Căng thẳng như... sang đường ở phố cổ

ANTĐ - Do khu vực phố cổ Hà Nội có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao, đường phố chật hẹp, tốc độ lưu thông thấp nên đơn vị quản lý đã cho dừng hoạt động đèn tín hiệu ở một số nút giao thông. Bị bỏ khá lâu nên một số cụm đèn đã có dấu hiệu hư hỏng, còn người đi bộ mỗi khi qua những ngã tư này luôn “run như cầy sấy”…

Căng thẳng như...  sang đường ở phố cổ ảnh 1Các du khách nước ngoài sợ nhất phải sang đường tại các ngã tư không có đèn tín hiệu

Vừa đi vừa run

Dạo một vòng quanh khu phố cổ, chúng tôi nhận thấy, các nút giao thông chạy dọc tuyến phố Hàng Cót, Hàng Gà, Hàng Điếu đều được trang bị hệ thống đèn tín hiệu giao thông hiện đại song đã tạm dừng hoạt động khá lâu. Cách đó không xa, hầu hết các điểm giao cắt chạy dọc trục phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân cũng trong tình trạng “đèn giao thông, có cũng như không”. Còn tại tuyến phố Hàng Cân - Chả Cá, hệ thống đèn tín hiệu cũng đã trở nên vô tác dụng, nằm im lìm trong tán cây. Kéo theo đó, các đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ cũng không còn hoạt động.

Tại những ngã ba, ngã tư không có đèn tín hiệu giao thông, người dân đi bộ qua đường rất dễ gặp nguy hiểm bởi hiếm khi được các phương tiện khác chủ động nhường đường . Tại một số ngã tư trên tuyến phố Hàng Điếu –Hàng Gà – Hàng Cót, chúng tôi thấy có khá nhiều người đi bộ, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài ngập ngừng mãi mới dám sang đường. Anh Patrick – một du khách người Anh chia sẻ, đây là lần thứ ba anh đến Hà Nội nhưng điều làm anh căng thẳng nhất luôn là việc phải sang đường trong khu vực phố cổ. Do đèn tín hiệu giao thông tại nhiều ngã tư không hoạt động nên để đảm bảo an toàn, Patrick đành phải chờ tới thời điểm có ít phương tiện giao thông qua lại. “Dù tôi đã đứng trên vạch sơn, sát mép đường vẫy tay ra hiệu nhưng xe cộ vẫn không nhường đường, thậm chí có người còn tăng ga vượt qua mặt tôi. Không ít lần, tôi phải mất đến 15 phút chỉ để đi qua một ngã tư chật chội. Với tôi, việc này chẳng khác gì trò chơi mạo hiểm”- Patrick thở dài.

Căng thẳng như...  sang đường ở phố cổ ảnh 2Đèn tín hiệu giao thông nằm im lìm trong tán cây và dưới mái che

Cần tổ chức giao thông hợp lý

Về sự phức tạp của giao thông khu vực phố cổ, Thạc sỹ Vũ Thu Nga – Trường ĐH Giao thông Vận tải phân tích, giao thông phố cổ tuy không bị ùn tắc như những khu vực khác, song cảnh ùn ứ, lộn xộn vẫn diễn ra thường xuyên. Đây là khu vực có mật độ giao thông lớn nhất, cũng là nơi có đủ các loại hình phương tiện tham gia giao thông (người đi bộ, xe đạp, xe máy, ô tô, xe buýt, xe điện, xích lô). Trong khi đó, vỉa hè, lòng đường vốn đã hẹp lại thường xuyên bị chiếm dụng làm nơi bán hàng, để xe… Đặc biệt, tại các nút giao có đèn tín hiệu không hoạt động, hiện tượng mạnh ai nấy chạy khiến xung đột giao thông rất dễ xảy ra. Việc người đi bộ phải đi xuống lòng đường, qua các ngã tư với phương tiện giao thông qua lại như mắc cửi mà không có sự chỉ dẫn nào không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân họ mà còn cản trở sự tham gia giao thông của những người khác.

Cùng với đó, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông tại phố cổ còn rất kém. Việc đỗ xe trái phép dưới lòng đường và trên vỉa hè diễn ra phổ biến, đặc biệt là những phố có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp như Hàng Ngang, Hàng Đào, Tạ Hiện, Lương Văn Can… Thêm vào đó, không ít người khi tham gia giao thông chở hàng cồng kềnh còn lạng lách, đánh võng... làm tăng nguy cơ xảy ra va quệt. 

Nhằm tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm 2014, tại cuộc họp với các ban ngành liên quan diễn ra mới đây, UBND TP Hà Nội đã đề nghị ngành điện ưu tiên cho hoạt động của các cụm đèn tín hiệu giao thông. Các đơn vị chức năng liên quan phải rà soát lại chất lượng đèn và khắc phục chế độ vận hành chưa phù hợp ở một số nút, thu hồi đèn hỏng, nhất là 19 cụm đèn trong khu phố cổ và xử lý nghiêm việc lấn chiếm vỉa hè lòng đường gây ùn tắc giao thông. Hy vọng với chỉ đạo trên, vấn đề trật tự an toàn giao thông tại khu vực phố cổ sẽ có chuyển biến rõ rệt.