PGS.TS Trịnh Hòa Bình:

“Cố tình vi phạm, gây tai nạn là tội ác”

ANTĐ - Xung quanh vụ tai nạn xảy ra vào hồi 23h ngày 21-10 trên cầu cạn vành đai 3 khiến một người tử vong và trước đó là những thông tin về việc nở rộ dịch vụ vác xe máy thuê qua thành cầu Thanh Trì khiến dư luận bức xúc thời gian vừa qua, Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với PGS.TS xã hội học Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận Xã hội, Viện Xã hội học về vấn đề này. 

- PV: Ông nhận xét như thế nào về vụ tai nạn trên?

- PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Cây cầu cạn mới được thông xe cấm xe máy, chỉ dành riêng cho ô tô được lưu thông với tốc độ lên đến 80km/h. Chuyện đi xe máy trên tuyến đường chỉ dành cho ô tô rồi gặp tai nạn, nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên. Bởi người ta cứ nghĩ rằng xã hội chúng ta đang ngày một phát triển, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, không có lý gì người ta lại sẵn sàng làm trái với quy định của xã hội. Nhưng chúng ta cũng cần phải nhớ rằng bên cạnh cái đạo đức tập thể tiêu biểu mà chúng ta dày công xây nền móng mấy chục năm qua, còn có một phần tâm lý cá nhân vẫn luôn hiện diện. Đó chính là tâm lý đề cao bản thân, đề cao cái tôi lên trên cả mối quan hệ với toàn xã hội. Trên con đường được phép di chuyển với vận tốc lên tới 80km/h việc tránh một chiếc xe máy, vi phạm đi ngược chiều, lao trực diện trong trường hợp trời tối dường như là không thể. Ở những quốc gia văn minh, hành vi cố tình vi phạm Luật Giao thông, gây tai nạn cho người khác phải được coi là tội ác. 

- Nhưng đáng tiếc là việc vi phạm trên lại ngày một gia tăng, cảnh sát giao thông thậm chí phạt không xuể. Theo ông, đó có phải là biểu hiện của tâm lý đám đông?

- Trong nhiều người vẫn tồn tại thói vị kỷ. Có người đặt nó dưới lợi ích của xã hội, còn có người lại để nó phát triển tự do. Khi thói vị kỷ trong mỗi người bùng phát, sự đứt gãy các giá trị xảy ra sẽ dẫn đến những hiện tượng như vừa nêu. Ở đây chúng ta đang bàn đến thói xấu của một số người. Đó là muốn làm những việc mà người khác không làm, muốn đi ngược lại với xã hội để thể hiện cái tôi. Có thể gọi nôm na là muốn khác người. Trong đó có cả việc sẵn sàng vi phạm các quy định, tự coi thường mạng sống của mình chỉ để thỏa mãn thói ngông cuồng của cá nhân. Bên cạnh đó, còn một yếu tố phải xét đến đó là thói a dua, học đòi của một số người. Thấy người khác làm sai, thì làm theo, bất chấp hậu quả. 

- Thưa ông, đó phải chăng là nguyên nhân dẫn đến những hành vi tiếp tay cho sai phạm, như dịch vụ vác xe máy qua dải phân cách ra khỏi làn đường trên cao để tránh CSGT?

- Hãy nhìn nhận vấn đề ở góc độ rộng hơn. Đôi khi sự a dua, học đòi được tiếp tay bởi những người xấu chỉ muốn làm lợi cho bản thân lại càng thêm nguy hại. Ban đầu chỉ có vài vi phạm nhưng chỉ cần có sự tiếp tay, số lượng vi phạm này sẽ ngày một tăng lên. Chúng ta chỉ có thể xử lý những người điều khiển xe máy đi trên đường cấm nhưng lại chưa có chế tài xử lý những người tham gia dịch vụ vác xe thuê này. Tôi đồng ý với quan điểm coi trọng tính mạng con người trong mọi trường hợp nhưng nếu không có các quy định, biện pháp cứng rắn hơn, e rằng sẽ không thể đưa giao thông Việt Nam vào quy củ. 

