Khi bị cáo - nạn nhân là người thân

(ANTĐ) - Họ là người cùng 1 nhà, nhưng tại phiên tòa họ chia làm 2 “chiến tuyến”, “người nhà nạn nhân” ngồi 1 bên, “người nhà bị cáo” ngồi 1 bên. Họ không nhìn nhau, cũng chẳng hỏi han, nói chuyện với nhau...

Khi bị cáo - nạn nhân là người thân

(ANTĐ) - Họ là người cùng 1 nhà, nhưng tại phiên tòa họ chia làm 2 “chiến tuyến”, “người nhà nạn nhân” ngồi 1 bên, “người nhà bị cáo” ngồi 1 bên. Họ không nhìn nhau, cũng chẳng hỏi han, nói chuyện với nhau...

Những vụ án đau lòng

Tháng 6-2008, TAND thành phố Hà Nội đã diễn ra 2 vụ xét xử sơ thẩm có bị cáo- nạn nhân là người thân: em giết anh và cháu giết cậu. Trong vụ án em giết anh, câu chuyện đau lòng bắt đầu từ những mâu thuẫn trong sinh hoạt khi ba thế hệ gồm bố mẹ, anh em và con cái sống chung dưới một mái nhà. Còn vụ án cháu giết cậu, xuất phát từ lý do hết sức đơn giản, không đồng ý cho bố ngồi hát karaoke, bị cáo (bị bệnh tâm thần) đã rút dây điện. Bị bố cáu, bị cáo cầm dao dọa chém bố. Cậu ruột vào can ngăn, cháu cầm dao đâm vào ngực trái của cậu. Hậu quả, cậu đã tử vong sau đó vài hôm.

Bên cạnh những vụ án có nguyên nhân mâu thuẫn trong sinh hoạt, thì những vụ việc xuất phát từ sự bực tức của bậc sinh thành cũng là lý do. Điển hình ở Hà Tĩnh, xảy ra vụ án vì tức câu nói của bố vợ, con rể đã tẩm xăng đốt nhà, đốt vợ, đốt con. Hậu quả vợ con phải nhập viện trong tình trạng thập tử, nhất sinh.

Bất hạnh nhất vẫn là những đứa trẻ (vụ án bố đốt nhà ở Hà Tĩnh)
Bất hạnh nhất vẫn là những đứa trẻ (vụ án bố đốt nhà ở Hà Tĩnh)

Trước đó tại Hà Nội xảy ra vụ con gái đâm chết bố vì bị... cấm yêu. Trong lúc tranh cãi vì bị bố nói nhiều câu xúc phạm, cô con gái không làm chủ được bản thân đã vớ con dao gọt hoa quả để trên bàn, đâm vào ngực trái bố. Hậu quả, bố tử vong sau đó vài tiếng. Hay như ở Bình Định, vì mâu thuẫn với con rể trong việc chia đất đai, nên ông cụ 84 tuổi đã không kiềm chế bản thân, cầm dao đâm thấu ngực trái con rể. Hậu quả, con rể chết trên đường đi bệnh viện...

Vì đâu nên nỗi

Thống kê chưa đầy đủ của Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội, tỷ lệ vụ án bị cáo - bị hại là người thân chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, theo bà Chử Thị Sửu - Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội: “Tuy những vụ án kiểu này chiếm tỷ lệ không cao, nhưng xử vụ nào là đau đầu vụ đó”.  Bà nói thêm: “Các vụ án làm tôi thấy chua chát, xót xa, cay đắng về nhân tình, thế thái...”.

Theo phân loại, những “vụ án gia đình” đều có nguyên nhân sâu xa từ va chạm về kinh tế, vật chất dẫn đến đối xử thiếu công bằng và hậu quả là án mạng... Một trong những chất xúc tác đẩy mâu thuẫn lên cao trào là rượu, bia. Chẳng hạn ở huyện Sóc Sơn xảy ra vụ án chồng giết vợ, nguyên nhân cũng vì mấy chén rượu.

