Trách nhiệm với những tin đồn trên các trang mạng

ANTĐ - Tin đồn là những thông tin nhiều người quan tâm được truyền miệng cho nhau một cách không chính thức, chưa nắm rõ nguồn gốc, chưa được bảo đảm về tính chính xác. Sinh hoạt xã hội với sự phức tạp của các mối quan hệ, nhu cầu nắm bắt thông tin và cả trạng thái tâm lý ít nhiều có tính hiếu kỳ, đã làm cho tin đồn trở thành loại hiện tượng bình thường, khó có thể loại bỏ nó khỏi đời sống xã hội. 

Ngày nay, để tin đồn phổ biến một cách nhanh chóng, dễ tác động nhất không có gì dễ dàng và tiện lợi bằng internet với các diễn đàn, blog, facebook... Ðơn cử như vụ Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Anh vừa đăng quang đã bị cho là “mua giải với giá 1,5 tỷ đồng và có quan hệ với cậu con trai chưa đầy 16 tuổi của bà Kim Hồng - Phó Ban Tổ chức cuộc thi”! Nhiều tờ báo mạng đã vào cuộc, thổi phồng sự việc, liên tiếp tung các thông tin kiểu “nghi án hoa hậu mua giải” mặc dù vẫn chưa biết rõ là thực - hư ra sao, khiến thông tin bị nhiễu loạn. Hậu quả là, Ban Tổ chức cuộc thi rối loạn, nhân vật chính là tân Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Anh phải vào viện cấp cứu do quá sốc với tin đồn. Cuối cùng, vụ việc được làm sáng tỏ khi một thí sinh tham dự cuộc thi thừa nhận sự việc trên hoàn toàn chỉ là tin đồn sai sự thật xuất phát từ một câu nói tình cờ của thí sinh này. Rồi cách đây không lâu là tin đồn về “trứng gà giả” thậm chí có nhiều tin đồn ác ý, liên quan đến tính mạng con người như: tin đồn một MC nổi tiếng bị ung thư phải điều trị tại Singapore đã qua đời, tin đồn về một nhà báo nổi tiếng bị tai nạn... đã được đăng trên một vài trang mạng.

 Nặng nề hơn, có tin đồn được mạng xã hội “tiếp tay” khiến nạn nhân mang nhiều tai tiếng, đau đớn, như thông tin về chủ một tiệm thuốc tây có quan hệ với một học sinh ở Quảng Ngãi. Thông tin này về sau được cơ quan công an xác minh không có thật, nhưng hậu quả để lại cho chủ hiệu thuốc và cả gia đình họ thì vô cùng to lớn.

Có thể nói truyền thông thường đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, xử lý tin đồn, bởi truyền thông có thể chỉnh sửa lại các thông tin sai lệch và công bố các thông tin có cơ sở xác thực, đáng tin cậy. Tuy nhiên, thời gian gần đây tại Việt Nam, nguyên tắc lành mạnh cả về nghiệp vụ và đạo đức này dường như lại đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Một bộ phận truyền thông đang làm ngược lại vai trò của mình vì không những đã sử dụng tin đồn như một thông tin chính thức, mà còn góp phần lan tỏa tin đồn khi chưa được kiểm chứng, xác minh. Đã đến lúc các cơ quan báo chí, những cá nhân tham gia hoạt động trên internet phải có trách nhiệm “xử lý” tin đồn trước khi đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. 

Những tin đồn hiện nay lan tỏa trên các mạng xã hội rất nguy hiểm bởi nó có thể xô đẩy lòng tin chính trị, mà đây là bản lĩnh cơ bản của mỗi người công dân. Vì thế, với mỗi nhà báo việc chọn lựa sử dụng nguồn tin như thế nào là rất quan trọng, đòi hỏi bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng - bản lĩnh này được tích lũy qua các trải nghiệm xã hội.