Gây TNGT rồi bỏ trốn, phải bị xử nghiêm

ANTĐ - Hàng loạt vụ TNGT xảy ra vào ban đêm được cơ quan chức năng đúc kết những điểm chung là: Để lại hậu quả nghiêm trọng và lái xe gây tai nạn thường bỏ mặc nạn nhân tại hiện trường để bỏ trốn.

Gây TNGT rồi bỏ trốn, phải bị xử nghiêm ảnh 1
Một vụ lái xe ô tô sau khi đâm chết người, lao xe xuống hồ Tây đã bỏ trốn

80% số vụ xảy ra vào ban đêm

Trong một đêm cuối tháng 2 vừa qua, chiếc xe Toyota BKS: 29A-097.73 phóng như bay đến ngã tư Giảng Võ - Cát Linh đã đâm vào xe máy BKS: 30M4-2062 do anh Đỗ Xuân Hội ở Từ Liêm điều khiển. Cả xe máy và người lái xe bị hất văng xuống đường, nạn nhân bị thương rất nặng. Tuy nhiên, phớt lờ việc nạn nhân nằm bất tỉnh trên đường, lái xe ô tô đã nhấn ga bỏ chạy. Mặc dù được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng một ngày sau đó, anh Hội đã tử vong do vết thương quá nặng. Trước vụ TNGT nghiêm trọng trên, CAQ Đống Đa, Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tập trung điều tra, nhanh chóng tìm được người lái chiếc xe ô tô gây tai nạn. Lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Hữu Nhân (32 tuổi), ở quận Thanh Xuân về hành vi vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng đã được Cơ quan CSĐT thực hiện ngay sau đó. 

Thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) có tới 80% số vụ TNGT xảy ra vào ban đêm các lái xe gây tai nạn đều bỏ trốn. Gần đây nhất là vụ lái xe ô tô BKS: 30N-1380 chạy lạng lách, đánh võng đến ngã tư Lý Thường Kiệt, Hàng Bài đã đâm vào xe máy Liberty do anh Cao Xuân Thắng (SN 1993) điều khiển khiến anh Thắng thiệt mạng. Sau khi bỏ chạy đến ngã tư Khâm Thiên - Lê Duẩn, chiếc xe trên đâm tiếp vào một người điều khiển xe máy Honda Wave và kéo lê xe máy đi gần 10m mới chịu dừng lại. Lái xe ô tô gây tai nạn bỏ chạy trên sau đó được làm rõ là Nguyễn Minh Trí (SN 1983), ở  phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai. “Bất kể đêm hay ngày, hầu hết các lái xe sau khi gây tai nạn dù nặng hay nhẹ đều có xu hướng bỏ mặc nạn nhân để trốn tránh trách nhiệm. Quá trình chạy trốn, do hoảng loạn, họ thường tiếp tục gây tai nạn với mức độ nghiêm trọng hơn” - Trung tá Nguyễn Văn Thịnh - Đội phó Đội Điều tra, khám nghiệm TNGT cho biết.

Công tác điều tra, xử lý các vụ TNGT bỏ chạy vào ban đêm của CSGT hết sức khó khăn

Chế tài xử lý còn yếu

Thượng tá Trần Sơn - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra TNGT Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cho biết có tổng số 23 hành vi Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm ở mức cao nhất trong đó có hành vi người gây ra TNGT bỏ trốn, không ở lại hiện trường tham gia cấp cứu người bị nạn. Luật Giao thông cũng quy định, những trường hợp tạm thời cho phép không có mặt tại hiện trường vụ tai nạn trừ khi người gây TNGT cũng bị tai nạn hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu. Ngoài ra có thể tạm lánh nếu như bị đe dọa, nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên họ phải ra trình diện trước cơ quan công an ngay để cung cấp thông tin, hợp tác với cơ quan công an để giải quyết, xử lý hậu quả TNGT. Quy định cụ thể là vậy nhưng rất hiếm người thực hiện. 

Vì sao các lái xe sau khi gây tai nạn thường bỏ trốn. Hầu hết trong số họ đều nói rằng nguyên nhân vì sợ hãi, nếu ở lại hiện trường rất có thể sẽ bị người nhà nạn nhân, thậm chí những người dân đi đường đánh. Thượng tá Trần Sơn nhận định, đó chỉ là những lời ngụy biện cho thái độ thờ ơ với mạng sống của người bị nạn, coi thường pháp luật. Còn Trung tá Nguyễn Hữu Tâm - Đội trưởng Đội CSGT số 1 đánh giá, đã sai thì phải sửa, làm không đúng thì phải khắc phục hậu quả. Đó là điều hiển nhiên nhưng rất ít lái xe thực hiện. Cũng có người vì sợ mà bỏ chạy nhưng đa số đều là vô cảm, muốn rũ bỏ nhiệm trước hành vi vi phạm của bản thân. Đồng tình với quan điểm này, Trung tá Nguyễn Hồng Thái - Đội trưởng Đội CSGT số 4 cũng cho biết, trong hàng chục năm làm công tác khám nghiệm, điều tra TNGT, có rất nhiều nạn nhân bị thiệt mạng cũng chỉ vì được đưa vào bệnh viện cấp cứu muộn. Chứng kiến những vụ việc như vậy, CSGT không khỏi xót xa, bức xúc. “Người gây tai nạn nếu ở lại hiện trường gọi cấp cứu hoặc chí ít là sử dụng biện pháp sơ cứu kịp thời thì có thể đã cứu sống những người bị nạn. Hành vi bỏ trốn không những cướp đi sinh mạng của người bị nạn mà còn khiến cơ quan chức năng mất rất nhiều thời gian, công sức điều tra, truy tìm” - Trung tá Thái nhận định. 

Cũng theo Thượng tá Trần Sơn, tình trạng người gây TNGT rồi bỏ trốn ngoài thái độ thờ ơ, coi thường pháp luật còn là chế tài xử lý đối với những hành vi này hiện nay khá nhẹ. Dù tại điểm C, khoản 2, điều 202 Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan quy định: Người gây tai nạn nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Tuy nhiên, thực tế việc ràng buộc trách nhiệm của người vi phạm kể cả khi bị phát hiện, đưa ra tòa xét xử, chi tiết bỏ chạy này thường không ảnh hưởng nhiều đến khung hình phạt chung, điều đó đã không có tác dụng răn đe, cưỡng chế.