêm.

Ngoài ra, từ năm 2013 đến nay, Sở GTVT Hải Phòng và Sở GTVT Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 16 DN vận tải khách, tước phù hiệu, cảnh cáo 126 phương tiện. Song cũng bởi việc tần suất hoạt động quá dày, lượng xe quá đông trong khi lượng khách ít đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, “bảo kê” và thậm chí là đe dọa, hành hung lái xe, nhân viên Sở GTVT, nhân viên bến xe trên tuyến này.

Ông Nguyễn Đức Thọ thông tin, một số DN vận tải trên địa bàn TP Hải Phòng cho biết, lái xe, phụ xe đã bị nhắn tin đe dọa với nội dung yêu cầu xe chạy chậm để xe nhà xe khác chạy trước. Thực tế, một số lái xe đã bị đánh gây thương tích. “Việc hành hung không xảy ra trực tiếp trên tuyến QL5 mà thường là trên đường lái xe, phụ xe đi về nhà”, ông Nguyễn Đức Thọ cho hay.

Còn theo Thượng tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng CSHS, Công an TP Hải Phòng, cán bộ của Sở GTVT Hải Phòng đã 5 lần bị đe dọa. “Chúng tôi đã vào cuộc, điều tra gần 2 tuần nay. Thông tin sơ bộ cho thấy, việc tranh giành khách trên đường 5 chỉ nằm ở một số ít nhà xe. Chúng tôi đã xác định được và sẽ có phương án xử lý trong thời gian tới”, Thượng tá Lê Hồng Thắng thông tin. 

Không thể ỷ lại

Theo Thượng tá Lê Hồng Thắng, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN vận tải đã diễn ra trên nhiều tuyến quốc lộ. Tại TP Hải Phòng, tình hình ở QL10 còn phức tạp hơn QL5. “Hành khách bị bắt ép vào mua đồ, nếu không mua sẽ bị hành hung, chửi bới. Các nhà xe thì đánh, chém nhau gây thương tích… Chúng tôi phải lập hai chuyên án, bắt và khởi tố một số đối tượng thì tình hình mới yên”, Trưởng phòng CSHS CATP Hải Phòng cho biết.

Đại tá Lưu Thanh Hiệp, Phó trưởng Phòng 9, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, tình trạng “bảo kê”, tranh giành khách không lành mạnh giữa các nhà xe đã và đang xảy ra trên nhiều tuyến quốc lộ của cả nước. “Cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN vận tải trên QL5 đã diễn ra nhiều năm nay.

Năm 2013, Cục CSHS và Cục CSGT đã vào cuộc, thành lập các Tổ chuyên ngành, phối hợp với lực lượng công an địa phương tuần tra, kiểm soát, xử lý nên tình hình đã được kiểm soát. Tuy vậy, do quản lý nhà nước về ATGT còn lỏng lẻo, trong khi lực lượng chuyên ngành không thể trải khắp tuyến nên tình trạng “bảo kê” có dấu hiệu “nóng” trở lại”, Đại tá Lưu Thanh Hiệp cho biết. 

Lộn xộn do quản lý kém ảnh 1

Vận tải khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng từ lâu đã phức tạp (Ảnh minh họa)

                                                                                                                  

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, một nguyên nhân nữa khiến tình trạng hoạt động vận tải khách trên tuyến QL5 phức tạp là do sự phối hợp giữa các Sở GTVT địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng còn thiếu chặt chẽ. “Sự vào cuộc của Sở GTVT Hải Dương và Hưng Yên còn hạn chế. Các Sở GTVT địa phương trên tuyến QL5 phải đồng loạt vào cuộc, xử lý kiên quyết, không e ngại bị đe dọa hay trả thù. Vai trò chính vẫn là quản lý Nhà nước về vận tải, không thể ỷ lại mãi vào lực lượng Công an”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận, do tần suất hoạt động vận tải tuyến QL5 quá lớn trong khi quản lý Nhà nước chưa tốt mới dẫn đến hiện tượng “bảo kê”, cạnh tranh không lành mạnh. Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu, trong tháng 5, Sở GTVT Hải Phòng và Hà Nội phải thanh tra toàn diện một số DN vận tải tuyến Hà Nội - Hải Phòng đã nằm trong “danh sách đen” do lực lượng Công an ghi nhận. Nếu phát hiện vi phạm thì tước Giấy phép kinh doanh ngay. Thậm chí, có thể chuyển sang xử lý hình sự để lập lại trật tự, giải quyết dứt điểm tình trạng “bảo kê”, cạnh tranh thiếu lành mạnh trên tuyến QL5.

Công an Hà Nội mạnh tay với "cò mồi" xe khách
Tại cuộc họp, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, từ năm 2012 CATP Hà Nội đã thành lập Tổ công tác 142 để tập trung đấu tranh phòng chống tội phạm trên các tuyến xe khách, bến xe và trên xe buýt. Tổ công tác 142 luôn có mặt tại các bến xe khách liên tỉnh mới mục tiêu quét sạch “cò mồi”. Từ đầu năm 2015 đến nay Tổ công tác 142 CATP Hà Nội đã xử lý 104 vụ việc, 443 đối tượng "cò mồi".

“Qua những vụ việc như vậy lại tính răn đe cao, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại các bến xe. Ngoài ra, CATP Hà Nội còn phối hợp với bến xe, ký cam kết với các doanh nghiệp vận tải không sử dụng “cò mồi” để lôi kéo khách”, Đại tá Đào Thanh Hải cho hay. Theo đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, "cò mồi" chèo kéo hành khách tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội đã giảm rõ rệt.

Bên cạnh việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại các bến xe khách, riêng trên tuyến Quốc lộ 5  đoạn qua Hà Nội, CATP đã phối hợp với bến xe, Sở GTVT đảm bảo trật tự, tập trung tuần tra kiểm soát, mật phục để xử lý các đối tượng "cò mồi" cạnh tranh không lành mạnh.