Xót xa rau, quả đổ cho gia súc

ANTĐ - Rau để chết khô tại ruộng, dưa hấu và cà chua thu hoạch cho trâu, bò ăn… là thực trạng đang diễn ra tại các tỉnh miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long. Thật xót, đau lòng nhìn công sức của người nông dân đổ xuống sông, xuống biển. 

Nông dân Đà Lạt đổ bỏ rau quả cho bò ăn

Rau bỏ cháy, đổ xuống sông

Những tháng đầu năm 2014, bà con ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ biết buồn bã bên những ruộng rau xanh tốt nhưng phải bỏ chết ở đồng vì giá bán dưới giá thành sản xuất. Tiền bán rau không đủ trả công người thu hái.

Tại An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… giá bắp cải xuống rất thấp, người nông dân lâm vào cảnh khốn đốn. Giá bắp cải thu mua tại ruộng chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg, nông dân các huyện Châu Thành (An Giang), huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) và huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) phải bỏ ruộng bắp cải quá ngày, chết cháy, đổ bỏ xuống sông hay thu về cho gia súc. Anh Út Năm ở xã Tân Bình, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) cho biết, mỗi công bắp cải (1.000m2) bị lỗ 2 triệu đồng. Giá bán bắp cải tại ruộng chỉ 1.000 đồng/kg nhưng không có người mua nên nhiều người bỏ khô tại rẫy. “Tiền bán bắp cải không đủ tiền thuê nhân công thu hái, nên đành bỏ chết tại ruộng”, anh Út Năm chia sẻ.

Cùng chung cảnh ngộ, bà con ở vựa rau Lâm Đồng cũng đang phải đổ bỏ cà chua cho bò ăn. Theo tính toán, trung bình mỗi hộ dân tại đây trồng khoảng 3.000m2 cà chua, chi phí sau 3 tháng chăm sóc khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay giá bán cà chua chỉ được 500 đồng/kg, trong khi hàng năm giá từ 5.000-6.000 đồng/kg. Để thuê nhân công thu hái mất 300.000 đồng/ngày/công lao động, trong khi đó, thương lái không vào thu gom hàng để chuyển ra Bắc tiêu thụ vì các tỉnh ngoài đó năm nay cũng tự cung ứng. 

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng xác nhận,  hơn 1.000 ha rau tại Đà Lạt và những vùng nông nghiệp trọng điểm như Đơn Dương, Đức Trọng... đang rớt giá thê thảm. Tại xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng), nhiều nông dân chuyên trồng rau củ đành mang cà rốt, cà chua, xà lách, cải thảo, su su... làm thức ăn cho bò. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, cho rằng 1.000ha nông sản “gặp nạn” là con số nhỏ so với gần 40.000ha rau toàn tỉnh Lâm Đồng đang gieo trồng.

Khóc ròng vì dưa hấu bội thu 

Trâu bò ăn nhiều dưa bị tiêu chảy

Anh Huỳnh Ân, ở xã Hiệp Thạnh bày tỏ, nông dân chỉ biết theo thói quen, cứ một 1 vụ rau và 1 vụ cà chua đan xen. Họ cũng không biết trồng cây gì để cho thu hoạch tốt hơn. Không chỉ gia đình anh Huỳnh Ân mà hầu hết nông dân tại Lâm Đồng cũng đành phó mặc cho thị trường được giá thì thu lãi, mất giá thì đổ bỏ, chịu lỗ do không thể biết trước được: sản xuất loại rau nào, sản xuất bao nhiêu để không bị ế hàng khi đưa ra thị trường. Thông tin dự báo thị trường của những cơ quan quản lý lại gần như không có. Trong khi đó, tại Lâm Đồng, diện tích rau xanh có tham gia vào chuỗi liên kết cung ứng hàng hóa chỉ chiếm khoảng 10% phần diện tích, chủ yếu là qua các công ty, hợp tác xã. Vì vậy, những nhà vườn nằm ngoài chuỗi liên kết vẫn phải chịu sự rủi ro từ thị trường.

Câu chuyện về tình trạng dưa hấu gặp “nạn”, ách tắc kéo dài ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có lời giải. Theo dự đoán, tình trạng ách tắc tại đây sẽ còn kéo dài đến giữa tháng 4. Dưa hấu xuất khẩu ách tắc, thương lái ngừng mua tại ruộng khiến nông dân không biết làm gì với dưa đã chín trên ruộng. 

Vụ dưa năm nay bà con nông dân ở các xã khu Tây, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi trồng khoảng 200ha, năng suất đến 40 tấn mỗi ha. Dưa đã chín đỏ trên đồng nhưng người trồng mới chỉ thu hoạch khoảng 120ha, số còn lại bị ùn ứ vì thương lái ngừng thu mua đột ngột hoặc mua với giá rẻ 1.000 đồng/kg. Chưa bao giờ người dân địa phương trồng dưa hấu bội thu như năm nay thế nhưng thu hoạch về chất đầy sân nhà mà không thể bán được. Dưa hấu bán không được, bà con nông dân đành bỏ cho trâu, bò ăn. “Những ngày qua, nhiều hộ dân đổ dưa cho trâu, bò và lợn ăn nhiều không kể xiết. Dưa đã bán không được, giờ đây gia súc ăn dưa hấu nhiều quá mắc bệnh tiêu chảy lại còn tốn kém thêm tiền thuốc thú y”, một nông dân ở xã Tịnh Trà chua xót cho hay. 

Nông dân sản xuất theo truyền thống, theo thói quen và tâm lý làng xã mà không có sự hoạch định tính toán nhu cầu thị trường. Điệp khúc được mùa rớt giá, thua lỗ cứ lặp đi lặp lại nhưng không có ngành chức năng nào vào cuộc để tìm lối thoát hợp lý, giảm bớt thiệt hại cho nông dân. Câu chuyện về sản xuất và thị trường một lần nữa được đề cập nhưng xem ra vẫn chỉ là vấn đề của người sản xuất. 

(Còn tiếp)