Tự ý chữa bệnh tay chân miệng có thể gây ngộ độc cấp

ANTĐ - Thời gian gần đây, nhiều lương y, chuyên gia, nhà khoa học đã chủ động hiến bài thuốc và phương thuốc phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM) nhằm góp phần kiểm soát dịch. Tuy vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên tự ý điều trị bệnh này tại nhà.

Cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc chì do sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc


Thuốc nam không hẳn an toàn

Tính đến thời điểm này, dịch TCM đã lan rộng tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước với hơn 90.000 ca mắc được ghi nhận, trong đó có 153 ca tử vong. Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, một trong những lý do khiến số tử vong vẫn tăng lên là do nhận thức, kiến thức về cách phòng chống, điều trị bệnh của nhân dân cũng như ở các đơn vị tuyến dưới còn hạn chế. Có đến 50% ca bệnh TCM từ tuyến dưới chuyển lên tuyến trên không an toàn, 33% bệnh nhân vào viện muộn trong tình trạng nặng do đã tự ý điều trị bằng nhiều cách, thậm chí có đến 14,6% ca TCM bị chẩn đoán nhầm với bệnh khác.

Theo tìm hiểu, do TCM là bệnh chưa có vaccine phòng chống, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên rất nhiều bệnh nhân khi có biểu hiện mắc bệnh đã đi tìm cách chữa bệnh bằng thuốc nam, bằng y học cổ truyền. Trong khi đó, không ít “lang băm” đã lợi dụng tình trạng này để lừa bịp bệnh nhân, bán thuốc lấy tiền mà không quan tâm đến hậu quả có thể gây ra. Thực tế tại BV Nhi Trung ương, khoa Nhi, Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai thời gian qua cũng đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân TCM vào điều trị do tự ý điều trị tại nhà dẫn đến ngộ độc cấp.

TS.BS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai cho biết, có những trường hợp bệnh nhân TCM khi nhập viện, được bác sĩ giải thích rằng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ theo dõi, điều trị triệu chứng thì tỏ ra thất vọng và quyết định xin về để điều trị bằng thuốc nam, đông y. Phổ biến nhất là sử dụng các loại thuốc nam dạng bột, viên để bôi lên miệng, vòm lưỡi nhằm chữa triệu chứng loét miệng. Trong khi đó, các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc, được chế biến không an toàn có thể nhiễm kim loại (đặc biệt là nhiễm chì) và nếu sử dụng để bôi lên miệng, lưỡi nguy cơ gây ngộ độc cấp rất cao.

Bác bỏ liệu pháp ozon

Cũng trong thời gian gần đây, dư luận hết sức quan tâm đến phương pháp điều trị TCM của Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải. Biện pháp của ông Khải là dùng anolyte (nước ozon, tạo ra từ quá trình điện phân muối) để vệ sinh nơi ở, quần áo, tắm rửa cho trẻ, súc miệng hoặc uống, kết hợp với dùng nước chanh tươi, vitamin B1. Công thức cụ thể gồm: 3 nước máy + 1 nước sôi + 1 anolyte (anolyte - tức là nước ozon, pha lần đầu là 50%, lần sau là 30% và lần cuối cùng là 20%). Sau khi pha xong thì ngâm chân và tay của trẻ vào chậu nước đó từ 5-15 phút; dùng khăn bông sạch thấm loại nước này đắp lên vùng mụn trên lưng cho trẻ, các khu vực khác thì tắm bằng chính loại nước này; lấy bông ngoáy tai chấm vào anolyte nguyên chất rồi chấm vào các nốt trong mồm và ngoáy mũi cho trẻ; trước mỗi bữa ăn thì cho trẻ súc miệng bằng 10cm3 dung dịch này, ngụm thứ 2 thì uống.

Có thể nói, việc một nhà khoa học như TS. Khải “hiến” phương pháp điều trị TCM hiệu quả và ít tốn kém là điều hết sức đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, vấn đề là liệu pháp điều trị này chưa có luận chứng khoa học. Sau khi nghiên cứu và tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn, Bộ Y tế cũng vừa lên tiếng khẳng định phương pháp điều trị này không được chấp nhận bởi nước ozon chỉ có thể chữa được vết loét ngoài da, hoặc mang tính khử khuẩn dự phòng chứ không có tác dụng điều trị.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến thời điểm này, TCM vẫn chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Ngành y tế khuyến khích các nghiên cứu nhưng để đem một loại thuốc nào đó ra sử dụng trên cơ thể con người thì phải trải qua rất nhiều thử nghiệm và phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.