Những lá thư xin lỗi gửi từ trại giam

ANTĐ - “Trong môi trường trại giam, lao động là một trong những hình thức để giúp phạm nhân nhìn nhận được sai lầm, khuyết điểm quá khứ. Và cải tạo lao động tốt sẽ là tiền đề để có sự chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật, có động lực  niềm tin để hướng thiện. Đó chính là mục tiêu mà những cán bộ làm công tác trại giam đặt ra”- Đại tá Nguyễn Công Dụng, Giám thị Trại tạm giam số 2 – CATP Hà Nội chia sẻ về ý nghĩa Cuộc thi “Phạm nhân viết thư gửi lời xin lỗi” mà đơn vị vừa tổ chức thành công.

Những lá thư xin lỗi gửi từ trại giam ảnh 1Lá thư với nét chữ thẳng hàng của một phạm nhân

”Vợ ơi, giờ chồng mới thấm thía”

“Văn Hòa, ngày 13-7-2014. 

Vợ nơi xa mến thương! Lời đầu thư anh chúc vợ cùng các con luôn mạnh khỏe. Vậy là chồng xa vợ và các con đã được 14 tháng rùi. Vợ ơi, thời gian trôi qua nhanh quá vợ nhỉ! Vào trong này giờ chồng mới thấm thía và nhớ vợ cùng 3 con nhỏ. Vợ à, không biết bây giờ ở ngoài vợ sẽ như thế nào? Vợ còn quá trẻ mà đã phải chịu gánh nặng của cuộc sống khi người chồng luôn luôn mang lại những đau buồn. Các thầy ở trong này ai cũng lo lắng cho phạm nhân vợ à…”

“Phút bồng bột của con đã phải trả giá”

Văn Hòa ngày 14-7-2014. Mẹ kính mến! Vợ và 2 con nhớ nhiều. Hôm nay, được sự đồng ý của cán bộ quản giáo, con tranh thủ thời gian nghỉ ghi mấy dòng chữ về hỏi thăm sức khỏe của mẹ và nhà con cùng các cháu. Vậy là con đã xa gia đình được gần 2 năm rồi mẹ nhỉ. Nhận được thư này của con, mẹ thắp cho con nén hương lên bàn thờ của bố. Mẹ nói giúp con với bố rằng con trai của bố, đứa con bất hiếu và tội lỗi này xin được dập đầu ngàn lần tạ tội với bố. Xin bố ở dưới suối vàng hãy tha thứ cho con. Hôm nay đã được hơn 3 tuần ngày bố mất. Ở trong này không có ngày nào con không dằn vặt về điều đó. Phút bồng bột của con đã bắt con phải trả giá quá đắt phải không mẹ. Nghe tin bố mất, con đã ngã quỵ, không biết rằng trong cuộc đời của con còn điều gì đau đớn hơn thế nữa. Đứa con trai duy nhất đã không có mặt, không thể thắp nén hương và nhìn bố lần cuối…”

“Luôn cảm thấy ăn năn, áy náy vì những chuyện đã gây ra”

“Văn Hòa ngày 23-6-2014. Kính gửi anh Vũ Thiện Nhật. Được sự cho phép của Ban Giám thị và thầy quản giáo, em xin viết bức thư này gửi tới anh. Em là Nguyễn Văn Hiệp, SN 1991, HKTT Phú Xuyên, Hà Nội. Tội danh: Cố ý gây thương tích; ngày bắt: 24-7-2013; án phạt 36 tháng tù; hiện đang cải tạo tại Đội 3 Trại tạm giam số 2. Trong thời gian ở Trại tạm giam số 2, em đã được cán bộ quản giáo giảng giải và em đã nhận thức được thêm hành vi sai trái của mình. Em viết thư này mong anh và gia đình tha thứ cho em, tha thứ cho những lỗi lầm mà em đã làm không phải với anh. Em ở trong này luôn cảm thấy ăn năn, áy náy vì những chuyện đã gây ra với anh. 36 tháng tù là sự trừng phạt dành cho em rồi anh ạ. Gây tội lỗi sẽ phải trả giá. Em nhận ra điều đó, sau những ngày ở trong này, được sự cảm hóa, động viên của các thầy. Em hứa khi trở về sẽ là công dân tốt, không bao giờ vi phạm pháp luật nữa…”.