- Vậy như thế nào là các quy định, biện pháp cứng rắn hơn, khi chúng ta đã từng nhiều lần tăng nặng mức xử phạt, thêm nhiều chế tài xử lý?

- Tôi thấy ở nhiều quốc gia, ai đi sai đường, đi đường cấm, vượt đèn đỏ,… mà bị tử vong đều không tiến hành điều tra. Cố tình gây tai nạn cho người khác là một tội ác. Thậm chí, nếu biết rõ vi phạm của mình gây nguy hại cho người khác và chính mình đến như vậy mà vẫn liều lĩnh, bất chấp, thì thật ngu xuẩn. Chúng ta còn quá nhẹ tay với các vi phạm. Thử nghĩ xem, những sai phạm đó, không những nguy hại cho bản thân người vi phạm mà còn có thể gây nguy hiểm cho những người khác. Sẽ còn cả một hệ thống các hệ lụy kéo theo sau đó mà ta chưa lường hết được. 

LTS: Chỉ sau vài ngày thông xe tuyến cao tốc trên cao vành đai 3, dù đã có biển cấm xe máy, nhưng nhiều người vẫn phớt lờ quy định. Hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra, nhưng dường như người vi phạm vẫn không coi đó là bài học cảnh tỉnh. Dưới góc độ xã hội học, các nhà nghiên cứu nói gì về hiện tượng trên?

PGS.TS Lương Hồng Quang (Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam): Phạt thật nghiêm khắc

Tuyến đường cao tốc trên cao đầu tiên tại Hà Nội vừa khánh thành đã xảy ra biết bao chuyện, xe máy phớt lờ biển cấm thản nhiên đi, đáng sợ hơn là chuyện người dân sống gần đó lấy đường làm nơi tập thể dục. Đường cao tốc mà coi như công viên. Nhiều người lý giải, đó là do tâm lý đám đông, kiểu như một công trình mới khánh thành thì phải lên đó bằng được để xem cụ thể nó là cái gì, đó là những hành vi tò mò, thiếu văn minh. Mỗi công dân sống ở bất kỳ đâu dù là nông thôn hay đô thị cần phải hiểu và thực thi luật pháp. Tôi nghĩ, trong khi sự hiểu biết và chấp hành Luật Giao thông của một số người còn hạn chế, để giáo dục ý thức tham gia giao thông lại cần phải có thời gian, chứ chẳng phải một sớm một chiều mà làm được. Vậy thì trước tiên, quan điểm của tôi là cần phạt thật nghiêm khắc những trường hợp cố tình vi phạm.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Quyên (Phó Trưởng khoa Xã hội học-Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Ngay từ đầu cần tạo “nếp”

Đường cao tốc trên cao vừa thông xe đã chứng kiến những cú phạm luật khủng khiếp. Xe máy, người tập thể dục cũng “trèo” cả lên cao để hưởng gió mát. Thực tế trên có nhiều nguyên nhân và đến từ tâm lý đám đông. Trong khi đường đi ở phía dưới chật chội, bụi bẩn thì tuyến đường vừa thông xe lại thoáng, đẹp và rộng rãi nên tuy có biển cấm mà xe máy vẫn đi lên ầm ầm. Họ muốn tìm một con đường đi dễ chịu hơn, ít áp lực vì bụi bẩn và xe cộ đông đúc. Một người đi được thì người thứ 2, thứ 3 tiếp tục đi tạo thành một hiệu ứng. Họ đi mà không lường trước những tai nạn khủng khiếp đang chờ đón ở phía trước và làm cản trở các phương tiện lưu thông. Để hạn chế tình trạng này, theo tôi, cần siết chặt kỷ cương ngay từ đầu để tạo thành “nếp” cho sau này. Bên cạnh công tác tuyên truyền là việc kiểm tra và xử phạt. Mức xử phạt có thể được ghi rất rõ ngay lối đi lên cao tốc để người dân ý thức và chấp hành.