Duy trì Tháng An toàn giao thông: Cần mạnh tay đầu tư

ANTĐ - Tháng An toàn giao thông (ATGT) trọng tâm là xử phạt người tham gia giao thông sử dụng rượu bia. Hàng nghìn trường hợp đã được thổi máy đo nồng độ cồn, tuy nhiên, điều mà nhiều người băn khoăn, làm thế nào để duy trì được kết quả này lâu dài.

Nên duy trì xử phạt uống rượu bia tham gia giao thông


Tháng ATGT tai nạn vẫn gia tăng

Ngay sau đợt triển khai, các lực lượng chức năng, trọng tâm là CSGT và Thanh tra GTVT đã đồng loạt thực hiện trên khắp các tuyến đường, trong đó, xử phạt mạnh nhằm vào các đối tượng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Để giúp đỡ lực lượng CSGT các tỉnh, thành, Cục CSGT đường bộ, đường sắt đã tăng cường 83 cán bộ chiến sỹ, 17 xe ô tô, 9 máy đo tốc độ ghi hình, 14 máy đo nồng độ cồn, 5 camera, 4 máy ảnh, 26 bộ đàm và vũ khí, công cụ hỗ trợ cho 8 địa phương trên tuyến Quốc lộ 1A.

Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, từ đầu tháng tới nay, lực lượng CSGT đã xử phạt hàng nghìn trường hợp, thậm chí, lực lượng CSGT còn “cắm chốt” gần các quán nhậu đông đúc, trung bình trong 1 giờ đồng hồ xử phạt 16 trường hợp vi phạm. Hay như thống kê của Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho thấy, trong ngày 13-9, lực lượng CSGT đã kiểm tra xử lý hơn 7.500 trường hợp vi phạm, phạt hơn 2 tỷ đồng, tạm giữ 28 xe ô tô và hơn 1.100 mô tô. Trong đó, xử phạt về vi phạm nồng độ cồn, 8  tỉnh trên Quốc lộ 1A đã phạt 9 trường hợp vi phạm.

Cũng số liệu của Cục CSGT đường bộ, đường sắt cho thấy, tuần đầu tiên của Tháng ATGT 2011, cả nước xảy ra 236 vụ tai nạn trên đường bộ, làm chết 216 người, bị thương 178 người; 12 vụ tai nạn trên tuyến đường sắt, làm chết 6 người, bị thương 7 người. Như vậy, bình quân, mỗi ngày xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, làm chết 32 người. So với con số bình quân 29 vụ, 25 người chết mỗi ngày của nửa cuối tháng 8, số vụ tai nạn trong Tháng ATGT đã tăng đáng kể. Trong ngày 13-9, cả nước xảy ra 37 vụ TNGT đường bộ, làm chết 23 người, bị thương 34 người. Nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù cả nước đang thực hiện Tháng ATGT, song, tỷ lệ số người vi phạm giao thông và số vụ TNGT lại có chiều hướng tăng.

Trong tuần, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý trên 88.200 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ (trong đó có trên 11.200 trường hợp không đội mũ bảo hiểm); tạm giữ 156 xe ô tô, 10.777 xe mô tô.


Cần được duy trì thường xuyên

Đánh giá về chủ đề Tháng ATGT năm nay, ông Khuất Việt Hùng - Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, trường ĐH GTVT Hà Nội cho rằng, “việc lấy một hành vi cụ thể làm chủ đề xuyên suốt cho Tháng ATGT là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, việc làm này có thể duy trì được bao lâu để tạo hiệu ứng xã hội”, ông Hùng nói. Nếu chỉ ráo riết ra quân xử phạt, siết chặt trong 1 tháng ATGT thì hiệu quả không cao, dư âm chỉ trong chốc lát rồi lại như cũ.

Ông Hùng phân tích, uống rượu bia rồi tham gia giao thông, không những gây nguy hiểm cho tính mạng bản thân mà còn liên lụy tới nhiều người khác, gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế. “Ngành chức năng đã chọn được cách tiếp cận hợp lý, nhưng điều quan trọng, phải đi vào chiều sâu của vấn đề. Tức, sau đó phải có đánh giá cụ thể, 1 tháng ra quân, TNGT đã giảm thế nào, kết quả mang lại đối với kinh tế ra sao. Đồng thời, làm gì duy trì hoạt động này sau 1 tháng ra quân”, ông Hùng đặt vấn đề.

Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, bằng sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ tưởng chừng như không thể, nay đã hình thành được cho người dân thói quen này. Và, không uống rượu bia khi tham gia giao thông, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần phải có sự quyết liệt và đồng bộ như vậy. Tuy nhiên, cần phải mạnh tay đầu tư, trong đó, trọng tâm cho lực lượng CSGT.