Xã hội hóa y tế: Tỷ lệ ăn chia tác động đến giá

ANTĐ - Việc liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế xã hội hóa trong các bệnh viện công của Hà Nội đang được triển khai như thế nào, hiệu quả ra sao, có xảy ra lạm dụng hay không... đó là một loạt vấn đề mà các đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội đã đặt ra khi tiến hành giám sát tại các BV Xanh Pôn, BV Đa khoa Vân Đình và BV Mắt Hà Nội, ngày 17-4.

Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội giám sát nơi đặt máy xã hội hoá tại BV Xanh Pôn

Hiệu quả còn hạn chế

Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, nhờ các đề án xã hội hóa mà chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện đã được nâng cao, giúp người dân được thụ hưởng những dịch vụ kỹ thuật cao đồng thời cũng nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, quản lý của cán bộ y bác sĩ trong bệnh viện. Tuy nhiên, việc phát triển, mở rộng các đề án xã hội hóa mới hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế cả 7 đề án xã hội hóa của bệnh viện đều được triển khai từ trước năm 2009, còn từ 2009 đến nay bệnh viện chưa phát triển thêm đề án nào...

Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, đến nay thậm chí mới chỉ huy động được duy nhất 1 đề án xã hội hóa trong lĩnh vực phẫu thuật lasik điều trị tật khúc xạ với tổng trị giá đề án là 11 tỷ đồng. Đáng chú ý, đề án xã hội hóa này dự kiến trong 5 năm liên doanh liên kết (2007-2012) sẽ phẫu thuật được 5.000 bệnh nhân, tuy vậy số phẫu thuật được trong khoảng thời gian này chỉ đạt 993 ca. Cũng vì thế, hiệu quả kinh tế đạt được rất thấp và 2 bên đã phải đi đến thống nhất dừng hợp tác liên doanh, liên kết trước thời hạn.

Không dễ kiểm soát

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban pháp chế - HĐND TP Hà Nội đặt vấn đề, tại sao cùng là xã hội hóa nhưng tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa bệnh viện và đối tác lại khác nhau, nơi thì 60-40, nơi thì 70-30, nơi 50-50. Tỷ lệ ăn chia khác nhau chắc chắn sẽ tác động đến việc xây dựng giá dịch vụ và khi giá dịch vụ bị đẩy cao thì đương nhiên người bệnh phải chịu thiệt. 

Thực tế, theo báo cáo của Bệnh viện Xanh Pôn thì quá trình xây dựng giá dịch vụ với các thiết bị xã hội hóa chỉ có sự tham gia của bệnh viện và đối tác đầu tư, trên cơ sở tham khảo giá của các bệnh viện khác chứ không có sự tham khảo người bệnh. Ngoài ra, việc Bệnh viện Xanh Pôn áp dụng mô hình huy động vốn từ chính cán bộ nhân viên các khoa để mua sắm trang thiết bị y tế làm dịch vụ, theo các đại biểu HĐND, hình thức xã hội hóa này cũng dễ tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng.

Tương tự, tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, khi cho công ty Minh Tuệ đặt máy móc xã hội hóa, phía bệnh viện không thành lập Ban thẩm định giá máy móc liên doanh liên kết hay tham gia vào xây dựng giá dịch vụ. Bà Vũ Thị Thanh, Giám đốc bệnh viện lý giải nguyên nhân của việc này là do bệnh viện không góp vốn với nhà đầu tư. Tuy nhiên, các đại biểu trong đoàn giám sát của HĐND đã chỉ ra, việc bệnh viện cấp đất, cơ sở hạ tầng và nhân lực cho đối tác bên ngoài vào đặt máy xã hội hóa cũng chính là góp vốn. Đây là các tài sản của Nhà nước và nếu bệnh viện không tính đúng, tính đủ vào trong quá trình liên doanh, liên kết, để mặc đối tác liên kết thẩm định giá thiết bị xã hội hóa, xây dựng giá dịch vụ có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng, đẩy giá dịch vụ lên khiến người bệnh chịu thiệt cũng như bệnh viện phải thiệt thòi trong đàm phán tỷ lệ ăn chia. 

Quyền lợi người bệnh là cao nhất

Qua giám sát tại Bệnh viện Xanh Pôn, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn giám sát số 2 cho rằng, để huy động được doanh nghiệp tham gia xã hội hóa thì bệnh viện phải quan tâm đảm bảo được lợi ích của người góp vốn. Tuy nhiên, không vì thế mà chỉ xã hội hóa các lĩnh vực dễ thu lợi nhuận, trong khi các lĩnh vực thực sự cấp thiết, bệnh viện đang gặp khó khăn bị coi nhẹ. Việc tổ chức xã hội hóa phải công khai, minh bạch, có kế hoạch và chiến lược dài hạn.

Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh, Trưởng đoàn giám sát số 1 thẳng thắn chỉ ra, một số bệnh viện và cả Sở Y tế nhận thức về chủ trương xã hội hóa chưa đầy đủ, chưa thống nhất. Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh, chủ trương xã hội hóa y tế là đúng nhưng khi tiến hành xã hội hóa các bệnh viện không được quá chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên nhiệm vụ của mình là chăm sóc, phục vụ người bệnh. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất.