Phòng ngừa, xử lý xe đạp điện gian lận:

“Đã bày bán trên thị trường, rất khó để kiểm soát”

ANTĐ - Ông Nguyễn Huy Cương - Đội trưởng Đội QLTT số 5, Chi cục QLTT Hà Nội đánh giá như vậy về công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm trên thị trường xe đạp điện.

“Đã bày bán trên thị trường, rất khó để kiểm soát” ảnh 1Lô xe đạp điện nhập lậu, chuẩn bị tung ra thị trường 

Xe đạp điện giá… 100.000 đồng

Thông tin hoàn toàn thật và đã được thể hiện trong hóa đơn mua bán mà chủ hàng xuất trình với cơ quan Công an khi bị kiểm tra kho hàng. Đó là tình huống xảy ra trong quá trình cơ quan Công an xử lý 2 kho tập kết xe đạp điện, với số lượng cực lớn - hơn 700 chiếc - tại địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội, hồi tháng 9-2013. Thượng tá Thành Kiên Trung - Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội nhớ lại vụ việc. Sau thời gian dài lập chuyên án đấu tranh, lực lượng CSKT CATP phối hợp cùng cơ quan QLTT đã đột kích 2 kho hàng tại địa bàn phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, phát hiện hơn 700 chiếc xe điện. Thời điểm kiểm tra, những người liên quan đã không xuất trình đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc lô hàng - tính theo giá thị trường - giá trị khoảng 7 tỷ đồng này.

Đáng chú ý tại 2 kho hàng, lực lượng liên ngành xác định đang có đội ngũ nhân viên lắp ráp xe. Nhiều sản phẩm đã lắp ráp xong có tem, nhãn chữ Trung Quốc. Trong số hơn 700 chiếc xe trên có một lượng lớn đã được nhập lậu bằng nhiều con đường, cách thức khác nhau, rồi tuồn về Hà Nội.

Theo quy định, nếu cơ quan chức năng chứng minh, làm rõ được xe đạp điện là nhập lậu, số hàng sẽ bị tịch thu. Song trong quá trình được phép bổ sung các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ (quy định pháp luật cho phép), những người liên quan đã đưa ra nhiều hóa đơn, chứng từ. Trong đó, có hóa đơn thể hiện giá mua - nhập 1 chiếc xe đạp điện chỉ với 100.000 đồng. “Chủ hàng không chỉ “lo” được hóa đơn, thậm chí còn “điều chỉnh” được số tiền mua cực thấp, nhằm tránh phải chịu thuế suất cao”, Thượng tá Trung đánh giá, và cho biết, tiểu xảo này đã bị cơ quan chức năng lật tẩy, đấu tranh làm rõ hành vi vi phạm.

Làm rõ thêm phương thức, thủ đoạn của “dân” buôn xe đạp điện, xe máy điện, ông Nguyễn Huy Cương - Đội trưởng Đội QLTT số 5 khẳng định, thực tế công tác đấu tranh, xử lý cho thấy, phổ biến nhất là xe đạp điện nhập lậu và xe giả nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng như Yamaha, Honda. Xe lậu có thể nhập nguyên chiếc, cũng có thể nhập rời các linh kiện, bộ phận rồi về Việt Nam lắp ráp. Vụ việc mà Đội QLTT số 1 - Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện tại kho hàng của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ hóa chất HFT, nằm ở  Cụm công nghiệp Thanh Oai (Hà Nội), là điển hình. Hơn 60 xe đạp điện và xe điện được nhập nguyên chiếc cùng hàng nghìn phụ tùng, linh kiện lắp ráp  đã bị thu giữ.

Sau vụ việc trên, Phòng An ninh kinh tế CATP Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 13 cũng thu giữ 1.460 chiếc ắc-quy và 45 xe đạp điện được tháo rời do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, tại một kho hàng ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Quyết tâm không, chưa đủ

Nhận định trước những diễn biến phức tạp của thị trường xe đạp điện, xe máy điện, từ năm 2013 đến nay, CATP Hà Nội và Chi cục QLTT Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt đối với các đơn vị trực thuộc, yêu cầu xây dựng và có biện pháp quyết liệt để đấu tranh, phòng ngừa. Chỉ huy Đội QLTT số 5 chia sẻ, lãnh đạo Chi cục từng chỉ đạo các đội nghiệp vụ “đánh” chéo địa bàn, để tránh sót lọt vi phạm. Công tác kiểm tra, xử lý khá quyết liệt, liên tục, song, những vi phạm cũng không dễ xóa bỏ.

Có nhiều cái “khó” đang “bó” quyết tâm của lực lượng chức năng. Đối với hàng giả thì hướng xử lý đã rõ: sẽ tịch thu, tiêu hủy nếu không thể loại bỏ được yếu tố vi phạm. Còn với hàng lậu, chủ hàng sẽ có hóa đơn quay vòng để đáp ứng. Việc xác minh tính xác thực, hợp lệ của hóa đơn đòi hỏi thời gian; chưa kể trong hóa đơn, nội dung ghi cũng chỉ thể hiện là xe đạp điện, số lượng, chứ không có số khung của phương tiện. Đây là  thiếu sót, bởi xe đạp điện nào lưu hành trên thị trường cũng có số khung. 

Một văn bản được cho là “cây gậy” trong công tác quản lý, là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện (Thông tư 39 ngày 1-11-2013 của Bộ GTVT). Theo đó, doanh nghiệp phải làm thủ tục công bố chất lượng sản phẩm trước khi được phép kinh doanh. Nhưng sản phẩm mang đến làm thủ tục chỉ mang tính chất đại diện. Sau đó, doanh nghiệp về tự dán tem hợp chuẩn CR. “Ai dám đảm bảo tất cả lô hàng, sản phẩm doanh nghiệp sản xuất đều đạt chuẩn, bởi Quy chuẩn cũng không bắt buộc phải ghi số khung phương tiện”, ông Cương thẳng thắn. 

Xe đạp điện ra thị trường rồi, sẽ khó kiểm soát! Nếu không “bịt” những lỗ hổng chính sách, và nhất là, tổ chức “đánh chặn” từ xa đối với những biểu hiện vi phạm.

Thu giữ lô phụ tùng xe điện nhập lậu trị giá gần 500 triệu đồng 

Ngày 26-11, Đội QTTsố 1, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và thu giữ lô hàng phụ tùng xe đạp điện, xe máy nhập lậu với số lượng lớn, trị giá gần 500 triệu đồng tại ngách 528/82 đường Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội. Qua kiểm đếm, hàng hóa bao gồm: 1.140 bình ắc quy dùng cho xe đạp điện và 7.000 vòng bi dùng cho xe máy.