Xử nghiêm vi phạm về còi xe

(ANTĐ) - Việc nhiều người dùng còi không đạt chuẩn, các tiếng còi với âm thanh rùng rợn khác thường đã khiến nảy sinh rất nhiều hệ lụy từ ô nhiễm tiếng ồn đến những hậu quả đáng tiếc về tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc xử lý đối với tình trạng này của các cơ quan chức năng xem ra còn lắm gian nan.

>>> Kỳ 1: Bát nháo còi xe

Chơi ngông trên đường - kỳ 2:

Xử nghiêm vi phạm về còi xe

(ANTĐ) - Việc nhiều người dùng còi không đạt chuẩn, các tiếng còi với âm thanh rùng rợn khác thường đã khiến nảy sinh rất nhiều hệ lụy từ ô nhiễm tiếng ồn đến những hậu quả đáng tiếc về tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc xử lý đối với tình trạng này của các cơ quan chức năng xem ra còn lắm gian nan.

>>> Kỳ 1: Bát nháo còi xe

Cần phải tăng mức xử phạt đối với các vi phạm về đèn, còi
Cần phải tăng mức xử phạt đối với các vi phạm về đèn, còi

Sức khỏe và tính mạng người dân bị đe dọa

Hiện nay có rất nhiều tuyến phố có biển báo cấm các phương tiện dùng còi. Việc bấm còi cũng được quy định rất cụ thể như không được bấm còi có âm thanh lớn từ 22h đêm đến 5h sáng ngày hôm sau. Tuy nhiên, bất kỳ ở tuyến phố nào trong Thủ đô người dân khi tham gia giao thông cũng có thể giật mình bởi những âm thanh từ tiếng còi xe chẳng giống ai.

Trên dọc tuyến đường Nguyễn Chí Thanh chạy xuống Trần Duy Hưng là một ví dụ. Bác Trần Ngọc Quyến - Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 119 phường Láng Hạ than thở: “Bất kể ban ngày hay buổi tối, những lái xe trọng tải lớn đi qua tuyến đường này thường xuyên bấm còi rất to với những tiếng còi dài, đủ âm thanh kỳ quái gây ô nhiễm tiếng ồn, khổ nhất vẫn là người già và trẻ con khi đang ngủ cứ giật mình thon thót và như thức trắng đêm bởi giấc ngủ đã bị những tiếng còi dị hợm ấy phá nát”. Theo quy định của Cục Đăng kiểm thì mức âm thanh đối với các loại còi khi sử dụng trong thành phố (trừ những tuyến phố cấm bấm còi) dao động từ 90 đến 115 decibel.

Tuy nhiên, trên thực tế qua khảo sát của đơn vị thì nhiều lái xe còn lắp những loại còi với âm thanh “khủng” từ 120 đến gần 300 decibel. Việc các đối tượng sử dụng những còi này đã khiến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người đi đường. Nhằm xử phạt tình trạng sử dụng còi không đúng quy chuẩn, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt đã lập kế hoạch trong đó chỉ đạo Đội CSGT số 3 là đơn vị chủ công trong công tác tuần tra, phát hiện và xử lý những vi phạm liên quan đến đèn, còi.

Để phản ánh công tác xử lý đối với những vi phạm về đèn còi, những ngày đầu tháng 12 vừa qua nhóm PV Báo ANTĐ đã ròng rã thức trắng nhiều đêm cùng với lực lượng CSGT của Đội CSGT số 3 tuần tra xử lý những vi phạm. Tại chốt kiểm tra ở ngã ba Huỳnh Thúc Kháng-Nguyễn Chí Thanh, chúng tôi cùng CSGT căng mắt dõi theo những chiếc xe chạy qua.

