Cả tin, sập bẫy “siêu lừa”

(ANTĐ) - Tình cờ gặp gỡ và biết nữ giám đốc doanh nghiệp đang có nhu cầu “chạy” thủ tục chuyển đổi đất, Mai Sỹ Minh (SN 1954, trú ở số 10/12 ngõ 80, phố Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội) đã tự xưng là cán bộ công an được biệt phái sang Lào để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. 

Cả tin, sập bẫy “siêu lừa”

(ANTĐ) - Tình cờ gặp gỡ và biết nữ giám đốc doanh nghiệp đang có nhu cầu “chạy” thủ tục chuyển đổi đất, Mai Sỹ Minh (SN 1954, trú ở số 10/12 ngõ 80, phố Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội) đã tự xưng là cán bộ công an được biệt phái sang Lào để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. 

Mai Sỹ Minh tại phiên tòa ngày 4-5
Mai Sỹ Minh tại phiên tòa ngày 4-5

Nạn nhân của “siêu lừa” này là Đào Thị Mai, nữ giám đốc một công ty cổ phần sản xuất và thương mại ở Thanh Trì, Hà Nội. Cuối năm 2009, trên đường công tác từ Lào về Việt Nam, bà Mai tình cờ gặp Mai Sỹ Minh tại một quán cơm ở nước bạn. Qua trò chuyện, Minh biết nữ doanh nhân này có nhu cầu giải quyết một số việc liên quan đến đất đai và trong sản xuất kinh doanh nên đã tự xưng là cán bộ công an cao cấp đang được biệt phái sang Lào, có thể giúp bà Mai hóa giải mọi khó khăn. Hai bên trao đổi số điện thoại và hẹn khi nào về nước sẽ liên hệ trao đổi cụ thể.

Khoảng nửa tháng sau, Mai Sỹ Minh chủ động gọi điện cho bà Mai, hẹn gặp ở một quán cà phê trên phố Chùa Bộc. Tại đây, một lần nữa đối tượng tự nhận mình là đại tá công an, chuyên thực thi nhiệm vụ bắt tội phạm bị truy nã quốc tế và có mối quan hệ thân tình với một số lãnh đạo thành phố, khiến bà Mai càng thêm tin tưởng. Bà Mai lần lượt cậy nhờ Minh 3 việc là xin giấy phép chứng nhận bảo vệ môi trường cho nhà xưởng luyện thép ở Hải Phòng; can thiệp để được xây dựng công trình trên mảnh đất ở phố Nguyễn Đức Cảnh và làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng thửa đất tại xã Triều Khúc, Thanh Trì. Tất cả những việc này, Minh đều gật đầu đồng ý và hứa hẹn chỉ trong một thời gian ngắn sẽ giúp được bà Mai hoàn thành ý nguyện. Sau đó, Minh yêu cầu bà Mai đưa 10 triệu đồng để lo việc xây dựng nhà xưởng trước. Khi nhận khoản tiền này, Minh quả quyết, việc xin giấy phép môi trường cũng đã nhờ được người giúp nên cần ngay 20 triệu đồng để “lo lót”. Theo yêu cầu của đối tượng, bà Mai phải tiếp tục đưa cho Minh 200 triệu đồng nữa thì mới “giải quyết” được việc chuyển đổi đất ở Triều Khúc.

Trong khi chờ đợi được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, đồng thời theo đề nghị của Minh, bà Mai tổ chức xây dựng trên mảnh đất ở Triều Khúc thì bị chính quyền địa phương cưỡng chế. Để tạo “uy” với bị hại, Minh còn tìm gặp lãnh đạo xã này, tự xưng là cán bộ Thanh tra thành phố và đề nghị chính quyền địa phương “tạo điều kiện” cho bà Mai. Đầu tháng 11-2009, Mai Sỹ Minh tiếp tục đến gặp vay tiền và nhờ pháp nhân của bà Mai đứng tên mua giúp chiếc xe ô tô theo hình thức trả góp, trị giá hơn 500 triệu đồng… Với thủ đoạn hứa hẹn giúp đỡ, từ ngày 2-10 đến  3-11-2009, Mai Sỹ Minh đã lừa đảo, chiếm đoạt của bà Đào Thị Mai tổng giá trị tài sản hơn 930 triệu đồng, trong đó có 440 triệu đồng tiền mặt.                    

Với hành vi trên, Mai Sỹ Minh bị VKSND TP Hà Nội truy tố ra trước tòa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 4-5, Mai Sỹ Minh đã thừa nhận hành vi mạo danh cán bộ công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Đào Thị Mai. Tuy nhiên, bị cáo lại tỏ rõ sự quanh co trong việc hoàn trả một phần số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại.

Cụ thể, bị cáo trình bày đã trả cho bà Mai 194 triệu đồng khi đưa ra tờ giấy biên nhận trong quá trình điều tra. Tuy đây là giấy nhận tiền của bà Mai, nhưng thực chất đối tượng chưa hề trả lại bị hại một đồng nào. Tấm giấy biên nhận này là do đối tượng bảo bà Mai viết và ký tên trước, sau đó sẽ trả tiền nhưng không trả. Luật sư bảo vệ quyền lợi của bị cáo cho rằng, việc VKS truy tố Mai Sỹ Minh theo khoản 4 của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không thỏa đáng. Bởi trong tổng số tiền hơn 930 triệu đồng nêu trên, bị cáo thực chất chỉ lừa đảo 440 triệu đồng, còn hơn 500 triệu đồng mua ô tô trả góp là do bị cáo vay mượn và nhờ tư cách pháp nhân của công ty bà Mai đứng tên giúp.

Trước khi bị bắt giữ, bị cáo đã bỏ ra 43 triệu đồng trả nợ ngân hàng. Đặc biệt trước khi mua xe ô tô, giữa công ty của bà Mai và bị cáo đã có văn bản thỏa thuận với nội dung việc trả nợ hàng tháng do Minh tự chịu trách nhiệm trước ngân hàng. Tranh luận về vấn đề này, đại diện VKS khẳng định, trước khi đưa ra văn bản thỏa thuận giữa bị cáo và công ty của bà Mai, bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi lừa đảo của mình. Vì vậy, lời khai của bị cáo và chứng cứ luật sư đưa ra “đá” nhau.

Trước đó, trong phần xét hỏi, HĐXX cũng đã làm rõ để bị hại tin tưởng giao tiền và cho mượn tên pháp nhân mua ô tô, Mai Sỹ Minh “vẽ ra” đang có trong tay 600 tấn sắt, trị giá 260 triệu đồng làm vật hoán đổi vào số tiền tương ứng mà bà Mai cho mượn. Từ đó, HĐXX nhận định hành vi này thể hiện rõ sự gian dối trong cả quá trình lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo. Do đó, sau khi xem xét các tình tiết liên quan, TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt Mai Sỹ Minh 9 năm tù giam về tội lừa đảo.

* (Tên người bị hại đã được thay đổi)

Trịnh Tuyến