Thuê bao truyền hình cáp vi phạm: Đối mặt hệ lụy pháp lý

ANTĐ - Dịch vụ truyền hình trả tiền hay truyền hình cáp vốn rất quen thuộc với các hộ gia đình. Việc sử dụng dịch vụ không tuân thủ giao kết hợp đồng giữa thuê bao và nhà cung cấp cũng xảy ra không ít.

Thuê bao truyền hình cáp vi phạm: Đối mặt hệ lụy pháp lý ảnh 1

Sử dụng truyền hình trả tiền phải tuân thủ theo luật

Hiện nay, số lượng các hộ gia đình đăng ký sử dụng dịch vụ truyền hình cáp của Truyền hình Cáp Việt Nam ngày một tăng nhanh. Mặc dù vậy, việc các thuê bao sử dụng dịch vụ theo đúng giao kết hợp đồng với nhà cung cấp thì còn nhiều điều phải bàn. Từ năm 2011 đến nay, Truyền hình Cáp Việt Nam đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra về việc sử dụng tín hiệu truyền hình cáp của khách hàng trên địa bàn Hà Nội. Kết quả của các đợt kiểm tra này cho thấy, đa phần, các thuê bao là hộ gia đình còn chưa chấp hành nghiêm các quy định của “Hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ truyền hình cáp” đã ký kết với Truyền hình Cáp Việt Nam. Cụ thể là khách hàng chỉ đăng ký trả phí dịch vụ thuê bao cho 01 tivi nhưng trên thực tế nhu cầu sử dụng thường từ 02 đến 03 tivi trở lên. Do vậy, khách hàng đã tự ý chia tách tín hiệu cho các tivi tiếp theo mà không thông báo cho đơn vị cung cấp dịch vụ, không kể tới việc “vô tư” chia tín hiệu cho hàng xóm cùng xem.

Thuê bao truyền hình cáp vi phạm: Đối mặt hệ lụy pháp lý ảnh 2

Khách hàng cam kết với đoàn thanh tra không sử dụng truyền hình cáp trái phép

Có lẽ khi làm những việc trên, các khách hàng đã không chịu bỏ chút thời gian để  xem lại mình đã ký hợp đồng pháp lý như thế nào với đơn vị cung cấp, nên việc vi phạm là rất phổ biến. Thực tế, trong hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ của Truyền hình Cáp Việt Nam đã quy định rất rõ: các thuê bao “Không được tự ý lắp đặt thêm tivi vào hệ thống, thông báo ngay cho bên B (THCVN) khi có nhu cầu tăng số tivi sử dụng lên.”

Vậy khi các thuê bao vi phạm giao kết hợp đồng với THCVN thì sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật. Theo “ Quy chế về quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền của Chính phủ ban hành ngày 24/3/2011, quy định rõ quyền và trách nhiệm của người sử dụng hợp đồng, quyền và trách nhiệm đó được thể hiện rõ trong hợp đồng kinh tế. Đây là quan hệ dân sự, vì vậy việc xử lý vi phạm sẽ căn cứ vào khiếu nại của các bên, tùy thuộc vào cam kết trong hợp đồng nếu như việc vi phạm đó dẫn đến những hậu quả như thế nào thì người cung cấp dịch vụ có thể yêu cầu thuê bao bồi thường thiệt hại do họ gây ra, hoặc ngừng cung cấp dịch vụ, trường hợp hai bên không thống nhất được với nhau thì bên bị hại có quyền khiếu kiện ra tòa...”. Ông Lưu Vũ Hải - Cục trưởng Cục quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đã cho biết.

Với mục đích đảm bảo quyền lợi cho các thuê bao hợp pháp, Truyền hình Cáp Việt Nam sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp khách hàng vi phạm hợp đồng đã ký kết. Do vậy, khi các thuê bao có nhu cầu tăng số tivi sử dụng lên thì phải thông báo cho đơn vị cung cấp dịch, các kỹ thuật viên sẽ lắp đặt thiết bị đúng tiêu chuẩn kỹ thuật cho mỗi sợi cáp dẫn tín hiệu của từng tivi.

Một sợi dây cáp nhỏ khi được thiết kế đúng tiêu chuẩn không những có thể truyền dẫn hàng chục kênh trong nước và quốc tế mà còn đem đến cho người sử dụng nhiều giá trị tiện ích khác như kết nối internet, truyền dẫn hàng trăm kênh truyền hình số SD, HD…   Ngược lại, cáp lậu và việc sử dụng trái phép truyền hình cáp sẽ mang lại những hệ lụy pháp lý đối với những hộ gia đình, cá nhân vi phạm.