Hai vợ chồng lúc nghèo khó, yêu thương, đùm bọc nhau. Khi có chủ trương mở rộng bãi rác Nam Sơn, gia đình được đền bù 1 khoản tiền, anh chồng sinh ra rượu chè. Người vợ nhằm lúc chồng đi uống rượu về là phàn nàn, đay đả, chì chiết... Vợ chồng đánh cãi, chửi nhau trở thành chuyện thường ngày. Trong một lần đi uống rượu về, 2 vợ chồng lại chửi nhau. Do không kiềm chế, người chồng đâm chết người vợ. Hay như vụ việc em giết anh trai cũng có tác động từ rượu, bia. Người anh biết mình bị viêm gan C, chán đời nên ngày nào cũng chén chú, chén anh. Rượu vào, lời ra, người anh gây sự với tất cả mọi thành viên trong gia đình: bố mẹ, vợ con và cậu em trai. Hậu quả anh chết, em ra tòa. Vụ chồng châm lửa đốt nhà cửa, đốt cả vợ con ở Hà Tĩnh cũng có nguyên nhân từ rượu...

Bà Chử Thị Sửu cho biết: “Thông thường án mạng xảy ra có lỗi trực tiếp do bị cáo, nhưng với “án gia đình” đôi khi nguyên nhân sâu xa lại xuất phát từ chính nạn nhân”. Vụ con giết bố xảy ra ở Thanh Trì là ví dụ. Người bố nghiện rượu, ngày nào không có rượu là chửi mắng, đánh đập con trai. Cậu con trai đang tuổi vị thành niên, bắt đầu biết sĩ diện và có bạn gái nên rất xấu hổ. Trong lần thiếu rượu, ông lại đánh con. Bị bố đánh, bị cáo bỏ chạy, nhưng bố vẫn không buông tha, đuổi đánh bằng được mới thôi. Và trong lúc không làm chủ bản thân, cậu con trai phạm tội. Theo phân tích của bà Sửu, trong vụ án này, trách cậu con trai 2 thì cũng phải trách ông bố 1, nếu ông không “già néo thì liệu có đứt dây”?. Con người ta khi ở vào tình trạng bị kích động, mất hết lý trí, không kiểm soát nổi hành vi sẽ gây ra hậu quả khôn lường. 

Nỗi đau người trong cuộc

Một thẩm phán nói, với “án gia đình”, người bất hạnh vẫn là những đứa trẻ. Như vụ bố giết mẹ, chỉ trong 1 ngày 2 đứa trẻ bơ vơ, mất cả bố lẫn mẹ (mẹ chết bố đi tù). Hay vụ em giết anh, hậu quả hai “trụ cột” trong nhà đều “gãy”. Những đứa trẻ đang tuổi cần sự giáo dục, dạy dỗ của người cha, bây giờ thành “nhà không nóc”.

Một bị cáo phạm tội giết cha khóc: “Khi thực hiện hành vi tôi không còn là mình. Cha mất, tôi không tin tôi đã giết cha. Đến tận bây giờ tôi không bao giờ nghĩ cha tôi đã chết dưới tay tôi. Nhiều lúc ngồi ngắm đôi tay mình, tôi “ao ước” bỗng nhiên nó bị cụt. Tôi sợ ban đêm, tôi sợ giấc ngủ. Mỗi lần tôi đặt lưng xuống, nỗi ám ảnh về hành vi giết cha lại hiện lên trong tâm trí. Nhiều lúc tôi tự an ủi sẽ sống tốt hơn để không phụ công lao của cha mẹ, nhưng thật khó.

Có những lúc tôi thấy cái chết còn dễ hơn sự sống; chết thanh thản, nhẹ nhàng hơn sống. Mọi sự ăn năn, hốn hận... của tôi bây giờ đều vô nghĩa, cha tôi không bao giờ sống lại!”. Hay như  vụ đốt nhà, đốt vợ con ở Hà Tĩnh, người chồng sau khi tỉnh rượu, được chứng kiến tận mắt cảnh thân thể vợ bị các vết cháy làm biến dạng đã như kẻ phát cuồng. Người chồng gào khóc thảm thiết ngất lên, ngất xuống trong sự ân hận khôn cùng.

Người chồng ân hận: “Tôi không thể tha thứ cho hành động tội lỗi của mình. Trong phút cuồng điên vì ma men, tôi đã gây họa lớn, đã phá nát hạnh phúc, phá tan một mái ấm mà vợ chồng tôi đã dày công gây dựng. Giờ đây, tôi sẵn sàng đón nhận bất kỳ sự trừng phạt nào của pháp luật, để mong chuộc lại một phần lỗi lầm do mình đã gây ra. Chỉ lo khi tôi đi tù, không ai chăm sóc thằng lớn đang điều trị ở bệnh viện và thằng nhỏ đang tuổi còn dại”.

Khánh Linh