Vỉa hè chia năm, xẻ bảy

ANTĐ - Kết quả thanh tra, kiểm tra việc sử dụng và quản lý lòng đường vỉa hè ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM của Thanh tra Bộ GTVT cho thấy, còn nhiều sai phạm, đặc biệt trong công tác quản lý. Hệ thống văn bản thiếu nhất quán đã dẫn đến những kẽ hở trong công tác quản lý sử dụng lòng đường vỉa hè.

Lỏng lẻo vì quản lý chồng chéo

Chưa xử lý triệt để vỉa hè bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích

“Tuy nhiên sai phạm nhiều nhất trong lĩnh vực này vẫn là sử dụng quá diện tích, lấn chiếm lòng đường hè phố và thu quá giá quy định”, ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT cho biết.

Cụ thể, có trường hợp các Sở ban hành một cách vội vã nhiều văn bản quy định về sử dụng lòng đường, hè phố dẫn đến chồng chéo, khiến các đơn vị cơ sở lúng túng, hiểu sai mục đích, buông lỏng quản lý… Cả hai thành phố đều quan tâm và mất nhiều công sức trong việc quản lý lòng đường, vỉa hè, song kết quả chưa được như mong muốn. Ông Sỹ phân tích nguyên nhân: “Vì bất cập về hệ thống văn bản. Ví dụ như việc phân chia chức năng nhiệm vụ cho các Sở, hai thành phố đều chưa rõ ràng, cụ thể, thậm chí còn chồng chéo”. Hay trên cùng một tuyến đường, có lúc thì cho phép, sau lại cấm, sau đó ít lâu lại cho phép trông giữ… sự thay đổi liên tục này đã khiến cho thói quen sử dụng lòng đường hè phố không thành nếp. 

Sự chồng chéo còn biểu hiện ở việc có tuyến đường thì giao cho Sở Xây dựng quản lý lòng đường, có tuyến lại giao cho Sở GTVT quản lý cả đường, cả hè phố. Ông Sỹ lấy dẫn chứng, như tại Hà Nội, trước năm 2008 giao cho Sở GTVT cấp toàn bộ giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè, cả duy tu bảo dưỡng. Sau năm 2008, thành phố giao cho Sở quản lý đường, còn quận quản lý hè và cấp phép trên hè. Đến cuối 2011 đầu 2012, thành phố lại giao cho Sở GTVT quản lý tổng thể lòng đường, vỉa hè những tuyến đường trọng điểm, tuyến đường có nguy cơ ùn tắc cao. Một hè đường phố nhiêu cơ quan quản lý, nhiều cơ quan được phép cấp phép thì khó có thể đi vào nền nếp, quy củ được.

Nhiều lực lượng chưa vào cuộc

Ngoài ra, qua đợt thanh kiểm tra cũng chỉ ra, quá ít tòa nhà cao  tầng có điểm đỗ xe, mặc dù, trong quy hoạch và cấp phép xây dựng có yêu cầu rõ ràng, các nhà cao tầng chỉ cấp phép khi có điểm đỗ xe. Theo ông Sỹ, trong thiết kế xây dựng có bố trí đầy đủ các điểm đỗ xe nhưng quá trình thi công, quá trình sử dụng các chủ sở hữu đã cố tình thay đổi. Cần làm nghiêm túc ngay từ khi phê duyệt dự án và có kiểm tra giám sát cũng như có chế tài hợp lý. Theo ông này, các thành phố cần kiên quyết trả quỹ đất cho điểm đỗ theo đúng quy hoạch để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điểm đỗ.

Bên cạnh đó, công tác xử lý vi phạm lòng đường, hè phố được giao cho UBND các cấp, Cảnh sát, Thanh tra Giao thông và Thanh tra Xây dựng. Tuy nhiên, tại Hà Nội, vi phạm lòng lề đường chủ yếu do Thanh tra và Cảnh sát xử lý trong khi lực lượng Thanh tra Xây dựng gần như án binh bất động. UBND các quận, huyện, phường thì không có lực lượng tham mưu chuyên thiết lập hồ sơ tuần tra kiểm soát vi phạm nên chưa xử lý được trường hợp vi phạm nào. Ông Sỹ cho rằng, để quản lý vỉa hè, lòng đường chặt chẽ hơn cần xây dựng hệ thống văn bản của tất cả các cơ quan để hợp nhất và tính toán cụ thể cũng như sửa đổi các Nghị định, Thông tư không còn phù hợp với thời điểm này.