20h30, tuyến đường này rất đông người qua lại nhưng những lái xe tải, xe ôtô và cả xe máy được lắp những loại còi có âm thanh lớn hơn mức cho phép cứ vô tư bấm còi inh ỏi. Nhiều người điều khiển phương tiện giao thông ở phía trước khi nghe thấy những tiếng còi dài chói tai hay những chiếc xe máy được lắp còi ôtô kêu inh ỏi sau khi phóng vèo qua đã hoảng hốt giật mình. Có những người còn loạng choạng ngã xuống đường vì sợ.

Trung úy Đặng Thành Trung - Đội CSGT số 3 cho biết: “Ngoài nhiệm vụ đảm bảo TTATGT thì CBCS của đơn vị cũng được chỉ huy quán triệt công tác xử lý đối với những trường hợp sử dụng còi xe không đúng quy định, lắp còi sai theo thiết kế và công năng sử dụng của xe. Nhiều đối tượng là thanh thiếu niên còn lắp trên xe máy những loại còi với âm thanh kỳ quái có công suất cực lớn gây mất ATGT cho người đi đường và sẵn sàng bỏ chạy khi bị lực lượng CSGT phát hiện và xử phạt”.

Phải tăng mức xử phạt

Chỉ trong vòng 20 phút tại chốt kiểm tra ở đường Nguyễn Chí Thanh, tổ tuần tra kiểm soát giao thông - Đội CSGT số 3 đã xử lý 5 trường hợp ôtô sử dụng đèn, còi không đúng quy định. Số trường hợp này đều bị xử lý nghiêm. Mặc dù vậy cũng có nhiều trường hợp ôtô vi phạm nhưng khi nhìn thấy CSGT thì lái xe liền tăng ga bỏ chạy. Nhiều trường hợp thanh thiếu niên còn lạng lách, phóng với tốc độ cao rú ga bấm còi ầm ỹ coi thường  tính mạng và sự an toàn của người khác.

“Đối với những trường hợp này chúng tôi đều ghi lại BKS xe, nhanh chóng thông báo với các tổ tuần tra kiểm soát giao thông khác để cùng phối hợp xử lý. Việc đuổi theo các phương tiện đó cũng được chúng tôi cân nhắc và tính toán kỹ sao cho vừa đảm bảo ATGT cho những người dân trên đường cũng như xử lý hiệu quả các vi phạm. Tính từ ngày 27-11 đến nay, đơn vị đã xử lý gần 20 trường hợp sử dụng còi sai quy định” - Trung tá Nguyễn Trọng Nho - Đội phó phụ trách Đội CSGT số 3 khẳng định.

Không chỉ khó khăn trong công tác giữ phương tiện vi phạm, hiện nay lực lượng CSGT còn gặp không ít khó khăn về trang thiết bị để kiểm tra âm thanh của còi xe. Khi kiểm tra xe vi phạm về còi, CSGT thường phải kiểm tra loại còi đó xem có đạt chuẩn khi lắp đặt vào phương tiện vi phạm hay không.

Việc mang máy đo cường độ âm thanh decibel của tiếng còi cũng hạn chế do đó nhiều lái xe còn “cãi chày cãi cối” khi vi phạm. Đại diện Cục CSGT đường bộ-đường sắt cho biết: “Hiện trong khoản 12 và 13 tại điều 8 của Luật Giao thông đường bộ có quy định nghiêm cấm việc bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22h đến 5h, bấm còi hơi, cũng như lắp đặt và sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng”.

Mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm hiện nay theo Nghị định 146 của Chính phủ quy định, phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng đối với người bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu dân cư trong thời gian từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định);  phạt tiền 200.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi.

Mức phạt trên vẫn là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm. Để chặn đứng tình trạng bát nháo về còi xe thì ngoài việc tăng cường công tác tuần tra xử lý của CSGT thì các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng mức xử lý các vi phạm cũng như đối với những người bán các loại còi này. Bên cạnh đó, người dân khi tham gia giao thông phát hiện những trường hợp sử dụng còi không đúng quy định thông báo cho CSGT để  lực lượng chức năng xác minh và xử lý vi phạm.

Hoàng Phong