Đề xuất tịch thu xe của người điều khiển vi phạm nồng độ cồn: Có cơ sở pháp lý

ANTĐ - Xung quanh đề xuất tịch thu phương tiện (ô tô, xe máy) của  Ủy ban ATGT Quốc gia, không ít người cho rằng, thiếu cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, có đủ cơ sở để đề xuất kiến nghị này với Chính phủ.

Đề xuất tịch thu xe của người điều khiển vi phạm nồng độ cồn: Có cơ sở pháp lý  ảnh 1

- PV: Vì sao Ủy ban ATGT Quốc gia lại đề xuất Chính phủ áp dụng chế tài tịch thu phương tiện nếu người điều khiển có nồng độ cồn trong máu quá cao?

- Ông Khuất Việt Hùng: Ủy ban ATGT Quốc gia đã nghiên cứu kỹ chứ không phải tự nhiên đề xuất như vậy. Năm 2014 giảm chỉ còn 9.000 người thiệt mạng vì TNGT, nhưng dịp Tết Nguyên đán 2015, trong khi số vụ và số người bị thương giảm, số người tử vong vì TNGT lại tăng mạnh. Chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết, đã có 310 người thiệt mạng. Trong khi đó, vi phạm về nồng độ cồn được đánh giá là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Trong 60 ca cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức ngày mùng 4 Tết Nguyên đán 2015, có tới 40 ca liên quan đến sử dụng rượu, bia.

- Nhiều ý kiến cho rằng, xe máy, ô tô là tài sản thuộc sở hữu tập thể, cá nhân, Ủy ban ATGT Quốc gia có tính đến yếu tố này? 

- Chúng tôi khẳng định, trong quá trình xây dựng đề xuất, chúng tôi đã nghiên cứu cơ sở pháp lý. Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định về việc tịch thu phương tiện của những người vi phạm hành chính. Cụ thể, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách Nhà nước tang vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. 

Đề xuất tịch thu xe của người điều khiển vi phạm nồng độ cồn: Có cơ sở pháp lý  ảnh 2CSGT tăng cường kiểm tra người điều khiển phương tiện có dấu hiệu sử dụng rượu, bia
Ảnh minh họa

- Ai có thẩm quyền tịch thu phương tiện, thưa ông?

- Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định rõ cấp xã không được phạt tiền và tịch thu tang vật trị giá vượt quá 5 triệu đồng, cấp huyện không được phạt tiền và tịch thu tang vật trị giá vượt quá 50 triệu đồng. Riêng Chủ tịch UBND tỉnh được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không giới hạn về giá trị. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ hoặc Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt cũng có thẩm quyền này.

- Có ý kiến cho rằng mức phạt như vậy là quá nặng?

Với quy định xử phạt người lái xe có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu), theo công thức quy đổi của Bộ Y tế, một người trưởng thành tham gia giao thông chỉ cần uống 14,36 ml rượu trắng (39 độ) sẽ bị tịch thu phương tiện. Ngoài ra, chỉ cần uống trên 41,5 ml rượu vang 13,5 độ; uống 74,67 ml bia (tương ứng với ¼ chai bia 330ml) 7,5 độ cũng sẽ bị phạt theo đề xuất. Tuy nhiên, do đặc điểm sinh học của mỗi người khác nhau, thời gian chuyển hóa và phân giải trong cơ thể khác nhau nên vẫn có sai số nhất định.

- Tôi cũng đã nhận được một số phản ánh như vậy.  Tuy nhiên, ở Nhật Bản, nếu lái xe trong tình trạng máu có nồng độ cồn 80mg/100ml, người lái có thể bị phạt tù 5 năm và phạt tiền 8.800 USD. Người giao xe cho người lái xe vi phạm cũng bị phạt tương ứng. Người cung cấp rượu cũng bị xử phạt tù 3 năm và phạt 3.000 USD, người ngồi cạnh người lái xe vi phạm cũng có thể bị phạt tù đến 3 năm. 

Khi đưa ra một chế tài đủ mạnh thì hành vi vi phạm sẽ giảm đi, dần nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật. Chúng ta đưa ra chế tài có tính răn đe nhưng mục tiêu không phải để xử phạt công dân mà là biện pháp giáo dục, xây dựng văn hóa giao thông. 

- Trong trường hợp xe không chính chủ có tịch thu được không, thưa ông?

- Việc tịch thu xe được áp dụng trực tiếp đối với người điều khiển xe vi phạm. Còn việc mượn xe là giao dịch dân sự, cá nhân người mượn xe phải chịu trách nhiệm dân sự với người cho mượn xe (người sở hữu).

Ví dụ, một người mượn tài sản nhưng để xảy ra mất mát, hư hỏng thì việc thỏa thuận đền bù tài sản đó là giữa người mượn và người cho mượn. Với việc xe bị tịch thu cũng vậy, nếu xe bị tịch thu vì hành vi vi phạm của người mượn xe thì người đó phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ xe. Người sở hữu xe sẽ bảo vệ tài sản của mình bằng các thỏa thuận với người mượn xe chứ không phải giải quyết với người thuộc lực lượng chức năng tịch thu xe. 

Đại tá Đào Vịnh Thắng-Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội: Cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tất cả các mặt 

Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm nồng độ cồn, uống rượu, bia quá quy định khi điều khiển phương tiện đã dẫn tới những hậu quả vô cùng đau lòng. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Hiện chế tài xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Chúng tôi kiến nghị, đối với những vi phạm này phải xử lý thật nghiêm. 

Ví dụ, lái xe vi phạm lần 1 sẽ bị tước giấy phép lái xe 3 tháng. Vi phạm lần 2 thì bị tước giấy phép 6 tháng. Còn tái phạm nhiều lần sẽ bị “treo” bằng vĩnh viễn, không được phép điều khiển phương tiện. Riêng những trường hợp uống rượu bia, điều khiển phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, cần phải truy tố trước pháp luật để làm gương, răn đe đối với các lái xe khác.

Về đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia tịch thu phương tiện đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn, quan điểm của tôi là cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tất cả các mặt. Phương tiện là tài sản cá nhân của người dân. Những phương tiện bị tịch thu, sung công quỹ cần phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.