Những lá thư xin lỗi gửi từ trại giam ảnh 2Kiểm tra sức khỏe cho phạm nhân tại trại tạm giam số 2 

Sám hối và hướng thiện

Gần 200 bức thư, nắn nót có, thô mộc có, hoa mỹ có và cả sự giản dị; đó là những tâm tưởng, suy nghĩ của các phạm nhân đang thụ án tại Trại tạm giam số 2 CATP Hà Nội; được gửi gắm thông qua cuộc thi viết “Gửi lời xin lỗi”. 

Một ngày đầu tháng 11, nhận được điện thoại của Đại tá – Giám thị Nguyễn Công Dụng về kế hoạch sơ kết Cuộc thi “Phạm nhân viết thư gửi lời xin lỗi”, tôi đặt vấn đề ngay, muốn được tiếp cận với những trang thư để đọc được suy nghĩ trên hành trình của các phạm nhân. Phóng viên đồng thời muốn được nghe chia sẻ suy nghĩ, tấm lòng của những người đã nghĩ ra và tổ chức cuộc thi viết thư “Gửi lời xin lỗi” ở Trại tạm giam số 2.

Vị Giám thị chân tình, tổ chức cho phạm nhân viết thư nói lên những suy nghĩ, cảm nhận thật của mình, đó là sự ăn năn, hối cải, nhận thức thật sự về những hành vi sai trái của bản thân đối với người bị hại, thân nhân của mình hoặc các cơ quan, tổ chức xã hội. Đây là việc làm rất cần thiết, mặc dù không hề đơn giản. Y nghĩa tốt đẹp đó chỉ có thể muốn đạt được, đòi hỏi từ Ban Giám thị trại giam đến  cán bộ quản giáo phải thật sự say sưa, có trách nhiệm, nhận thức được tính thiết thực của cuộc thi. Từ đó, người cán bộ trại giam phải  chuẩn bị đầy đủ thêm về kỹ năng sư phạm, sẵn sàng với tâm lý tận tâm, biết thông cảm sẻ chia với từng hoàn cảnh phạm nhân, nhưng lại phải rất nghiêm khắc trước những hành vi vi phạm pháp luật. Đấy chính là quá trình giáo dục, khơi gợi trong mỗi phạm nhân những yếu tố tích cực trong lương tâm của họ về những giá trị cuộc sống và trách nhiệm với cộng đồng. Cuộc thi chỉ có thể thành công khi qua mỗi bức thư, làm thế nào để phạm nhân tự bộc bạch, ân hận, nhận thức và xin lỗi về những việc đã làm.

Từ tháng 6-2014, tinh thần, ý tưởng cuộc thi được Ban Giám thị Trại tạm giam số 2 thông báo đến các phạm nhân. Thứ bảy hàng tuần, phạm nhân được dành thời gian để viết thư, hoặc trò chuyện, chia sẻ thật lâu với cán bộ quản giáo, để “gỡ” những phần “rối” khi chuyển tải từ suy nghĩ ra mỗi con chữ. Mỗi cán bộ quản giáo trước đó đã nghiên cứu kỹ từng hồ sơ phạm nhân, về nhân thân và đặc biệt hành vi phạm tội, từ đó phân loại từng nhóm tội danh để có biện pháp, phương pháp tác động, giáo dục có hiệu quả đến phạm nhân do mình phụ trách. 

127 bức thư đã được viết trong hơn 2 tháng triển khai; trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất là những bức thư xin lỗi bố, mẹ, vợ, con. Gần 20 bức thư gửi trực tiếp đến người bị hại, thân nhân người bị hại…đã bày tỏ sự ân hận về hành vi phạm tội; những điều muốn nói từ lâu mà chưa biết bày tỏ cùng ai. Và một hiệu ứng tích cực đối với phạm nhân là một số bị hại đã hồi âm, chấp nhận lời xin lỗi và tha thứ. 

Tấm lòng của người bị hại, cái tâm của người cán bộ quản giáo và tình cảm gia đình, chắc chắn sẽ giúp đường về nẻo thiện của mỗi phạm nhân thêm gần.