“Thịt thú rừng” vẫn lủng lẳng ở chùa Hương

ANTĐ - Những món ăn được quảng cáo chế biến từ “thịt thú rừng” luôn là đặc sản quý - hiếm - đắt tiền chỉ có ở chùa Hương - tâm lý đó hình thành ở cả người mua, kẻ bán khiến nỗ lực dẹp vi phạm này của lực lượng công an chỉ như “ném đá ao bèo”. Khi mà nhiều người còn coi đây là “đặc sản” thì Ban tổ chức, cả chính quyền địa phương khó có thể “toàn tâm toàn ý” dẹp bỏ, vì ảnh hưởng đến nguồn thu.

Nỗ lực tuyên truyền của lực lượng công an không “xóa” hết  hình ảnh phản cảm này

“Nằm vùng” để dẹp thịt thú rừng

Phản ánh tình trạng giết mổ, treo móc thịt thú, thịt thú rừng giả các loại ở chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) luôn là một đề tài “hâm nóng” các trang báo số ra ngày đầu năm. Cảnh tượng sát sinh diễn ra trong khu di tích nổi tiếng này dường đã quá quen thuộc, “đập” vào mắt du khách đến trẩy hội suốt những năm qua, ít nhiều khiến họ coi đây là một “đặc sản” cần thử, cần “thụ lộc” nơi đất Phật. Vài ba năm trước, dân chùa Hương “mốt” bán các con vật như: cầy hương, sóc rừng (thực chất là thịt chó, mèo được rút xương, kéo mõm, “thẩm mỹ” tay chân mà ra); thì gần đây là hươu, nhím, đà điểu - động vật nuôi nhốt, sinh sản công nghiệp.

Trước tình trạng bày bán thịt thú, thịt thú rừng giả vi phạm các quy định về VSATTP, gây phản cảm ở chùa Hương, nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành liên quan tập trung giải quyết. Dẹp bỏ tình trạng treo móc thịt thú ở chùa Hương do vậy luôn là một nhiệm vụ được Giám đốc CATP đặc biệt quan tâm, đặt ra với công an các đơn vị, địa phương mà đặc biệt là Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường lâu nay. Năm 2013, trong số 73 CBCS Công an Hà Nội được điều động, tăng cường vào CAH Mỹ Đức làm nhiệm vụ giữ gìn, đảm bảo ANTT lễ hội lớn và dài nhất trong năm, Cảnh sát PCTP về môi trường có 26 CBCS, với 3 “mảng” việc chính: phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thú y, Chi Cục QLTT, chính quyền và công an địa phương… xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường; VSATTP; kiểm tra, xử lý tình trạng treo móc, bày bán thịt thú các loại. Để đảm bảo hiệu quả, chất lượng công việc, Cảnh sát PCTP về môi trường được lệnh có mặt ở chùa Hương từ 13-2 (tức mùng 4 Tết) và “cấm trại” cho đến hết ngày 30-4 (nghĩa là không sáng đi, tối về; không được đảo quân) để đảm bảo việc nắm tình hình, tuyên truyền, kiểm tra, xử lý luôn đều đặn.

Cảnh giết mổ, xẻ thịt thú vẫn xuất hiện tại chùa Hương

Người làm, kẻ chơi

Trao đổi với PV ANTĐ trước ngày khai hội, Thượng tá Nguyễn Thành Long - Phó trưởng CAH Mỹ Đức khẳng định: Nhờ tích cực tuyên truyền tới các hội kinh doanh và du khách trẩy hội, tình trạng treo móc, bán thịt thú ở chùa Hương đang giảm dần theo từng năm, song vẫn tồn tại. Để đảm bảo ANTT khu vực lễ hội, cảnh quan môi trường, “tẩy” những hình ảnh phản cảm trên, CAH đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Mỹ Đức không bố trí các hộ cá thể kinh doanh, bán hàng ăn uống trên trục đường chính dẫn vào khu thờ tự, mà di dời đi vị trí khác song chưa được giải quyết. 

Cùng trinh sát hóa trang thuộc Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường khảo sát quanh khu vực bến Trò những ngày sau Tết, PV ANTĐ ghi nhận nhiều nhà hàng ăn uống như: Năm Thành số 2, Chiến Thắng, Quỳnh Phương, Lý Tưởng, Doãn Mị… vẫn ngang nhiên treo móc, xẻ thịt thú các loại, bày bán một số loài động vật nuôi nhốt như: hươu, nhím. Thượng tá Nguyễn Văn Quân - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho hay: Hươu, nhím là các loài động vật rừng đang được nhiều trang trại nuôi nhốt, nhân giống thành công, bán thịt dưới sự giám sát của cơ quan kiểm lâm.

Thực tế kiểm tra nhiều cửa hàng bán các loại thịt thú ở bến Trò, sân chùa Thiên Trù cho thấy, chủ cơ sở đều xuất trình được giấy tờ mua bán, chứng minh nguồn gốc động vật ở các trang trại, cơ sở nuôi nhốt, có biên bản kiểm tra lâm sản của cơ quan kiểm lâm. Với đầy đủ giấy tờ hợp lệ, cơ quan công an không thể xử phạt họ về hành vi kinh doanh thịt thú trái phép. Hiện có 3 vi phạm mà các lực lượng dễ “bắt lỗi” những cơ sở này đó là: Treo móc thịt thú như bò, bê không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y; thực phẩm không được lưu giữ, bảo quản theo quy định; hoặc kinh doanh hàng ăn uống khi chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, mức phạt trung bình từ 300.000 đồng - 750.000 đồng/lỗi. Tuy nhiên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xử lý, tịch thu hàng hóa khi phát hiện các lỗi vi phạm nêu trên lại thuộc 2 ngành Thú y và QLTT. Khảo sát, thống kê nhóm 3 vi phạm trên ở chùa Hương từ đầu mùa đến nay, có thể thấy các 2 lực lượng trên đang “bỏ ngỏ” địa bàn, “tiếp tay” cho vi phạm tràn lan, bất chấp các quy định, chỉ đạo của UBND TP. 

Muốn dẹp tình trạng bày bán, treo móc thịt thú tại chùa Hương cần có một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa 4 bên: Công an, Kiểm lâm, Thú y và QLTT trong tuần tra, kiểm tra, xử lý. Còn như hiện nay, các nỗ lực tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở của ngành công an chỉ như “ném đá ao bèo”, vi phạm nhanh chóng tái diễn khi vắng bóng các lực lượng vì thiếu chế tài, thiếu thẩm quyền xử lý. Vậy nhưng, dù có sự kết hợp của 4 ngành nói trên cũng chỉ là điều kiện cần để “xóa” những hình ảnh phản cảm! Còn...          

(Còn nữa)