Giấy phép lái xe giả:

Đường tắt đến tai nạn giao thông

ANTĐ - Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đã bị CSGT phát hiện sử dụng giấy phép lái xe giả. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp này đều là thanh thiếu niên.

Đường tắt đến tai nạn giao thông ảnh 1Hàng loạt giấy phép lái xe giả, đăng ký giả bị CSGT phát hiện, thu giữ

Kiểm tra ra... đồ giả

Giữa tháng 10, tổ công tác Đội CSGT số 1 trong quá trình làm nhiệm vụ phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy BKS: 29L1-5822 vi phạm Luật Giao thông đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra. Lái xe vi phạm được làm rõ là Đỗ Đức Tiến ở thôn Tiền, Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội. Quá trình kiểm tra xử lý, CSGT đã tạm giữ giấy phép lái xe của người vi phạm theo đúng quy định. Tại Đội CSGT số 1, sau khi hoàn tất hồ sơ để ra quyết định xử phạt, Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, cán bộ xử lý của đơn vị phát hiện giấy phép lái xe của Tiến có dấu hiệu làm giả. Nghi vấn này được khẳng định sau khi có kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự CATP. Đỗ Đức Tiến tường trình không đi thi mà mua lại bằng của một thanh niên với giá gần 1 triệu đồng. 

Trước đó, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện trường hợp Phí Đình Tuyến ở xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đầu năm 2014, khi đi đăng ký thi giấy phép lái xe, Tuyến được một thanh niên tiếp cận, mời dùng dịch vụ “không phải thi mà vẫn có bằng lái”. Thống nhất giá cả, chỉ nửa tháng sau khi đưa tiền, Tuyến được người này trao cho bằng lái xe giả. Trong gần một năm, Tuyến sử dụng giấy phép lái xe giả này để điều khiển phương tiện và đã bị Đội CSGT số 1 phát hiện khi vi phạm Luật Giao thông tại đường Tràng Thi, Hoàn Kiếm.

Cùng với bằng lái giả, cuối tháng 10 vừa qua, nhiều trường hợp người dân khi đến làm thủ tục sang tên, đổi chủ phương tiện đã bị Đội CSGT-TT PƯN CAQ Bắc Từ Liêm phát hiện sử dụng… đăng ký giả. Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, Trung tá Đỗ Đức Khang - Đội trưởng Đội CSGT-TT PƯN CAQ Bắc Từ Liêm cho hay, trường hợp gần đây nhất là chị Chu Lan Phương, đến làm thủ tục cấp lại biển số xe do bị mất. Khi tiếp nhận hồ sơ, CBCS của đơn vị xác định đăng ký của chiếc xe trên là giả, đã tiến hành đối chiếu dữ liệu tại Phòng CSGT đường bộ-đường sắt. Kết quả, đăng ký chiếc xe trên là của một xe mô tô khác. Quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, nhiều trường hợp khác cũng bị phát hiện sử dụng giấy phép lái xe, đăng ký giả; đặc biệt là phương tiện nằm trong diện xe tang vật, xe trộm cắp... Cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh sự vô tình hay cố ý sử dụng giấy tờ giả của những cá nhân liên quan.

Đường tắt đến tai nạn giao thông ảnh 2Đối với những trường hợp sử dụng bằng lái xe giả,  CSGT kiên quyết xử lý nghiêm

Nguy cơ tai nạn

Trung tá Thiều Mạnh Ngọc - Đội trưởng Đội CSGT số 1 cho biết: Theo thống kê sơ bộ của đơn vị, tính từ tháng 10 đến nay, bộ phận xử lý của đơn vị đã kiểm tra, phát hiện hàng chục trường hợp người vi phạm sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đáng chú ý, hầu hết những trường hợp vi phạm trên đều nằm trong độ tuổi từ 20 đến 40. Không ít người trong số đó là thanh niên ở những vùng ngoại thành. “Nhiều trường hợp khai nhận tại cơ quan Công an họ không đi thi theo quy định mà “nhờ” cò mồi làm giấy phép lái xe giả”, chỉ huy Đội CSGT số 1 thông tin.

Làm nhiệm vụ ở mảng việc xử lý vi phạm hành chính, Thượng sỹ Hoàng Thị Ngọc Lan, Đội CSGT số 1 thống kê, tất cả những trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả, đăng ký giả đều vi phạm các lỗi rất nghiêm trọng. “Nhẹ” thì không đội mũ bảo hiểm; nặng là đi đường ngược chiều, đi vào đường cấm, phóng nhanh, lạng lách. Một số trường hợp trước khi bị CSGT phát hiện, xử lý đã từng va chạm, gây tai nạn ở nhiều mức độ khác nhau. “Điều này cũng dễ lý giải, bởi tất cả những trường hợp sử dụng bằng giả không qua bất cứ một trường lớp, khóa học nào về Luật Giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn. Việc gây tai nạn sẽ khó tránh khỏi, đồng thời là mối nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, CSGT cần phải đặc biệt chú ý, xử lý nghiêm đối với những đối tượng này”-Thượng tá Nguyễn Hữu Tâm - Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm đánh giá.

Đối với các hành vi sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, qua kiểm tra, cơ quan Công an đều lập biên bản xử lý vi phạm bổ sung, đồng thời ra quyết định xử phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng. Cùng với giấy phép lái xe mô tô, nhiều đối tượng điều khiển xe ba bánh tự chế cũng sử dụng giấp phép, đăng ký giả. “So với chi phí bỏ ra để chạy “cò” làm giấy phép lái xe giả, số tiền phạt trên là không nhỏ. Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất vẫn là thái độ coi thường pháp luật, Luật Giao thông của những đối tượng trên. Khoảng cách từ việc sử dụng giấy phép lái xe giả đến… tai nạn rất gần”, Thượng tá Nguyễn Hữu Tâm nhìn nhận và khẳng định, việc phát hiện giấy phép lái xe giả, đăng ký giả đối với lực lượng CSGT không hề khó khăn. Người dân trong độ tuổi được phép điều khiển phương tiện cần đến những trung tâm, trường đào tạo lái xe có uy tín để tham gia học, sát hạch, cấp bằng; không nên trao niềm tin vào những đối tượng “cò mồi”, bởi sẽ “tiền mất, họa mang”.